Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM | Hà Nội tin mỗi chiều

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM; Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5; Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lập Tổ công tác đôn đốc triển khai đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM

Thời gian qua,Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư các dự án đường sắt đô thị. Tuy vậy, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ các dự án bị chậm và bị đội vốn, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng phức tạp.

Để đốc thúc tiến độ của các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng, các Tổ phó gồm Bộ trưởng các Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP HCM và 9 ủy viên. Tổ công tác sẽ giúp Ban Chỉ đạo Nhà nước điều phối, đôn đốc các bộ ngành, đơn vị xử lý vướng mắc để các dự án đường sắt đô thị ở hai thành phố lớn đảm bảo tiến độ. Hàng tháng, Tổ sẽ đánh giá kết quả thực hiện, xử lý tồn tại hoặc báo cáo Thủ tướng. Quá trình hoạt động, Tổ cũng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong chính sách đầu tư. UBND TP Hà Nội và TP HCM có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các dự án cho Tổ công tác, định kỳ một tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu.

Tuyến đường sắt đô thị số 2A (đường sắt Cát Linh - Hà Đông).

Theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội và Thành phố HCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Theo đó, đến năm 2035, mỗi thành phố hoàn thành 200 km đường sắt đô thị. Thành phố HCM được quy hoạch đến năm 2030 với 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Còn tại Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030 sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, ngầm 75 km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông vận hành thương mại sau hơn 10 năm xây dựng.

Đường sắt đô thị được xác định là xương sống của mạng lưới giao thông Hà Nội trong giai đoạn tới, hướng đến mục tiêu đáp ứng 30% nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực trung tâm đô thị hạt nhân và 15-25% ở đô thị vệ tinh.

Đường sắt đô thị không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách với số lượng lớn mà còn kết nối với các phương thức vận tải công cộng khác, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Mặc dù vậy, nhìn nhận thực tế tốc độ mở rộng của mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội vẫn còn chậm, chưa gánh vác được vai trò chủ đạo của vận tải công cộng. Trong khi đó, dân số Thủ đô không ngừng gia tăng, áp lực lên hạ tầng giao thông hiện hữu ngày càng lớn, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp. Muốn hiện thực hóa mục tiêu hình thành mạng lưới đường sắt đô thị rộng khắp cùng với kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện đúng lộ trình và tiến độ thì theo ý kiến chuyên gia, giải pháp quan trọng là thu hút nguồn lực và ưu tiên hàng đầu về quy hoạch. Tiến sĩ Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink nhìn nhận, quy hoạch là linh hồn của đô thị. Quy hoạch tốt không chỉ giúp đô thị văn minh, hiện đại, trật tự mà còn mở ra không gian phát triển, tạo tiền đề thu hút nguồn lực. Cùng với các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm của các công trình giao thông trong nội đô cũng mang đến nhiều lợi ích, giúp gia tăng giá trị thặng dư về sử dụng đất, bảo vệ cảnh quan tạo ra giá trị, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5

Sở Giao thông Vận tải đã đưa ra phương án phân làn, tổ chức giao thông tại nút giao Mai Dịch. Cụ thể, cầu Mai Dịch cũ được tách thành trục đường cao tốc, kết nối theo hai chiều của đường Vành đai 3 trên cao. Với hai đơn nguyên cầu mới nằm hai bên cầu Mai Dịch cũ, mặt cắt ngang mỗi đơn nguyên cầu rộng 7,7m sẽ bố trí một làn xe cơ giới rộng 3,5m và một làn xe máy rộng 2,75m. Đơn nguyên cầu mới phía Hồ Tùng Mậu phục vụ ô tô và xe máy lưu thông vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Văn Đồng đi Phạm Hùng. Với đơn nguyên cầu mới phía Xuân Thủy phục vụ ô tô và xe máy lưu thông vượt qua nút giao Mai Dịch theo hướng Phạm Hùng đi Phạm Văn Đồng. Các phương tiện từ đường Vành đai 3 trên cao, hướng cầu Thanh Trì về nút giao Mai Dịch theo đường dành riêng cho ô tô. Các phương tiện ô tô đi cầu Thăng Long đi thẳng qua cầu vượt Mai Dịch cũ - trục đường cao tốc.

Cầu vượt thép Mai Dịch sẽ được thông xe vào ngày 6/5.

