Lễ đăng quang của Vua Charles III: Sự kết hợp giữa âm hưởng nghi thức thời trung cổ và những nét hiện đại

Tại Lễ đăng quang, Vua Charles III được bôi dầu thánh, nhận bảo vật truyền thống bao gồm quả cầu và vương trượng, được đội Vương miện Thánh Edwards. Sau đó vợ của Vua, bà Camilla, được phong ngôi vị Hoàng hậu chính thức.

Dự kiến, hàng triệu người sẽ có mặt tại London để theo dõi Lễ đăng quang của Vua Charles III. (Nguồn: Shutterstock)

Hôm nay, ngày 6/5, Hoàng gia Anh chuyển sang một trang mới với lễ đăng quang của Nhà vua Charles III. Sự kiện này đánh dấu sau 70 năm, Vương quốc Anh mới được tiếp tục chứng kiến một lễ đăng quang của hoàng tộc.

Những nghi lễ đặc biệt

Theo thông báo của Điện Buckingham, lễ đăng quang của Vua Charles do đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby, người đứng đầu Giáo hội Anh, thực hiện.

Mặc dù không có yêu cầu pháp lý nào đối với lễ đăng quang và các chế độ quân chủ châu Âu khác đã loại bỏ nghi lễ truyền thống này, song theo các nhà phân tích sử học, lễ đăng quang tại Anh vẫn mang đậm tính tôn giáo cũng như là một sự kiện xác nhận chính thức vai trò của Nhà vua Charles với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Anh và thể hiện quyền lực của ngôi vương.

Diễn ra trong bối cảnh lạm phát đang bao phủ nước Anh, sự kiện đăng quang của Nhà vua Charles III được tổ chức đơn giản tại Tu viện Westminster. Các thành viên trong gia đình cùng hàng trăm nguyên thủ quốc gia, đại diện các nước tham dự sự kiện này. Trong số khách mời có Thái tử Nhật Bản Fumihito, Vua Tây Ban Nha Felipe VI, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden...

Theo thông báo của Điện Buckingham, buổi lễ đăng quang của Nhà vua Charles III vừa mang âm hưởng nghi thức thời trung cổ nhưng vẫn phảng phất nét hiện đại, tạo ra những nét mới so với truyền thống kéo dài hơn 1.000 năm và có những khác biệt so với lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II 70 năm trước.

Tại buổi lễ ở Tu viện Westminster, Tổng giám mục Canterbury kêu gọi toàn dân Anh tuyên thệ trung thành và bày tỏ sự kính trọng đối với Vua Charles III. Sau đó, Vua Charles III tuyên thệ cam kết trị vì Vương quốc Anh và 14 nước khác trong Khối Thịnh vượng chung "phù hợp theo luật pháp và phong tục", đồng thời duy trì Tôn giáo và Nhà thờ Anh.

Cũng trong buổi lễ, Nhà vua Charles III được bôi dầu thánh, nhận bảo vật truyền thống bao gồm quả cầu và vương trượng, được đội Vương miện Thánh Edwards. Sau đó vợ của Nhà vua, bà Camilla, được phong ngôi vị Hoàng hậu chính thức.

Điểm đặc biệt trong lễ đăng quang của Vua Charles là thời lượng được rút ngắn lại so với buổi lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II kéo dài 3 tiếng trước đây. Số lượng khách mời cũng chỉ giới hạn trong 2.800 khách, so với con số 8.000 người dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II.

Để bảo vệ cho buổi lễ đăng quang của Vua Charles, hơn 11.000 cảnh sát cùng nhiều trang thiết bị nghiệp vụ đã được điều động.

Đám rước sau buổi lễ (vào lúc 10h20 ngày 6/5 giờ London, tức 16h20 giờ Việt Nam) cũng diễn ra ngắn hơn hẳn so với quãng đường dài 8 km mà Nữ hoàng Elizabeth và chồng, Hoàng thân Philip, đã đi vòng quanh London vào năm 1953.

Vợ chồng Nhà vua Charles III và Camilla dự định ngồi trên xe ngựa kéo hiện đại, đi dọc tuyến đường dài 2 km từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster. Sau khi đăng quang, họ tiếp tục ngồi trên cỗ xe ngựa 260 năm tuổi để trở về cung điện.

Sau khi trở lại cung điện, Vua và Hoàng hậu xuất hiện trên ban công để chào đón hàng triệu người đã chờ đợi bên ngoài để ăn mừng sự kiện này.

