Lễ cấp sắc của người Dao áo dài

BHG - Thôn Mào Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên (cách trung tâm thành phố Hà Giang 20 km) là nơi sinh sống của người Dao. Vào những ngày nông nhàn cuối năm, chọn được ngày lành tháng tốt, gia đình ông Triệu Văn Mành tổ chức Lễ cấp sắc cho con trai cả Triệu Văn Mạn, nay đã 28 tuổi.

Không gian lễ cúng được thể hiện như một thế giới của người đang sống: 2 đàn cúng đối diện nhau, một bên là thần thánh, một bên là tổ tiên. Đông đảo dân làng, họ hàng được mời đến dự lễ.

Trong văn hóa tâm linh của người dân tộc Dao, nghi lễ cấp sắc là một sự kiện trọng đại của cả dòng họ, khẳng định sự trưởng thành và vai trò của người đàn ông trong gia đình và cộng đồng, thể hiện rõ nét đạo lý thông qua những lời răn giữ gìn phong tục, không bỏ tập quán; hướng con người tới những điều thiện, trọng nghĩa tình…

Trước khi làm lễ, anh Mạn phải ngồi biệt lập trong phòng, ăn chay và không tiếp xúc nói chuyện với người ngoài.

Người Dao áo dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Lễ cấp sắc được làm lần lượt theo thế hệ và thứ bậc: Ông, bố, anh, em… Theo quan niệm của người Dao áo dài, người con trai nếu chưa được làm lễ cấp sắc thì chưa được lấy vợ, chưa được coi là người trưởng thành cho dù có nhiều tuổi đến mấy. Độ tuổi được cấp sắc từ 11 - 19 là đẹp nhất. Đối với trường hợp của anh Mạn, tuy đã lập gia đình nhưng vào thời điểm anh Mạn đủ tuổi để thực hiện lễ cấp sắc thì điều kiện kinh tế không cho phép.

Vào khoảng 10 giờ tối, tiếng chuông, tiếng trống vang lên, lễ cấp sắc cho anh Triệu Văn Mạn được bắt đầu.

Tại lễ cấp sắc của anh Mạn là lễ "Quá tăng" cấp 3 đèn, 36 âm binh được thực hiện bởi 3 thầy cả, 3 thầy phụ và 12 người giúp việc cho thầy. Họ được truyền dạy những nghi lễ, bài cúng viết bằng chữ Nôm để có thể thay mặt người được cấp sắc giao tiếp với Tổ tiên và các vị thần trong hệ thống tín ngưỡng của người Dao. Tất cả đều được coi là những người cha tinh thần của “đứa trẻ”. Các thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và nghi lễ lớn nhỏ khác nhau: Lễ trình Ngọc Hoàng, lễ giao binh, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên và thần thánh... Trong một lễ cấp sắc thường có 10 hoặc 12 bài cúng quan trọng được diễn xướng trong 2 ngày 1 đêm, những phần không quan trọng thì dùng ấn lướt qua, coi như đã đọc. Mỗi bài cúng đều có ý nghĩa riêng, được thực hiện đúng trình tự, chứng minh sự trưởng thành cho một chàng trai người Dao.

Lễ cấp sắc được thực hiện xuyên đêm. Các thầy cúng thay nhau thực hiện các bài lễ.

Người thụ lễ được đưa lên đàn cúng và anh phải ngồi ở tư thế bào thai trong bụng mẹ, mặt luôn hướng về phía đàn (hướng Nam).

Sau khi “ngã” vào, thầy cúng lập tức lấy chăn che “gói” tròn lại kín mít như hình ảnh của một đứa bé trong bào thai được đầu thai lần thứ hai.

Người đeo mặt nạ Kadong xuất hiện diễn trò chạy tìm bắn con thú. Chiếc mặt nạ với mục đích đối phó với ma quỷ, cung tên sử dụng săn thú để nuôi con.

Những miếng ăn đầu tiên của anh Mạn sau khi được “sinh ra lần thứ hai”.

Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn.

Với truyền thống giáo dục mang tính tộc người, trong đó có một phần tham gia của tục lệ cấp sắc đã tạo nên sự đằm thắm, thận trọng, kín đáo của người Dao.

Phóng sự ảnh: Hà An

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202402/le-cap-sac-cua-nguoi-dao-ao-dai-8a2154d/