Phương tiện ô tô đi Phạm Văn Đồng đi qua đơn nguyên cầu mới - cầu phía Xuân Thủy xuống đường Phạm Văn Đồng. Các phương tiện ô tô đi Xuân Thủy hoặc Hồ Tùng Mậu xuống đường Phạm Hùng đi theo chỉ dẫn vạch sơn và biển báo hiệu khu vực trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch.

Đối với các phương tiện ô tô đi cầu Thăng Long đi lên cầu vượt mới - cầu phía Xuân Thủy hoặc đi thẳng qua nút giao Mai Dịch để đi vào đường cao tốc.

Ngoài ra, các phương tiện đi Phạm Văn Đồng đi theo hướng qua đơn nguyên cầu mới - cầu phía Xuân Thủy hoặc đi thẳng qua nút giao theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu. Các phương tiện đi Xuân Thủy rẽ phải vào làn rẽ phải liên tục trước nút giao.

Phương tiện đi Hồ Tùng Mậu qua trung tâm nút giao gầm cầu Mai Dịch và rẽ trái vào đường Hồ Tùng Mậu theo chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, vạch sơn và biển báo hiệu. Các phương tiện có chiều cao tĩnh không dưới 3,3m được phép quay đầu dưới điểm mở quay đầu gầm cầu Mai Dịch.

Các phương tiện lưu thông qua khu vực trung tâm nút giao Mai Dịch theo sự hướng dẫn của đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn kẻ, biển báo và người hướng dẫn giao thông.Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu Mai Dịch cũ (đường cao tốc) và 2 đơn nguyên cầu mới tối đa 60km/h. Phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết trong quá trình tổ chức giao thông tạm thời, nếu có những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông sẽ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử

Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng năm 2023, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế với học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.

Sáng ngày 4/5, Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với sự tham gia giải trình của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan. Trong khi Bộ Công Thương đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá điện tử, Bộ Y tế cho rằng cần cấm nhập khẩu, mua bán mặt hàng này. Theo Bộ Y tế, nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác.

Thuốc lá điện tử hiện chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên Internet. Được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng, hương vị hấp dẫn, những loại thuốc này thu hút giới trẻ, tỷ lệ sử dụng xu hướng tăng nhanh. Thành phần chính trong thuốc lá điện tử là chất nicotine có khả năng gây nghiện cao, tương tự ma túy.

Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Giám đốc Trung tâm chống độc cũng cho biết thêm, trong thuốc lá điện tử có hàng nghìn hương liệu, cho tới nay cóít nhất khoảng 20.000 hóa chất hương liệu và các chất phụ gia khác. Chuyên gia chống độc nhấn mạnh, các hậu quả do thuốc lá điện tử gây ra không những trước mắt mà nó còn đeo bám lâu dài như thuốc lá thông thường. Nicotine ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí gây tổn thương bào thai. Khói thuốc lá chứa các chất gây ung thư, tăng nguy cơ mắc suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Sử dụng nicotine quá liều sẽ gây ngộ độc. Thuốc lá điện tử đã và đang len lỏi rộng khắp tới học sinh, sinh viên và giới trẻ ở từng gia đình. Do đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên mong muốn Quốc hội cần khẩn cấp cấm sản xuất và lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam trước khi quá muộn và mọi việc trở lên không thể kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đồng tình với việc cấm thuốc lá điện tử, bởi đây là "chất gây nghiện, gây ung thư". Tác hại của thuốc lá điện tử đã được nhận biết trên toàn thế giới và ông cho rằng mặt hàng này "không có một chút ưu điểm nào" để quản lý, sử dụng.

Hiện nay thuốc lá điện tử là môi trường thuận lợi để ma túy, cần sa thế hệ mới trà trộn vào. Có hàng trăm hóa chất cần sa, ma túy thế hệ mới trà trộn vào, rất khó phát hiện… Đến nay đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Các nước xung quanh chúng ta đã cấm lưu hành thuốc lá điện tử là Trung Quốc cấm tất cả các loại thuốc lá điện tử có hương thơm, các nước cấm hoàn toàn là Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore. Việc sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm tương tự. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/lap-to-cong-tac-don-doc-trien-khai-duong-sat-do-thi-ha-noi-tp-hcm-ha-noi-tin-moi-chieu-236204.htm