Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn

Hôm nay (16/3 Âm lịch), tại đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là lễ hội nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được bà con huyện đảo Lý Sơn tổ chức hằng năm vào ngày 15, 16 tháng 2 và tháng 3 âm lịch. Lễ hội này được duy trì hàng trăm năm nay. Ông Lê Chín, ở thôn Đông An Vĩnh cho biết, trước khi diễn ra lễ chính thức, bà con các tộc họ trên đảo Lý Sơn cùng nhau tôn tạo các ngôi mộ gió, làm lễ cầu siêu cho các binh phu Hoàng Sa.

Ông Lê Chín cho biết: “Bà con ở đây nô nức lắm, trông đến ngày này để hội họp, tham dự lễ này để tri ân các ông đi giữ bờ cõi biên cương. Quan trọng là giữ đảo Hoàng Sa”.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc hộ đảo Lý Sơn tổ chức trang nghiêm.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được các tộc họ ở An Vĩnh, An Hải, huyện Lý Sơn tổ chức trang nghiêm với những nghi thức truyền thống như lễ yết, lễ cung nghinh, lễ thả thuyền… Ông Phạm Thoại Tuyền, hơn 70 tuổi ở thôn Đông, An Vĩnh, hậu duệ đời thứ năm của cai đội Phạm Hữu Nhật, một trong những người có công cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước cho biết, trước khi những người lính chuẩn bị xuống thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tiến hành Lễ khao lề thế lính cầu mong cho người ra đi được bình an.

“Đến nay việc tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành lệ hàng năm, tri ân những người trước đây ra đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ khai mở đất nước. Tất cả đã ăn sâu vào tâm khảm của người dân Lý Sơn, người dân Quảng Ngãi và cả nước. Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Con cháu chúng tôi ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cả nước hướng tới bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là Hoàng Sa và Trường Sa” - Ông Phạm Thoại Tuyền chia sẻ.

Bài vị ghi tên, bản quán những binh phu Hoàng Sa.

Lần đầu tiên ra đảo Lý Sơn đúng vào dịp diễn ra Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, ông Hà Tùng Sơn, du khách ở thành phố Hồ Chí Minh xúc động: “Tôi rất xúc động. Tôi cảm giác như mình đang được sống trong bầu không khí của những người dân đảo từ cách đây mấy trăm năm trước, hiểu hơn về lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là việc giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước. Tỉnh Quảng Ngãi và đất nước ta duy trì được lễ hội như thế này thật là ý nghĩa. Tôi mong rằng, năm nào lễ hội cũng được duy trì và tổ chức nghiêm trang, đầy tinh thần yêu nước như thế này".

Ngay sau Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, người dân Lý Sơn và du khách cùng hòa mình trong không khí lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh cầu mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, mùa màng bội thu. Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, địa phương có trách nhiệm duy trì việc tổ chức lễ hội này.

Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa duy trì hàng trăm năm nay.

Theo ông Lê Văn Ninh: “Đây là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của huyện Lý Sơn. Huyện Lý Sơn tiếp tục duy trì lễ hội này. Mục đích để tưởng nhớ ghi ơn công lao đóng góp của các vị tiền hiền, các vị hùng binh Hoàng Sa, phục vụ du khách đến tham quan tìm hiểu giá trị của các di tích liên quan đến việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông”./.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/le-khao-le-the-linh-hoang-sa-o-ly-son-post937507.vov