Trong 3 ngày tiếp theo, lễ đăng quang sẽ được chào mừng bằng các lễ rước truyền thống theo nghi lễ Hoàng gia Anh, một buổi trình diễn ánh sáng, tiệc đường phố và một buổi hòa nhạc tại Lâu đài Windsor (ngày 7/5).

Buổi hòa nhạc tại Lâu đài Windsor bao gồm phần trình diễn của một số nghệ sĩ hàng đầu thế giới và một dàn hợp xướng đăng quang đặc biệt. Trong ngày 8/5, người dân Vương quốc Anh được tận hưởng một ngày nghỉ lễ...

Lễ đăng quang của Vua Charles III: Sự kết hợp giữa âm hưởng nghi thức thời trung cổ và những nét hiện đại. (Nguồn: NYT)

Tiếp tục là "tấm gương truyền cảm hứng"

Vua Charles III kế vị ngai vàng sau khi mẹ của ông là Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ngày 8/9/2022 trong niềm thương tiếc vô hạn của người dân Anh. Ngày 10/9/2022, Vua Charles III đã chính thức được tấn phong ngôi vị trong buổi lễ diễn ra ở Cung điện St James, thủ đô London của Anh.

Trong phát biểu tại buổi lễ tấn phong ngôi vua, Vua Charles III đã dành những lời tri ân tới Nữ hoàng Elizabeth II và khẳng định tuân thủ nguyên tắc chính phủ lập hiến.

Vua Charles III đã nhấn mạnh rằng ông "nhận thức sâu sắc sự kế thừa to lớn cùng những bổn phận và trách nhiệm nặng nề" mà ông sẽ đảm trách khi kế vị ngai vàng sau khi thân mẫu của ông là Nữ hoàng Elizabeth II băng hà và ông sẽ cố gắng noi theo "tấm gương truyền cảm hứng" của thân mẫu trong việc duy trì chính phủ hợp hiến, tìm kiếm hòa bình, đem lại thịnh vượng cho mọi người dân ở Vương quốc Anh cũng như Khối thịnh vượng chung và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Cũng tại lễ tấn phong, Vua Charles III đã phong tước hiệu Hoàng tử xứ Wales cho con trai cả của ông là Hoàng tử William, 40 tuổi. Phu nhân của Hoàng tử William trở thành Công nương xứ Wales.

Vua Charles III sinh ngày 14/11/1948 tại Cung điện Buckingham ở London, là con trai cả của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip. Ông cũng là người cháu đầu tiên của Quốc vương George VI và Vương hậu Elizabeth (tức thân phụ và thân mẫu của Nữ hoàng Elizabeth II). Ông trở thành người thừa kế ngai vàng sau khi thân mẫu lên ngôi Nữ hoàng năm 1952.

Theo các nhà quan sát, qua các năm hoạt động của Vua Charles III từ thời ông còn là Thái tử, có thể thấy ông là người có cách tiếp cận gần gũi với công chúng. Vua Charles III lên ngôi đúng vào thời điểm nước Anh đối mặt với tình trạng lạm phát lớn nhất kể từ năm 1970.

Ngoài ra, nền quân chủ Anh đã thay đổi nhiều sau 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II, vì vậy, Vua Charles III sẽ phải cần phải có những cách tiếp cận mới để trở thành một bậc quân vương trong thời kỳ hiện đại, giống như Nữ hoàng Elizabeth II đã thích nghi với bối cảnh những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II (1939-1945).

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nước Anh dưới thời Vua Charles III sẽ vượt qua được các thách thức hiện tại và Hoàng gia Anh vẫn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Anh. Nhà vua Charles III không chỉ là vua và nguyên thủ quốc gia của Vương quốc Anh mà còn với 14 vương quốc khác thuộc Khối Thịnh vương chung, như Australia, Canada, Jamaica, New Zealand, hay Papua New Guinea...

Đối với Việt Nam, từ khi còn chưa đăng quang, Vua Charles III đã luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Anh, nhất là trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, bền vững. Nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhậm chức (tháng 3/2023), Nhà vua Charles III đã gửi điện chúc mừng.

Nhân dịp lễ đăng quang của Vua Charles III (ngày 6/5/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự. Việc Chủ tịch nước tham dự Lễ đăng quang của Nhà vua Charles III thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với Hoàng gia Anh và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Anh.

Diễn ra trong bối cảnh năm 2023 Việt Nam và Anh kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công tác của Chủ tịch nước góp phần khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; tăng cường trao đổi và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Anh tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/le-dang-quang-cua-vua-charles-iii-su-ket-hop-giua-am-huong-nghi-thuc-thoi-trung-co-va-nhung-net-hien-dai-226124.html