'Lập lờ đánh lận con đen'

Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh… có phải là nhà báo tự do, nhà báo độc lập không? Xin thưa rằng ở Việt Nam không có kiểu nhà báo như trên. Đó chỉ là những cái mác tự phong hoặc các tổ chức chống đối thiếu thiện chí đối với Việt Nam gắn cho họ. Việt Nam chỉ có các nhà báo hoạt động trong các cơ quan báo chí được Nhà nước cấp phép và đội ngũ cộng tác viên hùng hậu. Thế nhưng, RSF (Tổ chức phóng viên không biên giới) thì không chấp nhận sự thật như vậy.

RSF là tổ chức phi chính phủ, có trụ sở tại Paris, Pháp, chuyên đấu tranh cho việc chống kiểm duyệt tự do báo chí và giúp đỡ những nhà báo đang bị bắt giữ. Cứ đến hẹn lại lên, kỷ niệm 97 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam năm nay (21-6-2022), RSF vẫn “nhai đi nhai lại”, đưa ra những đánh giá thiếu khách quan và hoàn toàn không có cơ sở khi xét Việt Nam vào nhóm quốc gia không có tự do báo chí. Tổ chức này vu khống Việt Nam bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí. Dựa vào nội dung đánh giá của RSF, các tổ chức truyền thông hải ngoại như: RFA, BBC tiếng Việt, VOA, Facebook Việt Tân… lập tức coi đó là chân lý, “thêm dầu vào lửa” để rồi tung hô và xuyên tạc. RSF đã biến từ không thành có, chúng lại thi nhau một đồn thành mười kiểu như: “RSF tiếp tục xếp Việt Nam trong 10 nước có nền tự do báo chí tồi tệ nhất. Ngày báo chí cách mạng thì Việt Nam nên làm cách mạng thực sự với báo chí Nhà nước, phóng thích ngay những nhà báo độc lập đang bị giam giữ oan sai”. Chúng mạnh miệng đứng ra bênh vực, bảo vệ và đòi trả tự do cho những nhân vật mà chúng gọi là nhà báo độc lập, nhà báo tự do như: Phạm Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, Trương Châu Hữu Danh… và một số tên khác.

Trong đám chống phá này, khá nhất có lẽ là facebook Việt Tân. Việt Tân giật dòng tít: “Ngày nhà báo Viêt Nam, hãy vinh danh những nhà báo chân chính”. Nhìn qua người ta cứ tưởng Việt Tân đôi lúc cũng có suy nghĩ chín chắn. Tuy nhiên đọc nội dung mới thấy chúng ngày càng mưu mô, xảo quyệt. Tác giả dám lấy nhận định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tình trạng tồi tệ của báo chí Việt Nam dưới thời Pháp thuộc để đem ra so sánh với hiện tại. Những nhà báo chân chính thời này chúng muốn đề cập đến ở đây không ai khác ngoài những đối tượng cộm cán về tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước đang chấp hành hình phạt tù như đã nêu ở trên. Đúng là “lập lờ đánh lận con đen”, mánh khóe, tinh vi, gian xảo. Còn nhớ, đã có lúc chúng dùng những lời lẽ cay độc để nói xấu lãnh tụ, nói xấu chế độ. Đến bây giờ, chúng lại trích dẫn lời nói của Bác như là chân lý nhưng lại đem đi xuyên tạc với tình hình báo chí hiện tại. Đây là hành động hết sức bỉ ổi và vô liêm sỉ của những kẻ bất chấp thủ đoạn, bất chấp luân thường đạo lý.

Trong xã hội hiện đại, báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải các quan điểm, ý chí của Đảng, Nhà nước. Thông qua báo chí, các tầng lớp nhân dân cũng được bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng đến các cơ quan chức năng có liên quan giải đáp. Có thể nói, báo chí là một trong nhiều chiếc cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và ngược lại. Chính vì vậy, Nhà nước Việt Nam bảo đảm tối đa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Chúng ta coi đây là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đây cũng là những quyền cơ bản của con người đã được Việt Nam cam kết thực hiện theo những nguyên tắc chung của Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền. Tuy vậy, vấn đề này hằng ngày, hằng giờ luôn là chủ đề nóng để các thế lực thù địch lợi dụng nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Thực tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm tối đa quyền tự do báo chí cho công dân theo pháp luật hiện hành. Hệ thống pháp luật về thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ngày càng được nghiên cứu, hoàn thiện qua từng năm để đáp ứng tình hình thực tiễn đặt ra. Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”. Luật Báo chí và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong tạo điều kiện để công dân được bày tỏ tự do ngôn luận trên báo chí. Cụ thể hơn, tại Điều 11, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 quy định: “Công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới, tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp ý kiến phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.

Những cái “loa rè” ở hải ngoại có lẽ không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam nên “ghen ăn tức ở”, nói xấu không biết ngại miệng mà quên đi những con số thống kê. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Việt Nam có khoảng 779 cơ quan báo chí, 193 kênh truyền hình. Số người đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí là hơn 41.000. Trong khi đó, sóng của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn cũng đã và đang hoạt động bình thường tại Việt Nam. Chúng cũng đã cố tình bỏ qua thực tế rằng Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng và sử dụng internet cao nhất thế giới với hơn 68 triệu người dùng, chiếm xấp xỉ 70% dân số. Nói về số người dùng mạng xã hội thì Việt Nam được đánh giá là nước có tỷ lệ cao nhất. Các “ông lớn” như Facebook, YouTube, TikTok… đều phát triển mạnh ở Việt Nam. Đơn cử như youtuber, tiktoker đang được coi là nghề “hot”, rất nhiều người đã thành công trong lĩnh vực này và mang lại thu nhập cao cho bản thân, gia đình.

Không phải tự nhiên, vô cớ mà những đối tượng nêu trên bị xét xử. Tất cả chúng đều lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, gây mất ổn định trong xã hội, trực tiếp xâm phạm đến lợi ích Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan... Vì vậy, những bản án dành cho những con người nêu trên là hoàn toàn thích đáng. Nhìn sang các nước khác trên thế giới để thấy hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí để vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích của người khác, của tổ chức, nhà nước đó đều bị xử lý nghiêm khắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Mỗi cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy chính là vũ khí sắc bén. Chính vì vậy, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo chân chính cần khắc sâu lời Bác dạy, phấn đấu rèn luyện để tâm trong, trí sáng, ngòi bút sắc sảo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Còn những kẻ với mưu đồ quỷ quyệt, lúc nói này, lúc nói khác chỉ để vụ lợi, mang lợi ích cho bản thân mà quên đi cội nguồn dân tộc thì không bao giờ được công nhận danh xưng “nhà báo”.

Đỗ Thành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/134512/lap-lo-danh-lan-con-den