Lễ hội vắng em

Trân trọng giới thiệu bài thơ 'Lễ hội vắng em' của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh.

Lễ hội là dịp náo nức của mọi người, nhất là các cặp gái trai trong độ tuổi yêu đương được hòa trong ngập tràn xuân sắc của đất trời và lòng người. Nhưng, nhân vật “anh” trong bài thơ này của Nguyễn Hồng Vinh lại buồn man mác vì “em” bỗng dưng lại thay đổi ý định, đồng nghĩa việc tạm hủy lời hẹn ước sau cuộc du xuân là tiến tới lễ thành hôn! Và do vậy, với “anh”, sông Hương, chùa Thiên Mụ, làng Vĩ Dạ - những địa danh du lịch nổi tiếng của xứ Huế mộng mơ đều trong trạng thái người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Song, một chút niềm tin về Tình yêu vẫn còn nhen lửa trong “anh”, nuôi dưỡng niềm hy vọng về lễ hội năm sau, đôi ta sẽ cùng sánh bước…

Trân trọng giới thiệu bài thơ đề cập một khía cạnh thăng trầm, có lúc lên “cao trào kịch tính” trong tình yêu đôi lứa, điều tất nhiên của hầu hết các cặp gái trai đều phải trải qua, để rồi thấm sâu bài học đường đời mới có thể vững bước tới tương lai tốt đẹp.

LỄ HỘI VẮNG EM

Xuân này em nói không đi hội

Anh buồn, hụt hẫng suốt đêm đêm

Niềm háo hức tan thành mây khói

Dự định cuối xuân là lễ thành hôn!

Nào ai hiểu chữ NGỜ nghiệt ngã

Đã cướp đi nghĩa cả, tình thâm

Huế vẫn trong mưa, sương mờ mịt

Thiên Mụ sân chùa, vắng gót sen

Đạo và Đời, bao nỗi dùng dằng

Chuyện Ân Phi, bà hoàng xứ Huế [1]

Ngày đưa tang, nhà thờ làm lễ

Bên Thánh kinh, bên niệm Phật nam-mô…

Có lẽ nào, tình cảnh hai ta

Như người Trường Sơn tây, nắng chói

Người bên Trường Sơn đông mưa giội

Nhang khói nhòa, trĩu nặng đơn côi!

Thuyền trên sông Hương lững thững trôi

Giọng đờn ca chìm vào sóng nước

Ca sĩ ngỡ ngàng, điều chi rứa

Nắng trốn đâu, lặng lẽ không gian!?

“Đồi thông hai mộ” xã Thúy Bằng [2]

Người đến viếng thăm thưa thớt hẳn

Nỗi sầu rải ngày đêm thanh vắng

Trong dòng người ấy, chẳng thấy em?!

Thôn Vĩ Dạ, hàng cau đứng lặng

Khóm trúc lắt lay vắng bóng người

Diễm xưa như chìm trong sương giá

Đường dài hun hút, lệ mãi rơi!

Mong thời gian nhanh trôi, nhanh trôi

Lễ hội năm sau, em sẽ đến

Em là hoa xuân, đời ta thắm

Mưa lâu rồi, Huế chắc nắng lên! [3]

Đầu xuân Giáp Thìn 2024

[1], [2] Ân Phi là bà hoàng thứ nhất của vua Khải Định, nhưng không được vua ngó ngàng. Uất ức quá, bà có lúc hóa điên; về già, bà bỏ đạo Phật theo đạo Thiên chúa, khi mất được chôn ở khu “đồi thông hai mộ” ở xã Thúy Bằng (Huế).

[3] Ý trong lời bài hát Diễm xưa của nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn.

Nguyễn Hồng Vinh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-hoi-vang-em-post285607.html