Lễ tri ân Macchabeé, lại nhớ thầy Nguyễn Quang Quyền

PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền (sinh ngày 23/9/1934, mất ngày 15/11/1997) là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học.

PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền (sinh ngày 23/9/1934, mất ngày 15/11/1997) là chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các lĩnh vực giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học. Cuộc đời giảng dạy và nghiên cứu khoa học của ông gắn liền với Trường đại học Y khoa Hà Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Hội Hình thái học Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm các cương vị là Chủ tịch Hội Hình thái học Việt Nam, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Phó trưởng Khoa Y - Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và kiêm Trưởng Bộ môn Giải phẫu của trường.

Bộ môn Giải phẫu học tiền thân là Cơ thể học viện nằm trên đường Trần Hoàng Quân (nay là đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5). Do GS. Nguyễn Hữu chủ trương và điều hành từ năm 1956. Trước đó, sinh viên y khoa thực tập cơ thể học chủ yếu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khi Đại học Y khoa Sài Gòn được xây dựng, hoàn tất vào giữa năm 1966 trên đường Hồng Bàng, quận 5. Bộ môn Cơ thể học chính thức dọn về toàn bộ tầng 1 của tòa nhà. Tiếp theo GS. Nguyễn Hữu, các thầy kế nhiệm lần lượt là GS. Trần Anh, GS. Nguyễn Đức Nguyên và GS. Nguyễn Ngọc Kính đã điều hành bộ môn cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Sau 1975, GS. Nguyễn Ngọc Kính vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò Trưởng Bộ môn với Ban Giảng huấn là các bác sĩ cán bộ giảng của cả hai miền Nam - Bắc.

PGS.BS. Nguyễn Quang Quyền.

Năm 1979, trong bối cảnh rất khó khăn của đất nước sau ngày giải phóng, giảng viên Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh rất thiếu, một số người không an tâm đã tìm cách ra đi... Các bộ môn thuộc khối Y học cơ sở đã thiếu, lại càng thiếu hơn. Giữa lúc đó, thầy Nguyễn Quang Quyền được chuyển từ Đại học Y khoa Hà Nội vào công tác tại Bộ môn Giải phẫu, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Cán bộ giảng của Bộ môn lúc đó chỉ có thầy chủ nhiệm là GS. Nguyễn Ngọc Kính thuộc lớp đàn anh của thầy Quyền, hai thầy cũng đã quen biết nhau và có một số bác sĩ khác: BS. Ngô Trí Hùng - chuyên khoa Giải phẫu du học từ Đức, BS. Trịnh Văn Chuyên (ĐH Y Hà Nội) đi B từ chiến khu về, BS. Phan Bảo Khánh - chuyên khoa Giải phẫu (Đại học Y Hà Nội) - học trò cũ của thầy đang làm Trưởng khoa Ngoại - Sản, Bệnh viện tỉnh Bến Tre cũng được chuyển về Bộ môn. Để ổn định tổ chức, một số bác sĩ tốt nghiệp từ những khóa đầu tiên sau 1975 như BS. Nguyễn Trung Vinh, BS. Lê Văn Cường, BS. Nguyễn Thiện Hùng, BS. Dương Văn Hải, BS. Lương Thị Bạch Vân và sau đó là BS. Trần Hùng, BS. Nguyễn Hùng Vân được thầy mời lại, trở thành lứa giảng viên biên chế chính thức đầu tiên. Bằng trí tuệ và lòng say mê công việc, thầy đã lôi cuốn tất cả mọi người như một thanh nam châm cuốn hút mọi cán bộ nhân viên già, trẻ, cũ, mới cùng nhanh chóng hòa nhập để hoạt động một cách đồng bộ làm nên sức mạnh mới của bộ môn. Cán bộ, nhân viên bộ môn lúc đó vô cùng ngạc nhiên và không thể quên, ngày đầu khi thầy chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, đồ đạc chỉ vài vali nhỏ, còn lại là hàng chục thùng gỗ lớn đựng tài liệu, sách, vở và toàn bộ seri hơn 100 sọ người mà thầy đang nghiên cứu. BS. Võ Văn Trương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ lúc đó rất vất vả để làm thủ tục vận chuyển số xương sọ lên tàu hỏa và ôtô.

