Lễ hội chùa Kè - nét đẹp văn hóa vùng đất cổ Mường Bi

Lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc) là lễ Thanh minh đầu năm, theo tiếng Mường là 'lệ tha cha chùa' được tổ chức vào ngày 16/2 âm lịch hàng năm. Trước đây, lễ hội tổ chức quy mô nhỏ. Từ năm 2017, lễ hội được tổ chức quy mô cấp xã nhằm thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi của con dân trong vùng. Năm nay, lễ hội thu hút đông đảo Nhân dân cùng du khách thập phương về trẩy hội với nhiều hoạt động phong phú.

Màn trình tấu chiêng Mường đặc sắc với sự tham gia của gần 100 nghệ nhân tại lễ hội chùa Kè, xã Phú Vinh (Tân Lạc).

Chúng tôi hòa mình vào không khí của lễ hội chùa Kè năm 2023. Ngay từ sáng sớm đã có đông người dân đến tham dự phần lễ được tổ chức tại chùa Kè với thành phần chính là 2 dòng họ nhà Tạo và nhà Khại. Lễ vật mỗi dòng họ chuẩn bị gồm 1 con lợn, thịt gà, xôi, oản, rượu, măng rừng, hoa quả và các sản vật của núi rừng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, ông mo thay mặt toàn Mường làm lễ dâng lên Bụt Bà, Thành hoàng làng và các vị thần linh... Thầy mo Bùi Văn Nậu, xóm Đạy, xã Suối Hoa cho biết: Lễ hội chùa Kè được tổ chức từ lâu đời, trong đó có 2 dòng họ chính là nhà Tạo, nhà Khại, dù làm ăn nơi đâu dịp này đều về làm lễ để cầu mong làng trên, xóm dưới ăn nên làm ra, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...

Huyền thoại về ngôi chùa linh thiêng này được các cụ cao niên kể lại rằng: Từ thời con dân vùng Mường còn sống trong hang Tùng, hang Hao, hốc cây, vách đá khổ cực, Bụt Bà với ông quan Đanh, bà quan Đãng đã hướng dẫn ông Ba Lăng, bà Ba Lập lấy đá ngăn dòng nước Khoang Trạch, bắt dòng nước phải chảy xuống lỗ hút trong khe đá, rồi dẫn dòng nước ra bãi nữa bưa bằng để cấy lúa. Từ đó, cây cối quanh năm xanh tốt, người dân khắp nơi kéo về tụ cư ở Mường Kè làm ăn, sinh sống.

Để tưởng nhớ Bụt Bà và các vị thần linh, Lang Cun bấy giờ đã cho xây dựng ngôi chùa rước tượng bằng đá từ Ninh Bình về thờ cúng. Theo các tài liệu nghiên cứu và người xưa kể lại: Chùa Kè do 3 anh em nhà Lang Cun Cần Mường Bi thời bấy giờ là: Đinh Công Thẩm, Đinh Công Chiều và Đinh Công Út xây dựng vào ngày 16/2 âm lịch năm 1892. Chùa thờ Phật Bà Quan Âm Bồ Tát với ông quan Đanh, bà quan Đãng. Đồng thời, giao cho 2 dòng họ Đinh Công trông nom và lo việc cúng lễ trong chùa, người dân gọi là nhà Tạo và nhà Khại. Từ đó tới bây giờ, hàng năm, vào ngày 16/2 âm lịch, 2 họ nhà Tạo và nhà Khại cùng phụ trách việc tổ chức các nghi lễ thờ cúng tại chùa.

Ngay sau phần lễ là phần hội diễn ra với nhiều hoạt động độc đáo, đặc sắc, phản ánh hiện thực xã hội, tư duy, tín ngưỡng của con dân vùng Mường. Điểm nhấn trong lễ hội chùa Kè năm nay là màn trình tấu chiêng Mường với sự tham gia của gần 100 nghệ nhân của các xã trên địa bàn. Âm thanh của chiêng Mường vang vọng khắp vùng. Người dân và du khách còn được đắm mình trong các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc, các làn điệu dân ca Mường, hát thường rang bộ mẹng và cách ví von khéo léo, tinh tế của môn hát đối giao duyên. Đồng thời hòa mình trong không khí nhộn nhịp, khỏe khoắn, vui tươi mang đậm tính cồng đồng được thể hiện trong các môn thể thao dân tộc như: kéo co, đánh mảng, đẩy gậy... Đặc biệt, các xóm trên địa bàn xã Phú Vinh đều có gian hàng trưng bày sản vật địa phương, những món ẩm thực truyền thống được bày biện đẹp mắt trên các mâm cỗ lá cùng những vật dụng, sản phẩm đan lát của dân tộc Mường được người dân mang đến lễ hội tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Anh Nguyễn Văn Hùng, du khách Hà Nội chia sẻ: Qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, tôi biết lễ hội chùa Kè và rủ bạn bè cùng đến đây khám phá. Đường đến nơi tổ chức lễ hội khá thuận lợi, đã được trải bê tông. Đến đây, chúng tôi được sống trong không khí lễ hội đông vui, náo nhiệt, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Mường, được thưởng thức các món ăn truyền thống, mua sản vật địa phương và tham gia các trò chơi dân gian của dân tộc Mường. Đây là trải nghiệm thực sự thú vị...

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/175985/le-hoi-chua-ke-net-dep-van-hoa-vung-dat-co-muong-bi.htm