Lấy cộng đồng dân cư làm 'lá chắn' chống lại nạn săn bắn động vật

Động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Chư Mom Mây ngày càng suy giảm, vườn đã thay đổi công tác quản lý rừng với mục tiêu lấy cộng đồng dân cư làm lá chắn bảo vệ thực vật và động vật quý.

Vườn quốc gia Chư Mom Rây là vườn quốc gia lớn nằm ở ngã ba Đông Dương, nơi đây giữa một vị trí quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học trong nước và quốc tế. Vườn được thành lập từ năm 2002, với diện tích hơn 56 nghìn ha thuộc địa bàn 8 xã huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum.

Vườn quốc gia Chư Mom Rây có tới 7 dạng rừng, giá trị đa dạng sinh học rất cao. Năm 2003, Vườn được công nhận là vườn Di sản ASEAN. Với gần 1900 loại thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như Cẩm lai, Giáng hương, Kim giao, Tuế lá cổ xẻ. 760 loài động vật, trong đó có nhiều loài Hổ, Bò tót, Báo gấm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Với đa dạng sinh học như vậy, Vườn quốc gia Chư Mom Rây cũng trở thành nơi nhiều đối tượng săn bắt động vật hoang dã, khai thác các nguồn gỗ quý. Công tác bảo vệ rừng gặp vô cùng khó khăn do diện tích lớn, đội ngũ lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, rừng lại có đường quốc lộ đi qua.

Giao khoán rừng giúp giảm tình trạng săn bắt động vật hoang dã. Ảnh: Hà My.

Từ mười năm trước, nạn săn bắt động vật hoang dã tại đây lúc nào cũng ở tình trạng nóng, động vật hoang dã liên tục bị suy giảm. Các đối tượng khai thác săn bắt động vật rừng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chúng tận diệt từ thú lớn móng guốc tới những loài sóc, thỏ. Các loại bẫy sập, bẫy dây được các đối tượng này giăng theo đường đi của thú. Đặc biệt, khi thú đi vào bẫy sẽ không thể tự giải thoát. Nhiều loại bẫy nguy hiểm như bẫy dây thú sa chân vào sẽ bị thít cổ, treo ngược tới chết.

Tại vườn, các đối tượng săn bắt động vật bao gồm cả các đối tượng chuyên nghiệp khai thác động vật rừng từ trong tỉnh, ngoài tỉnh và người dân địa phương sinh sống quanh rừng. Đặc biệt, nhiều hộ dân là người dân tộc thiểu số nên chưa có đủ nhận thức về vai trò bảo vệ rừng.

Cán bộ và nhân viên của Vườn quốc gia thường xuyên tăng cường tuần tra, truy bắt các đối tượng xâm nhập rừng trái phép, gỡ bẫy động vật. Tuy nhiên, việc làm này chỉ giải quyết phần ngọn của nạn săn bắt động vật, khai thác lâm sản. Số lượng động vật bị săn bẫy vẫn không hề giảm. Theo thống kê vào thời điểm năm 2014 - 2016, lực lượng của vườn thu giữ 1.800 bẫy thì trong 4 tháng của năm 2017 số lượng bẫy thu được 2.000 bẫy các loại. Chư Mom Rây thực sự là điểm nóng về nạn săn bắt động vật hoang dã tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Vài năm trở lại đây, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Rây xác định bảo vệ rừng phải gắn với cộng đồng dân cư. Người dân sẽ là những lá chắn tốt nhất bảo vệ rừng xanh. Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi ngăn chặn từ xa.

Đến hết năm 2022, Ban quản lý tiến hành giao khoán 3.400ha rừng cho 7 cộng đồng các xã thuộc huyện Sa Thầy và các xã huyện Ngọc Hồi. Giao khoán mới 13.000 ha rừng cho 16 cộng đồng bảo vệ rừng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2021 – 2025.

Thông qua công tác giao khoán cho cộng đồng dân cư, người dân đã có những thay đổi về công tác bảo vệ rừng. Vườn quốc gia cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân về các chính sách Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng ngừa tội phạm đa dạng sinh học.

Đến thời điểm hiện tại, người dân đã bắt đầu coi rừng như tài sản của làng. Nhiều chốt tuần tra kiểm soát trong Vườn quốc gia Chư Mon Rây đã có sự tham gia của người dân sống trong cộng đồng vùng đệm của vườn. Cộng đồng nhận khoán rừng nhận được số tiền khoảng 12 triệu đồng/năm, từ đó đảm bảo thêm sinh kế cho người dân, nâng cao trách nhiệm bảo quản rừng.

Hà My

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lay-cong-dong-dan-cu-lam-la-chan-chong-lai-nan-san-ban-dong-vat-2222742.html