Lễ kỷ niệm 30 năm trị vì của Pharaon Ai Cập xa xỉ cỡ nào

Vào những ngày này, tất cả quan quyền ở Ai Cập đều ca tụng Pharaon Ekhnaton và ai nấy đều tranh nhau tìm những lời hay nhất để ca ngợi, tôn vinh ngài.

 Một phân cảnh trong phim The Egyptian (1954).

Một phân cảnh trong phim The Egyptian (1954).

Lễ kỷ niệm tam thập chu niên vào mùa thu, sau mùa thu hoạch, khi nước sông bắt đầu dâng cao của Pharaon Ekhnato. Dù còn lâu mới được ba mươi năm Pharaon Ekhnaton trị vì Ai Cập song điều đó cũng không sao, vì từ xưa đã có tập quán là một pharaon có thể tổ chức lễ kỷ niệm ba mươi năm trị vì của mình bất cứ khi nào ngài muốn.

Sứ thần của Babylon đã tháp tùng một trong vô số những chị em cùng cha của vua Burraburiash đến làm phi cho Pharaon Ekhnaton, đồng thời xin hỏi công chúa của Pharaon về làm vương phi cho vua của mình. Điều này có nghĩa là Babylon tìm kiếm một hòa ước lâu dài với Ai Cập vì rất sợ người Hittite.

Đối với nhiều người, chỉ riêng ý nghĩ gửi công chúa con Pharaon tới hậu cung của vua Babylon đã là một sự sỉ nhục đối với Ai Cập, vì dòng máu linh thiêng của Pharaon không được hòa lẫn với máu của bộ tộc lạ. Nhưng Pharaon Ekhnaton không thấy có gì xúc phạm trong việc này. Ngài chỉ lo cho các hoàng nhi của mình, tim ngài run lên khi nghĩ công chúa bé bỏng phải cô đơn giữa vô số phi tần nơi xứ lạ và ngài nhớ đến những công chúa Mitanni đã chết trong hậu cung ở Thebes.

Nhưng tình hữu hảo với Burraburiash hết sức quý giá với ngài, nên ngài ưng thuận để con gái út của mình sang làm phi của vua Burraburiash. Tuy nhiên, công chúa chỉ mới vài tuổi, nên Pharaon hứa sẽ làm lễ cho công chúa về với vua Babylon trong sự hiện diện của sứ thần nước này và sẽ chỉ gửi con gái mình tới Babylon khi công chúa đến tuổi trưởng thành. Sứ thần Babylon rất vui với giải pháp này và chắc ông ta cũng sẽ hài lòng khi có được bất kỳ thiếu nữ quý tộc nào của Ai Cập dưới danh công chúa.

Nhờ những tin tốt lành này, Pharaon quên đi cơn đau đầu và dự lễ kỷ niệm tam thập chu niên của mình tại Akhetaton. Buổi lễ được Eje tổ chức thật xa xỉ bằng hết khả năng.

Các sứ thần từ xứ Kush dắt theo những con lừa vằn vện và hươu cao cổ lốm đốm hoặc ôm trong lòng những chú khỉ đuôi dài nhỏ xinh và giơ cao những con vẹt sặc sỡ trên tay đến ra mắt Pharaon.

Các nô lệ của họ mang đến ngà voi, cát vàng, lông đà điểu, hộp gỗ mun… làm quà tặng cho Pharaon, không thiếu những thứ mà xứ Kush luôn luôn đóng tô thuế cho Ai Cập. Ít người biết rằng Eje đã lấy quà từ trong kho của Pharaon và những chiếc giỏ mây đan được dùng để chứa cát vàng trở nên rỗng không.

Ít nhất Pharaon không hề biết, vì ngài rất vui khi nhìn thấy lượng quà phong phú này và khen ngợi lòng tận trung của xứ Kush. Các món quà của vua Babylon cũng được khiêng đến trước Pharaon. Còn sứ thần của Crete mang đến trước ngài những chiếc cốc kỳ lạ và rất nhiều bình chứa đầy loại dầu tốt nhất. Cả Aziru cũng gửi quà cho Pharaon, vì ông ta được hứa sẽ có nhiều món quà đáp lễ nếu ông ta chịu làm việc này và cũng vì sứ thần của ông ta sẽ có cơ hội dò xét Ai Cập cũng như ý định của Pharaon.

Thế là sau vụ thu hoạch ngũ cốc và trong những ngày thu này, tất cả sự huy hoàng và giàu có của Ai Cập cổ đại đều tụ hội về Akhetaton và Thành phố Thiên Đường, vốn đã như một giấc mơ rực sáng, hiện lên lung linh với muôn màu sắc rực rỡ dưới bầu trời.

