Lễ hội đền Cao tại Hải Dương tưởng nhớ, tri ân 5 đức thánh họ Vương

Lễ khai hội gắn với lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của 5 đức thánh họ Vương, thể hiện niềm tôn kính, tri ân của hậu thế, khẳng định đạo lý 'uống nước nhớ nguồn' của dân tộc.

Tại quần thể khu di tích đền Cao (phường An Lạc), sáng 3/3 (tức 23 tháng Giêng), Thành ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) long trọng tổ chức Lễ khai hội truyền thống đền Cao xuân Giáp Thìn 2024.

Ông Hoàng Quốc Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí Thư Thành ủy Chí Linh phát biểu tại lễ khai hội.

Ông Hoàng Quốc Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí Thư Thành ủy Chí Linh cho biết, Chí Linh là vùng đất linh thiêng nằm ở vị trí giao thoa, chuyển tiếp giữa văn hóa miền núi và đồng bằng. Đặc trưng nổi bật của vùng đất Chí Linh là có nhiều phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng với kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Các cụ trong Ban khánh tiết khu di tích đền Cao đọc văn tế tri ân tưởng niệm đức thánh tại lễ khai hội.

Trong đó, khu di tích đền Cao hình thành, gìn giữ và phát triển hơn 1000 năm nay - là nơi phụng thờ 5 vị tướng họ Vương có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và tri ân đức vua Lê Đại Hành, thành hoàng làng Dương Tôn Linh.

Các ngôi đền được xây dựng rất sớm, từ thời Tiền Lê, thế kỷ thứ X sau khi 5 vị tướng họ Vương qua đời. Dưới thời Nguyễn, ngôi đền được trùng tu theo lối kiến trúc chữ Tam và được gìn giữ nguyên hiện trạng cho đến nay. Hệ thống cổ vật, đồ thờ tự có giá trị như bia, long đao, bát bửu, ngai còn giữ được khá nguyên vẹn, tiêu biểu là các bức đại tự, câu đối. Trong hậu cung đền hiện còn lưu giữ được các đạo sắc phong qua các triều vua.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng và các đại biểu dâng hương.

Người dân và du khách thập phương dâng hương.

Quần thể di tích có 5 đền và 1 chùa gồm đền Vua thờ vua Lê Đại Hành tọa lạc trên núi Bàn Cung toát lên vẻ uy linh và tôn nghiêm; đền Cao thờ Thiên bồng Đại tướng quân Đại vương Vương Đức Minh trầm mặc tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thuộc dãy núi Voi ở độ cao 30 mét, giữa rừng lim già cổ thụ hàng trăm năm tuổi; đền Bến Tràng thờ Dực thánh linh ứng Đại vương Vương Đức Xuân đậm màu sắc truyền thống và toát lên vẻ nghiêm cẩn nằm bên dòng Nguyệt Giang mềm mại; đền Bến Cả thờ Anh vũ dũng lược Đại vương Vương Đức Hồng - ngôi đền trần (không có mái che) đậm dấu tích thiêng, được coi là ngôi đền đặc biệt nhất trong hệ thống di tích đền thờ ở nước ta.

Cùng với đó là đền Cả thờ cha mẹ của 5 đức thánh và 2 người con gái là Đào hoa trinh thuận công chúa Vương Thị Đào và Liễu hoa linh ứng công chúa Vương Thị Liễu trầm mặc giữa cánh đồng xanh tươi, trù phú, nằm bên dòng sông yên ả.

Đội lân, rồng dẫn đầu đoàn rước.

Lễ rước bài vị, mũ áo, bát hương… của các đức Thánh.

“Lễ khai hội gắn với Lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của 5 đức thánh họ Vương góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của quần thể khu di tích Đền Cao - nơi ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo được tổ chức thường niên "xuân thu nhị kỳ" - điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng có của thành phố Chí Linh và của tỉnh Hải Dương”, Bí Thư Thành ủy Chí Linh nhấn mạnh.

Đông đảo người dân và du khách tham gia đoàn rước.

Lễ hội truyền thống đền Cao năm 2024 diễn ra trong 3 ngày từ 2 - 4/3 (22 - 24 tháng Giêng).

Lễ hội truyền thống đền Cao năm 2024 diễn ra trong 3 ngày từ 2 - 4/3 (22 - 24 tháng Giêng). Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có hội thi giã bánh giầy, nấu chè kho, lễ nghinh, lễ rước bộ, tế yên vị... và nhiều trò chơi dân gian, giải thể thao truyền thống.

Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh phát lộc đến các đoàn đại biểu, người dân và khu khách.

Trên địa bàn thành phố Chí Linh hiện có 424 di tích, di chỉ; trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu như Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc; di tích quốc gia chùa Thanh Mai; di tích quốc gia đền thầy Chu Văn An; di tích quốc gia Đền Sinh - Đền Hóa… Trong đó, quần thể di tích quốc gia đền Cao là “linh tích” nổi danh lịch sử - nơi đại bản doanh của quân dân Đại Cồ Việt chống quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ nền độc lập dân tộc ở thế kỷ thứ X.

Quần thể di tích quốc gia đền Cao gắn liền với huyền thoại về sự sinh hóa của 5 đức thánh họ Vương. “Nhất bào sinh ngũ noãn” - 5 vị cùng sinh trong một bọc năm trứng. Đó là sự kết tụ linh khí đất - trời, sự giao hòa âm dương của vũ trụ, sông núi. Trải qua hơn 1000 năm lịch sử, sự uy nghiêm, trầm mặc, cổ kính của khu di tích đền Cao cùng với các sự lệ độc đáo vẫn được các thế hệ bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị tích cực.

Phùng Nguyện

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/le-hoi-den-cao-tai-hai-duong-tuong-nho-tri-an-5-duc-thanh-ho-vuong-post32211.html