'Lệch pha' qui định

Mới đây, Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư 01/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của NĐ79/2012/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và NĐ15/2012/NĐ-CP bổ sung một số điều của NĐ72. Thế nhưng không hiểu có sự nhầm lẫn nào không mà thông tư nói trên đang khiến giới nhạc sĩ chưa đồng tình.

Lùng bùng quyền tác giả

Tác quyền âm nhạc vẫn luôn là vấn đề khiến giới nhạc sĩ quan tâm. (Ảnh tư liệu).

Bộ VHTT&DL cho biết, vào ngày 20-4 tới đây Bộ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc, phổ biến Nghị định 15 và Thông tư hướng dẫn thực hiện số 01. Theo Bộ VHTT&DL, việc sớm có thông tu hướng dẫn sẽ giúp quá trình triển khai Nghị định 15 sâu sát hơn vào lĩnh vực quản lý biểu diễn nghệ thuật, thời trang… Theo đó, mọi thắc mắc liên quan đến sự “lệch pha” giữa các văn bản sẽ được giải đáp tại cuộc họp tới đây.

M.Q

Cụ thể, khi Nghị định 15/2015 bổ sung một số điều của Nghị định 79 ra đời trước đó đã không khỏi khiến giới nhạc sĩ hồ hởi bởi căn cứ theo điều khoản đã đảm bảo quyền lợi cho giới sáng tác âm nhạc. Theo đó, căn cứ vào các điều khoản về thủ tục với giới sáng tác âm nhạc, để đảm bảo quyền lợi sẽ có một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Đây cũng được xem là “bằng chứng pháp lý” để đơn vị bảo vệ bản quyền tác giả có thể làm việc rõ ràng, minh bạch với các đơn vị vi phạm tác quyền.

Tuy nhiên, bất cập đã nảy sinh khi có Thông tư 01/2016 hướng dẫn thực hiện Nghị định 15. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VPCMC) cho hay: “Tại Điều 9 của Nghị định bổ sung có quy định thẩm quyền và thủ tục cấp, thu đổi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có một thủ tục mà tôi thấy rất vui. Đại thể là khi đơn vị muốn cấp giấy phép biểu diễn ngoài những quy định khác, đơn vị đó phải có được 1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng, hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, thông tư hướng dẫn số 01 nói trên đang mâu thuẫn với NĐ 15 vừa bổ sung, sửa đổi, khi mà các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả bị gạt ra ngoài, không kiểm soát được quyền sở hữu tác phẩm của mình.

Dẫn chứng cho điều này, nhạc sĩ Phó Đức Phương đưa ra Đơn cam kết thuộc mẫu số 14 mà thông tư 01 hướng dẫn. Cụ thể, với các mẫu đơn như vậy thì giới nhạc sĩ có thể hiểu là đó chỉ là lời hứa đơn phương của một người nào đó đối với quyền tác giả tác phẩm, và như vậy, nó chẳng có ý nghĩa gì trong việc bảo vệ nhạc sĩ như Điều 9/ NĐ15/2016 vừa ban hành. Cùng quan điểm, chuyên gia sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến cho rằng về mặt văn bản, Đơn cam kết số 14 trong thông tư 01 có nhiều điểm còn phải đặt dấu hỏi, thông tư là hướng dẫn thực hành nghị định nhưng lại hướng dẫn không dựa trên tinh thần của nghị định. Ở đó, cụm từ cam kết trong đơn này là còn nhẹ, chưa đủ chế tài, và cam kết với ai, với tác giả hay chủ sở quyền với tác phẩm thì mẫu đơn này không có. Cam kết là phải có hai bên, và chặt hơn nữa phải có người làm chứng nhưng trong mẫu đơn, phần bên dưới có mỗi cụm từ “đại diện theo pháp luật của tổ chức thông báo” phải ký tên, đóng dấu.

Giới nhạc sĩ bất bình

Theo ông Đỗ Khắc Chiến, việc thông tư hướng dẫn lệch pha với Nghị định như thế này sẽ có tác hại vô cùng trong quá trình thực thi quyền tác giả, tác phẩm. Bởi sẽ có nhiều người lợi dụng để không thi hành pháp luật, nói đúng hơn là “lách luật”. Ông Chiến cũng nói rõ nếu làm việc kiểu trên giời như vậy thì chúng ta sẽ không thể tiến tới chuyên nghiệp hóa trong tiến trình Việt Nam ra nhập TPP.

Hiện mới chỉ có giới nhạc sĩ lên tiếng xung quanh vấn đề này. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chia sẻ: Trung tâm VCPMC thành lập được 14 năm nhưng đến nay mới chỉ thu được tối đa 15% tiền tác quyền cho các nhạc sĩ. Như vậy còn đến 85% tiền tác quyền chưa thu được. Nhìn ra thế giới, sang các nước láng giềng, có thể nói chúng ta ở trong tình trạng không còn văn minh. Một quý chúng tôi chỉ có được chừng 3, 4 triệu đồng, một năm chưa đến 10 triệu đồng tiền tác quyền. Còn nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cũng chia sẻ rằng, quá trình làm PGĐ Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội ông luôn thực hiện đúng nguyên tắc. Đơn vị nào xin cấp phép biểu diễn đều phải có thỏa thuận tác quyền thật đàng hoàng với tác giả ông mới ký. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với đứa con tinh thần của tác giả. Trong khi đó, nhạc sĩ Doãn Nho thì kêu trời, rằng cần phải làm minh bạch hơn nữa quyền tác giả để nhạc sĩ yên tâm sáng tác. Các tác phẩm của ông lâu nay cũng vậy, ai hát cứ hát, hiếm khi ông được quan tâm trả tác quyền âm nhạc.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới VCPMC sẽ có công văn gửi lên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội, Bộ VHTT&DL để làm rõ cũng như đảm bảo quyền lợi cho giới nhạc sĩ.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/lech-pha-qui-dinh/97078