Lee& Man vẫn phải đợi phê duyệt ĐTM dự án nhà máy giấy

Dù đã chủ động tạm dừng đầu tư dự án nhà máy sản xuất bột giấy và chỉ còn tập trung hoàn thiện, đi vào chạy thử nhà máy sản xuất giấy bao bì, song Công ty sản xuất giấy Lee&Man Việt Nam phải đợi báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của họ có được phê duyệt hay không.

Dự án của Lee&Man tại Hậu Giang Ảnh:TL

Theo dự kiến ban đầu và giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp năm 2008 bởi UBND tỉnh Hậu Giang, Lee&Man sẽ đầu tư vào hai dự án sản xuất bột giấy và sản xuất giấy bao bì tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A (Châu Thành, Hậu Giang). Dự án đầu có tổng mức đầu tư 349 triệu đô la Mỹ và dự án thứ hai có tổng mức đầu tư 280 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, từ 9 năm trước và liên tục đến nay, Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã gửi các văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNN) đề nghị xem xét lại việc xây dựng nhà máy này, nhất là việc xả thải ra sông Hậu của dự án sản xuất bột giấy. Lý do là theo thiết kế của nhà máy bột giấy công suất 330.000 tấn/năm sẽ thải xút (NaOH) ra môi trường, đặc biệt nguy hiểm. Giấy phép xả thải được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cấp năm 2015 đã không thực hiện công đoạn tham vấn cộng đồng. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ TN-MT thanh tra việc tuân thủ điều kiện môi trường ở đây từ tháng 6-2016.

Bộ Công Thương cũng từng có đề xuất lên Chính phủ không cho triển khai dự án bột giấy vì lo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Dự án sản xuất giấy bao bì dù thiết kế cơ sở chưa được các bộ phê duyệt nhưng do ít ô nhiễm hơn và đã đầu tư được gần hai năm nên xem xét cho tiếp tục hoàn thành.

Đó cũng là lý do mà trước khi dự án sản xuất giấy bao bì công suất 420.000 tấn/năm chuẩn bị chạy thử và đi vào sản xuất, công ty này đã tổ chức họp báo tại Hà Nội (1-11) nhằm thông tin, giảm bớt sự e ngại của dư luận.

Theo lời ông Patrick Chung, Tổng giám đốc điều hành Công ty Lee&Man Việt Nam, ĐTM của cả hai dự án được phê duyệt năm 2008 vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, nhà đầu tư đến từ Hồng Kong đã quyết định dừng dự án sản xuất bột giấy và đầu tư, hoàn thiện ĐTM cho riêng nhà máy sản xuất giấy bao bì. “Chúng tôi tin tưởng báo cáo ĐTM của dự án sản xuất giấy sẽ được phê duyệt sớm”, ông Chung nói.

Hay nói khác đi là đến nay, ĐTM của dự án còn lại vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua, cho dù dự án đã hoàn tất việc lắp đặt và hiệu chỉnh thiết bị, sẵn sàng chạy thử và đi vào sản xuất trong thời gian tới.

Nói về giải pháp bảo vệ môi trường của Lee&Man, doanh nghiệp này cho rằng họ đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại bậc nhất so với các nhà máy giấy trên thế giới song không cho biết cụ thể công nghệ xuất xứ từ đâu và mức đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng mức đầu tư của dự án. “Chúng tôi không tính bao nhiêu tiền để đầu tư xử lý chất thải và việc đầu tư đó phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Chúng tôi cũng không tính xem cần bao nhiêu tiền để đáp ứng tiêu chuẩn đó”, ông Chung nói.

Giải thích thêm, công ty này cho biết, mỗi tấn giấy chỉ sử dụng 10-11m3 nước. Với công suất 420.000 tấn/năm, lượng nước thải của dây chuyển sản xuất bao bì vào khoảng 12.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 1 đã lắp đặt cho phép xử lý nước thải công suất 20.000 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý lý hóa và sinh hóa bậc 3. Một hồ sinh thái với thể tích 40.000m3 được xây sau hệ thống xử lý nước thải và có hệ thống quan trắc tự động để ổn định nước thải trước khi bơm vào đường ống xả thải. Nếu chất lượng quan trắc vượt quá giới hạn cho phép, van xả thải sẽ đóng và toàn bộ nước thải được đưa về bể sự cố. Sau hai giờ, sự cố chưa được khắc phục thì nhà máy sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn cho đến khi sự cố được giải quyết.

Hệ thống xử lý nước thải, theo tự đánh giá của doanh nghiệp là cho phép ngăn chặn mọi nguy cơ gây hại cho môi trường và tuân thủ điều kiện cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam về nước xả thải.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153349/lee-man-van-phai-doi-phe-duyet-dtm-du-an-nha-may-giay.html/