Lập quy hoạch Thủ đô: Nêu cao trách nhiệm, xác định rõ lộ trình

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, kịp thời hạn trình Chính phủ xem xét, phê duyệt cũng như bảo đảm chất lượng lập quy hoạch Thủ đô, TP Hà Nội đã phân công trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị liên quan và đề ra lộ trình triển khai theo từng mốc thời gian từ nay đến cuối năm 2023.

Hình thành liên danh tư vấn – bước đổi mới đáp ứng các thách thức đặt ra

Thủ đô Hà Nội đang thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm triển khai các nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị có liên quan đến Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được triển khai đồng thời là lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và điều chỉnh, bổ sung Luật Thủ đô.

Công tác lập Quy hoạch Thủ đô đã được TP Hà Nội xác định lộ trình cụ thể.

Với việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Hà Nội đã chủ động triển khai đồng thời, đồng bộ các bước, rút gọn quy trình thủ tục, đồng thời bảo đảm đúng quy định. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội (đơn vị được giao chủ trì lập quy hoạch) Lê Ngọc Anh cho hay, với sự vào cuộc khẩn trương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, đến nay công tác lập quy hoạch đã hoàn thành các đầu việc quan trọng, như tổ chức mời thầu và lựa chọn được đơn vị tư vấn chất lượng. Liên danh nhà thầu tham gia gồm 7 đơn vị, là các viện nghiên cứu đầu ngành, trường đại học, cơ quan, đơn vị của bộ, ngành. Đầu tháng 5-2023, cơ quan lập quy hoạch đã phối hợp cùng đơn vị liên quan đánh giá hồ sơ dự thầu, thương thảo để ký hợp đồng chính thức.

Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, quy hoạch Thủ đô lần đầu tiên được thực hiện theo phương pháp tích hợp với 17 lĩnh vực và 30 nội dung. Đây thực sự là bài toán khó đặt ra cho bất cứ đơn vị tư vấn nào. Sau quá trình đánh giá, lựa chọn, việc hình thành liên danh tư vấn gồm 7 đơn vị, tập hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau cho thấy đây là bước đổi mới và được kỳ vọng sẽ đáp ứng các thách thức, yêu cầu đặt ra.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh, sau khi lựa chọn được đơn vị tư vấn, Viện chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn trong triển khai tổ chức các buổi làm việc, hội thảo với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về các lĩnh vực liên quan đến nội dung lập quy hoạch. Đến nay, hầu hết đơn vị, địa phương đã có báo cáo bước đầu rà soát việc lập quy hoạch của ngành, địa bàn phụ trách; đồng thời triển khai các bước cụ thể và chi tiết hơn như lập các phương án quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp, trong khi sự phối hợp của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đôi lúc chưa nhịp nhàng, hiệu quả, có khả năng ảnh hưởng tiến độ, chất lượng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Để bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng lập quy hoạch, vừa qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ và lộ trình triển khai thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị, địa phương.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch theo quy định. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, đánh giá công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách giai đoạn 2011-2020; cung cấp số liệu phục vụ công tác lập quy hoạch; phối hợp với đơn vị lập quy hoạch trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các định hướng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để triển khai tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

UBND Thành phố yêu cầu, việc triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban, ngành

UBND Thành phố yêu cầu, việc triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền và nhân dân Thủ đô; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ban, ngành.

Đặc biệt, UBND TP lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện cần cập nhật, bổ sung các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, định hướng phát triển theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch ngành quốc gia có liên quan trong tình hình mới.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, quy mô diện tích, dân số Thủ đô Hà Nội hiện nay đã lớn hơn rất nhiều so với trước. Vì vậy, Quy hoạch Thủ đô lần này không chỉ là tích hợp lồng ghép tất cả lĩnh vực mà đòi hỏi phải là quy hoạch chiến lược, đặt ra được chiến lược ưu tiên, tạo ra những không gian sáng tạo mới để phát triển và xác định được nguồn lực thực hiện. Cần đề cập các chính sách và sáng kiến phát triển Thủ đô trong bối cảnh liên kết vùng. Đặc biệt quan tâm các lĩnh vực liên quan tới đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hướng tới người dân, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và liên kết đô thị nông thôn. Đây là những vấn đề thời đại, có vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô bền vững.

Có thể nói, vào giai đoạn nước rút, TP Hà Nội ban hành kế hoạch triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô là rất cần thiết. Qua đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kêu gọi các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhân dân đóng góp những ý tưởng phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, để kế hoạch thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, UBND Thành phố cũng cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, có hình thức xử lý những cá nhân, tập thể không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo kế hoạch chi tiết của UBND TP Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo lần 1 của Quy hoạch trước ngày 30-7; hoàn thiện Quy hoạch và gửi lấy ý kiến ban Thường vụ, Thường trực và Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố trước ngày 31-8; gửi lấy ý kiến các bộ, ngành địa phương trước 30-9; trình Hội đồng thẩm định và hoàn thiện Quy hoạch theo kết luận của Hội đồng trước ngày 30-11.

Tiếp đó, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND TP Hà Nội thông qua, Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua để báo cáo Quốc hội trước ngày 5-12; báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 31-12-2023.

Bài, ảnh: THANH LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lap-quy-hoach-thu-do-neu-cao-trach-nhiem-xac-dinh-ro-lo-trinh-730554