Vào những ngày này, tất cả quan quyền ở Ai Cập đều ca tụng Pharaon Ekhnaton và ai nấy đều tranh nhau tìm những lời hay nhất để ca ngợi, tôn vinh ngài. Các đội lính cấm vệ của thành phố cũng là một cảnh tượng hùng dũng và oai nghiêm khi họ diễu hành thành một khối, chân trái giơ về phía trước, bước theo nhịp đều răm rắp, mũi giáo sáng rực ánh lên màu xanh lam trong nắng, khiến từ xa không ai có thể phát hiện ra mũi giáo chỉ là gỗ sơn, cứ nghĩ là mũi giáo đồng, và rất kinh ngạc trước sức mạnh của Pharaon.

Sau các đoàn diễu hành và nghi lễ, Pharaon Ekhnaton dẫn công chúa bé bỏng chưa tròn hai tuổi với những bước đi chập chững đến đền thờ Aton. Trong đền thờ, ngài để công chúa đứng bên cạnh sứ thần Babylon và các giáo sĩ đập vỡ vò giữa hai người theo phong tục.

Đây là một khoảnh khắc đáng nhớ vì nó củng cố tình hữu hảo và liên minh giữa Babylon với Ai Cập, xua tan những bóng tối đáng sợ trong tương lai. Ít nhất là chúng tôi, những người am tường về quan hệ giữa các dân tộc trong những cuộc trao đổi thâm nghiêm, nghĩ như thế.

Nếu chúng tôi nghi ngờ thì nét mặt cáu kỉnh, bực tức của sứ thần Aziru và đại diện của xứ Hatti đã xua tan mối nghi ngờ và củng cố niềm tin của chúng tôi. Nhưng ngày hôm đó, không ai trong chúng tôi muốn nghi ngờ mà tin vào những gì mình hy vọng.

Sứ thần Babylon cúi thật thấp, đưa tay ra trước mặt công chúa nhỏ, vì kể từ giây phút này công chúa đã là hoàng phi của vua Burraburiash, quốc vương của ông ta, mặc dù công chúa vẫn còn là một cô bé. Trước tiên, ông ta cúi đầu chào công chúa theo phong tục của người Ai Cập, sau đó cúi đầu theo phong tục Babylon, tay để trên trán và ngực. Phải công nhận rằng công chúa nhỏ đã xử sự rất tốt trong buổi lễ long trọng này và khi nghi lễ kết thúc, công chúa cúi xuống nhặt một mảnh vò vỡ từ dưới thảm lên và tò mò ngắm nghía. Những người chứng kiến cảnh ấy giải thích đó là một điềm lành.

Sau buổi lễ linh thiêng, nỗi xúc động chế ngự tâm trí Pharaon Ekhnaton, vì dù ngài yêu thương các hoàng nhi của mình, sự huy hoàng và giàu có của quyền uy đã khiến ngài lóa mắt, nên ngài càng tin hơn vào những ảo giác của mình. Vì vậy, không theo chương trình nghi lễ, ngài thuyết giảng với các sứ thần nước ngoài, giới quyền quý Ai Cập và những người lính canh khốn khổ trong đền thờ Aton; khi ngài nói về tình cảm đang ngập tràn trong tim mình, vết hằn xám cùng vẻ đau đớn trên khuôn mặt biến mất và máu dâng lên đầu ngài.

Ngài lớn tiếng ngợi ca Aton và nói trong các ảo ảnh của mình, ngài đã tiên lượng ngày này như bình minh rực rỡ trên thế gian, như bình minh sau đêm dài của ngu dốt, sùng tín, sợ hãi, thù hận và chiến tranh. Ngài nói mình đã hiến dâng cho Aton tất cả quyền lực và sự giàu có của Ai Cập và kêu gọi sứ thần của các xứ ngoại bang hãy mang thông điệp từ nơi này tới quốc vương và xứ sở của họ để ánh sáng có thể xua tan bóng tối khỏi tâm trí họ.

Ngài nói nhiều và hay đến nỗi các triều thần Ai Cập bắt đầu bối rối giậm giậm chân, còn các sứ thần nước ngoài không dám nhìn thẳng vào mắt nhau, vì tất cả đều coi ngài là người điên. Việc làm của ngài trái ngược với tập quán tốt đẹp, sự hăng hái của ngài không xứng với danh tiếng của một pharaon và những lời của ngài chỉ là một cơn điên bùng phát dữ dội trong tai họ.

Mika Waltari / FirstNews - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/le-ky-niem-30-nam-tri-vi-cua-pharaon-ai-cap-xa-xi-co-nao-post1425440.html