Năm 1983, thầy Kính nghỉ hưu, thầy Quyền làm Chủ nhiệm Bộ môn, thầy đã nhanh chóng tổ chức việc thống nhất danh từ giải phẫu học trong cán bộ giảng bộ môn cũng như trong trường, làm cơ sở cho việc thống nhất danh từ y khoa giữa miền Nam, miền Bắc và hòa nhập với danh pháp giải phẫu học quốc tế. Bộ môn dưới sự dìu dắt của thầy cũng là một trong những bộ môn thực hiện việc viết tài liệu giảng dạy và viết sách giáo khoa đầu tiên trong trường. Giải phẫu học là một môn học cụ thể nhưng tài liệu, học cụ khi đó rất khó khăn, do đó thầy đã yêu cầu làm mô hình, vẽ tranh minh họa giải phẫu, một phong trào sôi nổi ở Bộ môn lúc đó là làm tiêu bản, cắt cúp, khâu mô hình bằng vải, đúc mô hình thạch cao. Các giảng viên và kỹ thuật viên (Trường, Tâm, Loan, Ninh, Mai, Trân), các nhân viên (Lân, Thân, Thừa, Pháo, Lâu) đã có sáng kiến dùng đèn chiếu sách, chiếu hình vẽ lên nền giấy trắng và vẽ lại... như một bức tranh photocopy phục vụ cho giảng dạy. “Xưởng sản xuất” học cụ đã có nhiều sản phẩm tốt, kịp thời phục vụ. Các trường đại học khác có dạy giải phẫu cũng đến học tập và xin hỗ trợ tranh vẽ, mô hình. Phương tiện giảng dạy thiếu, máy chiếu Slide, Overhead không đủ nên các giảng viên trẻ đứng lớp lúc đó rất thiếu tự tin, thầy đã kể lại câu chuyện khi dự hội nghị về sư phạm y học tại New Zealand năm 1984, mỗi thành viên sẽ được trình bày một bài giảng tự chọn, ban tổ chức đã chuẩn bị mọi máy móc, công cụ hỗ trợ theo yêu cầu. Tới lượt thầy, thầy không yêu cầu gì, chỉ cầm theo mấy viên phấn màu và bước lên bục giảng trước sự ngạc nhiên của mọi người... Kết quả: PGS. Nguyễn Quang Quyền được bình chọn là người giảng lý thuyết giải phẫu học xuất sắc và chuyên nghiệp nhất mặc dù tham dự hội nghị đều là những giáo sư giải phẫu nổi tiếng của nhiều trường đại học trên thế giới. Thầy nói với chúng tôi: “Đừng tự ti, chúng ta không thể có nhiều phương tiện như các nước phát triển nhưng chúng ta vẫn có thể có những bài giảng thật hay, bằng cách làm của chúng ta”. Hình ảnh người thầy phong trần như một nghệ sĩ, đeo kính trắng, tay trái cầm hộp phấn màu, miệng giảng bài, tay phải vẽ hình giải phẫu “múa” trên bảng như một họa sĩ tài hoa... những chi tiết giải phẫu khô khan, rối rắm trở nên sinh động, đơn giản và dễ hiểu. Giờ giảng của thầy luôn có sức lôi cuốn một cách kỳ diệu làm say mê mọi thế hệ sinh viên. Các giảng viên trẻ chúng tôi lúc đó cứ có bài của thầy là tới dự giờ, học tập phong cách, kỹ năng sư phạm... Thầy lại thường xuyên tổ chức dự giờ, bình giảng lại cho từng người, do đó chúng tôi đã không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào phương tiện, có đủ kỹ năng và sự tự tin để “nhảy múa với phấn màu” và cho những bài giảng thật hay.

Thầy Quyền và thầy Trịnh Đức Tâm là những người đầu tiên nêu vấn đề sư phạm trong y học và đã trực tiếp tham gia thành lập, giảng dạy môn Sư phạm Y học & Phương pháp nghiên cứu khoa học. Đến nay, môn học này là môn học bắt buộc cho tất cả giảng viên của các trường đào tạo y khoa trong cả nước. Thầy cũng là người đầu tiên khởi xướng chương trình lượng giá bằng tổ chức thi trắc nghiệm, xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhờ vậy toàn bộ các bộ môn tại Đại học Y Dược đều tổ chức viết sách giáo khoa và phần lớn đã thực hiện thi trắc nghiệm.

Một buổi chiều cuối năm 1990, sau chuyến công tác tại Pháp, thầy gọi tôi vào phòng, nói với tôi những băn khoăn về nguồn xác sẽ không còn để giảng dạy, về lòng kính trọng, về nghĩa vụ, bổn phận của thầy trò trường y khi được tiếp nhận, sử dụng những thi hài phục vụ cho giảng dạy, nghiên cứu và học tập y khoa. Thầy kể cho tôi nghe về lễ Macchabeé và muốn tôi tổ chức Lễ tri ân Macchabeé tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, tôi thưa với thầy: “Em cảm nhận được mọi điều thầy nói nhưng em không biết phải làm như thế nào và bắt đầu từ đâu”. Thầy cười: “Lối đi dưới chân mình”. Thầy kể lại cách làm của sinh viên Pháp và sinh viên Việt Nam trước 1954 khi thầy còn học Trường đại học Y khoa ở Hà Nội. Thầy rất tâm đắc với lễ Macchabeé và coi đó là tình cảm thiêng liêng, trân trọng của những người đã học ngành y, dành để tri ân những thi hài đã phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, học tập y khoa.

Lễ hội Macchabeé cũng là một thông điệp gửi tới người dân về việc thiếu xác giảng dạy và tấm lòng tri ân của thầy trò trường y. Đề nghị của thầy được GS. Trương Công Trung - Hiệu trưởng, tập thể Ban Giám hiệu và đông đảo sinh viên hưởng ứng. Các lớp sinh viên tổ chức thi sáng tác bài văn tế, câu chữ còn được nhà văn Phi Long tự nguyện chỉnh sửa... Việc tổ chức lễ tri ân mỗi năm một hoàn thiện hơn, quy mô và trang trọng hơn, sinh viên đã cảm nhận được ý nghĩa và trách nhiệm học tập của mình, còn nhân dân thì tích cực ủng hộ. Vì vậy, khó khăn do thiếu xác trong đào tạo đã được quần chúng nhân dân chia sẻ.

