'Lên đồ' Việt phục đón Tết cực 'slay': Loạt bí kíp giúp Gen Z diện đồ 'chuẩn chỉnh'

Đâu chỉ có áo dài, nhiều tín đồ thời trang đã bắt đầu tìm hiểu về áo tứ thân, áo Giao lĩnh, áo bà ba… để dạo phố nhân dịp năm mới.

Cẩm nang nhậndiện Việt phục

Việt phục hay Việt cổ phục là cách gọi ngắn gọn của y phục truyền thống Việt Nam. Theo mỗi giai đoạn, các loại Việt phục được biến tấu về thiết kế cũng như có nhiều cách gọi khác nhau, ví dụ như áo Đối khâm vì có 4 thân nên dân gian còn gọi là áo tứ thân.

Từng tham gia trình diễn thời trang cho dự án Tóc Xanh Vạt Áo, bạn Khánh Linh (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Lần đó mình được diện trang phục Nhật Bình. Tuy không quá hiểu biết tường tận về các loại Việt phục nhưng mình đã phân biệt được một số loại cổ áo phổ biến thời xưa nhờ tham gia sự kiện”.

Ảnh: V'style

Teen trong bộ cánh xưa nhưng không cũ. Ảnh: FBNV

Vì gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của nước nhà nên tủ đồ Việt phục cũng vô cùng phong phú. Chẳng hạn như áo Giao Lĩnh cũng có nhiều phiên bản: Giao Lĩnh triều Lê sẽ có 6 thân nhưng ở triều Nguyễn thì chỉ còn 5 thân.

Bạn Xuân An (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Theo mình tìm hiểu thì Việt phục thường dùng để chỉ trang phục truyền thống của người Kinh. Trang phục truyền thống thì gồm có thường phục và trang phục đặc biệt. Các trang phục của tầng lớp vua chúa như Nhật Bình hay Hoàng Bào là trang phục đặc biệt hay còn được gọi là cổ phục”.

Bộ ảnh gây sốt của Lọ Lem với vẻ đẹp dịu dàng trong bộ áo Nhật Bình. Ảnh: FBNV

Đứng đầu “hot search” Việt phục năm 2023 phải kể đến áo Nhật Bình với những tông màu nổi bật. Nằm trong danh mục Cổ phục Cung đình, áo Nhật Bình là thường phục của Hoàng hậu, Phi tần và Công chúa cung đình Huế. Sở dĩ lấy tên Nhật Bình là vì hoa văn ở cổ áo khi ghép lại tạo thành hình chữ nhật ngay trước ngực. Sau thời Nguyễn, áo Nhật Bình trở thành loại trang phục được giới quý tộc ưa chuộng trong những dịp trang trọng.

Công thức “cách tân” chuẩn vị

Một số loại Việt phục, tiêu biểu nhất là áo dài khi được cách tân từng gây nhiều tranh cãi. Sự biến tấu đôi lúc gây hiểu nhầm do chưa phù hợp. Chẳng hạn như “làn sóng” cổ áo sườn xám, thân áo dài nhưng lại phối cùng chân váy ren gây tranh cãi một thời. Bạn Lý Lệ Quân (sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung, ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Mình có một vài người bạn Trung Quốc, họ gửi mình xem những bức ảnh người Việt mình mặc trang phục áo dài cách tân và bảo đây là trang phục của nước họ. Mình cảm thấy việc biến tấu cần thận trọng vì nhiều khi dễ gây ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng về văn hóa”.

Việc trang bị những kiến thức cơ bản về Việt phục cũng phần nào giúp teen diện đồ “chuẩn chỉnh”. Một số kênh thông tin uy tín, chuyên chia sẻ các kiến thức về Việt phục mà teen có thể tham khảo là: Đại Việt Cổ Phong, Đồng Bào Việt Phục, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi…

“Nếu thật sự bạn hứng thú và mong muốn tìm hiểu về Việt phục thì có thể tìm đọc sách để có được thông tin chính xác. Các nguồn dẫn trên mạng có thể sẽ không đúng vài chi tiết”, Xuân An cũng gợi ý một số đầu sách dành cho người mới bắt đầu như Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Ngàn năm áo mũ (Trần Quang Đức), Hỏi đáp về trang phục truyền thống Việt Nam (Phạm Anh Trang)…

Tủ đồ Việt phục rực rỡ

Những năm gần đây, trào lưu diện Việt phục để xuống phố nhân dịp lễ Tết dần được Gen Z “lăng xê”. Tủ đồ Việt phục của teen không chỉ có áo dài, một số trang phục khác như áo Tấc, áo Nhật Bình, áo yếm… cũng ngày càng chiếm spotlight. Tuy nhiên, vì độ tinh xảo và sự đầu tư trong từng chi tiết thiết kế, giá thành của các “bộ cánh” Việt phục thường khá cao. Thay vì mua, teen ưu tiên phương án thuê theo ngày để diện vào những dịp lễ hoặc để chụp hình.

Ảnh: V'style

Khánh Linh chia sẻ: “Mỗi lần đến những địa điểm như Kinh Thành Huế, chùa Thiên Mụ… thì mình sẽ thuê Việt phục ở những quầy hàng gần đấy. Mình nhớ là tầm 200 hay 300 “cành” gì đó một lần. Mình siêu thích mặc áo tấc với áo ngũ thân vì trông cực kỳ sang, cảm giác bản thân nữ tính hơn nhiều”.

Một số địa điểm thuê Việt phục giá phải chăng:

1. V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân - Tầng 3, tòa nhà 276 đường Láng, Đống Đa, Hà Nội.

2. Hoa Nghiêm Cổ Phục Việt - 5 Vạn Xuân, Kim Long, TP. Huế, Thừa Thiên Huế.

3. Bảo tàng Áo Dài Việt Nam - 206/19/30 Long Thuận, P. Long Phước, Q.9, TP.HCM.

Đặc biệt, Bảo tàng Áo dài Việt Nam không chỉ sở hữu tủ đồ Việt phục phong phú với mức giá phải chăng mà còn có không gian triệu view để teen tha hồ bấm máy. Chuẩn bị đón Xuân về, diện một bộ Việt phục với 7749 phụ kiện như guốc, mấn, trâm cài… để xuống phố ăn chè, uống trà sữa thì quá là đẹp và cá tính nha!

CÁ MÈO - NHƯ PHƯƠNG

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/len-do-viet-phuc-don-tet-cuc-slay-loat-bi-kip-giup-gen-z-dien-do-chuan-chinh-post1610445.tpo