Lễ kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh Panama tại Hà Nội

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Panama tại Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh Panama (28/11/1821-28/11/2021). Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh đến dự và phát biểu chúc mừng tại sự kiện.

Tháng quê hương

Phát biểu chào mừng, Đại sứ Panama Eligio Alberto Salas De Leon chia sẻ, ở Panama, tháng 11 được gọi là “tháng quê hương” vì đây là tháng người dân đất nước này tưởng nhớ về thời gian hình thành nên quốc gia Panama hiện đại ngày nay.

Vào ngày lịch sử 28/11/1821, Tuyên ngôn độc lập Panama ra đời. Trải qua 200 năm, đất nước Panama đã đạt được nhiều thành tựu, trở thành trung tâm của châu Mỹ, nhất là khi Kênh đào Panama, một trong những tuyến đường thủy chiến lược nhất trên thế giới, được hoàn thành xây dựng.

Đại sứ Panama Eligio Alberto Salas De Leon phát biểu tại lễ kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh Panama. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Panama Eligio Alberto Salas De Leon phát biểu tại lễ kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh Panama. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Panama tại Hà Nội Eligio Alberto Salas De Leon cho rằng, con đường nào cũng đều có những trở ngại và Panama cũng vậy. Người dân đất nước châu Mỹ đã trải qua những tháng ngày gian khó, đấu tranh giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, nơi mà ngày nay, có khoảng 6% thương mại toàn cầu đi qua, giúp đất nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.

Đại sứ nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ quên sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là của Việt Nam”.

Theo nhà ngoại giao Panama, Tổng thống nước này Laurentino Cortizo từng phát biểu trước Kỳ họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi đầu năm nay: “Panama là một quốc gia ưu tiên đầu tư các kết nối hàng không, hàng hải, cảng và viễn thông tốt nhất trong khu vực, giúp tạo thuận lợi trong hoạt động thương mại thế giới".

Đại sứ cho biết, "Panama có lẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới mà bạn có thể ăn sáng bên Đại Tây Dương và ăn tối ở Thái Bình Dương trong cùng một ngày".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ nguyên vẹn cho môi trường sống hiện nay, Đại sứ Eligio Alberto Salas De Leon nói: "Panamaluôn nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu và hiện là một trong 3 quốc gia trên thế giới đạt lượng phát thải carbon ở mức âm".

Đại sứ tin tưởng, với mối quan hệ lâu dài và hiệu quả trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng giữa 2 nước, Panama sẽ tiếp tục tăng cường các hợp tác, đặc biệt là các giá trị chung mà Việt Nam và Panama cùng theo đuổi, đó là giải quyết xung đột một cách hòa bình, thúc đẩy hệ thống thương mại cởi mở.

Việt Nam-Panama: Còn nhiều tiềm năng cần khai thác

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh chia sẻ, cách đây 200 năm, tháng 11/1821, nhân dân Panama đã anh dũng vùng lên đấu tranh giành độc lập từ chế độ thuộc địa.

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh chúc mừng đất nước Panama nhân kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh chúc mừng đất nước Panama nhân kỷ niệm 200 năm ngày Quốc khánh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Kể từ ngày Tuyên bố độc lập, người Panama với đức tính cần cù, kiên trì, sáng tạo đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, phát triển kinh tế - xã hội đến văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Thứ trưởng cho biết, tại châu Mỹ Latinh, Panama được biết đến như một quốc gia thịnh vượng với tốc độ phát triển năng động. Trên khắp thế giới, đất nước này nổi tiếng với kênh đào Panama, một trong những công trình xây dựng vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Gần đây, con kênh nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương và Khu tự do Colon, kho ngoại quan lớn nhất ở Tây bán cầu, đã được mở rộng và nâng cấp.

Panama ngày nay là một trung tâm tài chính, ngân hàng và thương mại hàng đầu của thế giới và là quê hương của những người nổi tiếng như võ sĩ quyền anh Roberto Durán - huyền thoại Bàn tay của đá hay nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên Rubén Blades.

Việt Nam và Panama chia sẻ các giá trị chung về tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự quyết, bên cạnh tình yêu dành cho âm nhạc, điện ảnh và thể thao.

Thứ trưởng Vũ Quang Minh khẳng định, Việt Nam tự hào là một trong những nước đầu tiên ký Nghị định thư của Hiệp ước về trung lập vĩnh viễn và hoạt động của kênh đào Panama năm 1979. Đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của Panama trong suốt chiều dài lịch sử nhằm khẳng định chủ quyền đối với kênh đào, lãnh thổ và tài nguyên của đất nước.

Đại diện lãnh dạo Bộ ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng những giá trị quan trọng này là nền tảng tuyệt vời cho những thành tựu to lớn hơn trong tương lai, khi người dân Panama nỗ lực xây dựng một đất nước phát triển và thịnh vượng hơn”.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 28/8/1975, Panama và Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác.

Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng được tăng cường với các cơ chế hợp tác song phương hiệu quả; kim ngạch thương mại hai chiều được duy trì ở mức khoảng 300 triệu USD trong những năm gần đây và trong 9 tháng đầu năm 2021, đã tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp đại dịch Covid-19.

Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ sáu vào thị trường Panama.

Không chỉ vậy, hai nước có quan hệ hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đã và đang làm việc và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Khẳng định hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác, Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, hàng hải, tài chính-ngân hàng và nông nghiệp, chống biến đổi khí hậu, vì sự phát triển bền vững và xanh.

Thứ trưởngVũ Quang Minh cho rằng, trong thời gian tới, nhất là khi Covid-19 được kiểm soát, hai nước cần tăng tốc hợp tác hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thương mại. Đặc biệt, sẽ có thêm nhiều đầu từ từ Panama vào Việt Nam và ngược lại, cũng như tăng cường giao lưu giữa người dân hai nước.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-ky-niem-200-nam-ngay-quoc-khanh-panama-tai-ha-noi-166395.html