Lệ Thanh anh hùng

Lâu lắm rồi tôi mới có dịp lên công tác ở vùng biên giới Gia Lai. Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác chúng tôi là CKQT Lệ Thanh, nơi có cột mốc biên giới 30 - biểu tượng mới của tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước láng giềng Việt Nam - Campuchia. Không chỉ là cửa ngõ giao lưu hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai tỉnh Gia Lai (Việt Nam) và Rattanakiri (Campuchia), cột mốc 30 còn là nơi ghi dấu chứng tích về tinh thần chiến đấu, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Ia Kla - Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh ngày nay.

CB, CS Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh tuần tra, bảo vệ cột mốc 30. Ảnh: Đăng Bảy

CB, CS Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh tuần tra, bảo vệ cột mốc 30. Ảnh: Đăng Bảy

Anh dũng trong chiến đấu

Cùng đi với chúng tôi ra CKQT Lệ Thanh, Trung tá Trần Mạnh Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh chia sẻ: " Ra đời trong khói lửa chiến tranh, trưởng thành trong gian khó, nhưng gần 50 năm qua, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Ia Kla - nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Lệ Thanh, BĐBP Gia Lai luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc của chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đặc biệt, trong chiến tranh biên giới, vì nằm trên tuyến đường 14C, giáp với biên giới và là địa bàn chiến lược, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh và các khu vực lân cận là hướng tấn công chủ yếu của quân Pol Pot".

Ông Rơ Lan Din (cư trú tại làng Nú, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) - cựu chiến sĩ Đồn CANDVT Ia Kla nhớ lại, thành lập tháng 6/1975, Đồn CANDVT Ia Kla được giao phụ trách địa bàn xã Ia Kla (nay là xã Ia Dom), huyện Đức Cơ và đoạn biên giới dài trên 16km. “Lúc đó, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, địa hình nhiều đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Lúc đầu, quân số của đơn vị chỉ có 23 CB, CS. Đồn trưởng đầu tiên là đồng chí Rơ Lan Nok” - ông Rơ Lan Din cho biết.

Trong khi vừa tự làm doanh trại, ổn định nơi ăn, chốn ở, vừa tiến hành các hoạt động bảo vệ biên giới, bảo vệ địa bàn thì Đồn CANDVT Ia Kla đã gặp phải các hành động khiêu khích, phá hoại của quân Pol Pot. Điển hình, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của Đồn CANDVT Ia Kla là 9 ngày đêm quyết tử, từ chiều tối ngày 18 đến ngày 27/6/1978.

Năm nay, ngoài 60 tuổi, cựu chiến binh Đoàn Khánh Tân - nguyên chiến sĩ Đồn CANDVT Ia Kla nhớ lại: "Chiều 18/6/1978, Pol Pot dùng hỏa lực từ các hướng đồng loạt bắn vào Đồn CANDVT Ia Kla và trụ sở các cơ quan đứng chân trên khu vực. Sau khi pháo chuyển làn, chúng hò hét xông lên đánh phá hòng chiếm đồn. Cùng với đó là cho nhiều toán trinh sát luồn sâu phía sau đồn, cài mìn, phục kích ngăn chặn đường tiếp viện của ta"...

Chỉ trong 3 ngày (từ ngày 19 đến ngày 21/6/1978), đơn vị đã phải hứng chịu hàng ngàn quả pháo cối các loại. Khuôn viên doanh trại của đơn vị gần như bị băm nát dưới đạn pháo quân thù. Mặc dù phải sống, chiến đấu, sinh hoạt dưới lòng đất, nhưng CB, CS Đồn CANDVT Ia Kla vẫn bình tĩnh dựa vào hệ thống hầm hào công sự chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của địch.

Biên giới lúc này luôn rền vang tiếng súng, ta càng đánh, tinh thần càng lên, địch càng tấn công càng phải đón nhận tổn thất to lớn. Sáng ngày 27/6, được sự chi viện lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy CANDVT Gia Lai và các đơn vị phối hợp, CB, CS Đồn CANDVT Ia Kla đã tiến hành phản công, đồng loạt đánh địch ở tất cả các khu vực. Bị tổn thất nặng nề, quân địch buộc phải tháo chạy sang bên kia biên giới.

Linh hoạt trong quản lý, bảo vệ biên giới, địa bàn

Trận chiến đấu ròng rã 9 ngày đêm phá vỡ vòng vây quân thù là khúc tráng ca bất tử, tạo nên vóc dáng của Đồn CANDVT Ia Kla. Để giữ vững biên giới, bảo vệ tài sản, tính mạng cho nhân dân, đã có 11 CB, CS của đơn vị đã nằm xuống nơi vùng đất biên viễn này. Máu đào của các anh đổ xuống đã góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của đơn vị. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ biên giới, ngày 20/12/1979, Đồn CANDVT Ia Kla vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

CB, CS Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

CB, CS Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới vừa kết thúc, quần áo còn vương mùi thuốc súng, CB, CS Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh lại bước vào cuộc chiến đấu mới, chống bọn phản động FULRO và những luận điệu chống phá tình đoàn kết quốc tế, đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Khi biên giới bình yên, phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp công tác, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Cùng với đó là phối hợp với địa phương và các ngành chức năng diệt “giặc đói”, xóa bỏ “giặc dốt”, giúp bà con trên địa bàn từng bước nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Nhiều năm qua, đơn vị đã thực hiện tốt các chương trình, mô hình như: “Mái ấm cho đồng bào nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống cho người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”..., góp phần chung sức cùng địa phương trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bằng việc tham gia ngày công lao động, hỗ trợ cây, con giống, hàng năm, đơn vị giúp đỡ 1-2 hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo Trung tá Trần Mạnh Hà, để thực hiện tốt nhiệm vụ, thời gian qua, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã độc lập và phối hợp với các lực lượng tuần tra, mật phục, kiểm soát bảo vệ biên giới, địa bàn được trên 110 đợt với gần 500 lượt CB, CS tham gia. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia tuần tra biên giới được 10 lần/240 lượt người tham gia...

Ông Nguyễn Tuấn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ, giúp sức của CB, CS Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh nên năm 2015, Ia Dom là xã đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một xã đặc biệt khó khăn với trên 20% hộ nghèo (năm 2010), đến nay, con số này chỉ còn khoảng dưới 9% trên tổng số gần 2.000 hộ gia đình trong toàn xã".

Sau gần nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, hy sinh nơi vùng biên viễn, đồng hành với chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công. Nhiều năm liên tục, đơn vị được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

Phương Vy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/le-thanh-anh-hung-post465702.html