Thầy Nguyễn Quang Quyền là người giảng lý thuyết giải phẫu học xuất sắc.

Đến nay (2016), sau 26 năm tổ chức, thực hiện, Đại học Y Dược đã nhận 27.311 đơn tình nguyện và đã tiếp nhận 736 thi hài như một món quà của những người đã khuất dành tặng cuộc sống, nhờ đó nhà trường đã có đủ điều kiện đảm bảo việc thực hành cho sinh viên, học viên sau đại học và phục vụ tốt cho mọi đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan. Với tính chất nhân văn to lớn đó, lễ tri ân Macchabeé do thầy khởi động từ Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng lan truyền, phổ biến, trở thành một ngày lễ truyền thống cho tất cả các trường y khoa của Việt Nam. Thầy là một nhà khoa học uyên bác, thông tuệ, tinh tế, vô cùng sắc sảo và giàu lòng nhân ái. Thầy quan tâm đến từng cá nhân, từng gia đình cán bộ viên chức trong Bộ môn. Đối với chúng tôi, thầy là điểm tựa để vươn lên, là bệ phóng của những thành công, là một vùng trời bình yên trong những cơn sóng gió của cuộc đời. Tất cả các giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên trong Bộ môn dưới sự dìu dắt của thầy, đến nay đều trưởng thành, là những nhà khoa học, cán bộ quản lý, những thầy giáo, cô giáo yêu nghề, có đủ phẩm chất, năng lực, có nhiều đóng góp cho ngành, cho xã hội. Học trò của thầy cũng rất tự hào vì không có người nào đi sai đường, lạc lối... Tiếp xúc gần gũi với thầy, mọi người trong Bộ môn còn được tiếp xúc gần gũi với “các người bạn khác” của thầy: thầy Quang, anh Thiết Hùng, anh Quyền B... và rất nhiều người khác cũng trở thành những người thầy, người anh thân thiết của Bộ môn.

Thầy rất sắc sảo, tinh tế, phát hiện những khả năng tốt nhất của mỗi người và gắn kết mọi người để giúp nhau trong những điều kiện có thể, cùng vui chơi, “du hý” thư giãn, những chuyến đi nghỉ hè, dã ngoại luôn cuốn hút và làm mọi người gần nhau, thông cảm và yêu thương nhau hơn. Thầy luôn dạy chúng tôi đoàn kết là nền tảng của sự phát triển. Sự lôi cuốn và hấp dẫn từ thầy không phải chỉ trong Bộ môn, bạn bè gần xa mà còn tỏa lan đến các cháu nhỏ, con của các cán bộ viên chức. Ngày thầy mất, cháu Minh Quang (con CN Sao Mai) làm thơ viếng thầy, cháu Minh Ngọc (con BS. Bảo Khánh) khi ấy mới 11-12 tuổi viết trong sổ tang: “Thầy ơi, chúng con chưa bao giờ được nghe thầy giảng bài vì chúng con còn nhỏ chưa được là sinh viên, nhưng chúng con rất yêu quý thầy. Đứa nào cũng mong chờ Bộ môn họp mặt, đi chơi để được xúm quanh thầy, khi đó con luôn được ngồi vào lòng thầy. Nghe thầy kể chuyện mới thấy vui và gần gũi làm sao. Con nghe nói rằng, những người tốt khi qua đời sẽ biến thành một ngôi sao sáng... Đêm nay theo ba con đến bên linh cữu thầy, con ra sân trường nhìn lên trời cao, tìm thầy trong những ngôi sao sáng nhất. Có lần bọn trẻ con trong Bộ môn hỏi nhau, chúng mình phải gọi là ông Quyền mới đúng, tại sao ai cũng gọi là thầy... con mới nói rằng cả nước Việt Nam gọi Bác Hồ là Bác thì mọi người đều gọi thầy Quyền là thầy, như vậy có sao đâu. Không biết có đúng không nhưng tất cả bọn trẻ chúng con đều đồng ý...”. 19 năm qua, Bộ môn Giải phẫu của chúng tôi, Trường đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh của chúng tôi vắng bóng thầy nhưng hình ảnh và giọng nói ấm áp, dễ hiểu của thầy vẫn được chiếu lên trong những giờ lên lớp, bài giảng của thầy vẫn còn tươi mực trên mỗi trang sách giáo khoa, những câu chuyện về thầy luôn được nhắc đến trong bất kỳ mọi cuộc gặp gỡ. Vắng bóng thầy đã 19 năm nhưng ở Bộ môn Giải phẫu, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, thầy Quyền vẫn luôn hiện hữu cùng chúng tôi, vẫn mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh trong trái tim những người học trò cũ của thầy...

BS. Phan Bảo Khánh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/le-tri-an-macchabee-lai-nho-thay-nguyen-quang-quyen-n127871.html