Lễ hội mùa xuân - nét đẹp cần gìn giữ

Mỗi độ xuân về, không gian lễ hội mùa xuân trên khắp nơi lại diễn ra sôi nổi, vui tươi. Mỗi một lễ hội phản ánh một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tâm linh, bản sắc văn hóa của đất và người nơi đó. Bởi vậy, lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân; là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và trao truyền qua bao thế hệ.

Lễ hội Nàng Han (xã Vạn Xuân, Thường Xuân). Ảnh: Quỳnh Chi

Đã thành thông lệ, từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng hằng năm, người dân xã Yên Ninh (Yên Định) lại cùng nhau nô nức tham gia lễ hội Trò Chiềng. Bà Trịnh Thị Huyền, người dân xã Yên Ninh, chia sẻ: "Lễ hội Trò Chiềng như một “món ăn” tinh thần không thể thiếu của tôi cũng như người dân nơi đây trong dịp đầu xuân năm mới. Đây vừa là dịp để người dân tề tựu lại, hướng lòng thành kính, tỏ lòng biết ơn với những bậc tiền nhân tiên tổ, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, bình an vừa là dịp để người dân được đắm mình trong những trò chơi dân gian, hòa mình vào không khí lễ hội xuân".

Lễ hội Trò Chiềng độc đáo bởi nó là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa cung đình xen lẫn văn hóa dân gian, phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu và những mơ ước, khát vọng của Nhân dân. Lễ hội được bắt đầu với nghi thức truyền thống như cúng tế Phụng Nghinh, dâng hương, rước voi từ đình làng Trịnh Xá đến báo công với Thành hoàng làng. Sau các nghi lễ truyền thống là phần hội với các trò diễn đặc sắc như: kén rể, tẩu mã (hay phường ngựa), chọi voi, chọi rồng - cá chép hóa rồng, đốt pháo bông, lễ rước Phụng Hoàn...

Trước khi diễn ra lễ hội, các cụ cao niên trong làng cùng đại diện dòng họ Trịnh đã thống nhất làm lại “đại trò” hay “trình trò”. Đồng thời, phân công công việc và chuẩn bị chu đáo các đạo cụ trò như voi, ngựa, rồng. Thông thường mọi việc từ chuẩn bị đạo cụ đến người tham gia đã được người dân chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng từ trong năm. Bởi với người dân Yên Ninh, đây là lễ hội quan trọng được cha ông gìn giữ và trao truyền nhằm tỏ lòng tri ân đối với Thành hoàng làng – Trịnh Xá Phúc thần. Tương truyền ông Trịnh Quốc Bảo (hay Trịnh Bạn) người làng Trịnh Xá (làng Chiềng) làm quan dưới triều Lý, đã có cống hiến kế xây dựng một đội tượng binh được đan bằng tre trông như voi thật cùng với xây dựng chiến trường giả để luyện tập và đánh giặc. Với kế sách đó, ông đã có công giúp vua Lý Thánh tông đánh quân Tống ở phía Bắc, dẹp yên giặc Chiêm Thành ở phía Nam. Sau khi mất, Trịnh Quốc Bảo được phong là Phúc thần làng Trịnh Xá và được Nhân dân trong làng thờ phụng.

Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy xã Xuân Phúc (Như Thanh).

Với người dân tộc Thái xã Xuân Phúc (Như Thanh), tết như kéo dài và đặc biệt hơn cùng với lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy. Cứ vào tháng Giêng, những chàng trai, cô gái Thái lại khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống để đi trẩy hội. Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy được tổ chức với các nghi thức truyền thống như: lễ đón thầy mo, lễ rước cây bông, lễ dựng cây bông, cúng thần linh, mường trời; cúng cơm mới... nhằm tái hiện lại một số hoạt động đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thuở lập làng đến nay. Đặc biệt, thông qua lễ hội, những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian... của người Thái đều được tái hiện sinh động, chân thực. Lễ hội không chỉ thu hút sự tham gia của người Thái mà còn thu hút người Kinh, Mường tham gia góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Xứ Thanh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của 7 dân tộc. Mỗi vùng đất hay tộc người trên mảnh đất xứ Thanh đều mang bản sắc văn hóa riêng được phản ánh qua lễ hội và các hoạt động của lễ hội. Với khoảng 300 lễ hội và phần lớn là lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân đã tạo nên một không gian lễ hội linh thiêng xen lẫn sự náo nhiệt, tươi vui của những ngày đầu năm mới trên mọi miền trong tỉnh. Hiện nay, các lễ hội ngày càng thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Cùng với đó, công tác tổ chức, quản lý lễ hội ngày càng được cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành quan tâm thực hiện. Nhiều lễ hội đã được phục dựng và được nâng tầm giá trị trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiêu biểu như lễ hội đền Bà Triệu (Hậu Lộc), lễ hội Nàng Han (xã Vạn Xuân, Thường Xuân), lễ hội đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), lễ hội Mường Khô (xã Điền Trung, Bá Thước)...

Với những giá trị quý báu và sức sống bền bỉ trong đời sống của người dân, lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi địa phương, mỗi dân tộc và là nơi về nguồn ý nghĩa trong tâm linh mỗi người con xứ Thanh. Hơn thế, lễ hội là dịp để mỗi người dân “sống chậm” với những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao trách nhiệm và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của bản thân. Ngày nay, lễ hội đang trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông đảo Nhân dân và du khách. Thông qua lễ hội, những nét đẹp về vùng đất và con người được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Do đó, để gìn giữ những giá trị văn hóa trong lễ hội mùa xuân, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội theo nếp sống văn minh, tiết kiệm, hài hòa, phù hợp với điều kiện và phong tục, tập quán của địa phương. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự trong lễ hội được đảm bảo, các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động dịch vụ văn hóa trái quy định, các vi phạm di tích đều được phát hiện và xử lý kịp thời.

Bài và ảnh: Quỳnh Chi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-mua-xuan-net-dep-can-gin-giu/207986.htm