Lấp 'khoảng trống' pháp luật để bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông

Việt Nam hiện chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đây là một 'khoảng trống' về pháp luật cần được sớm bổ sung hoàn thiện trong thời gian tới để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

"Khoảng trống" quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên xe ô tô

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Trong đó, trong đó có khoảng 600 - 700 vụ liên quan tới ô tô (thống kê báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2019, 2020, 2021).

Một trong những vấn đề được các chuyên gia chỉ ra là cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em ngồi trên xe ô tô, trong khi có khoảng 23% phương tiện lưu thông để trẻ em ngồi ghế trước một mình, 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn, dù đây là vị trí rất nguy hiểm với các bé.

Việc cho trẻ em ngồi ghế trước ô tô, lại đùa nghịch là điều rất nguy hiểm (Ảnh minh họa: vov.vn)

Trên thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc trẻ em ngồi trên xe không thắt dây an toàn, không có thiết bị an toàn phù hợp dành cho trẻ. Ngày 24/2/2021, tại Lâm Đồng, một ô tô 7 chỗ khi xuống dốc đã va chạm trực diện vào lan can bê tông. Vụ tai nạn khiến 4 người trong gia đình trên xe bị thương nặng, được đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, cháu L.T.H. (7 tuổi) đã tử vong trên đường tới bệnh viện cấp cứu.

Ngày 14/7/2023, một ô tô 4 chỗ di chuyển từ thành phố Nam Định về xã Hợp Hưng, đến khu vực ngã tư xã Đại An và xã Hợp Hưng (huyện Vụ Bản), đã va chạm với xe tải. Trên ô tô lúc này có 4 người (gồm 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ). Cú va chạm mạnh khiến nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong.

Đây là hai trường hợp điển hình cho thấy các rủi ro dẫn tới thương tích với trẻ em trên xe ô tô đang diễn biến phức tạp.

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, đối với người trưởng thành, khi đi xe ô tô có dây an toàn - thiết bị bảo vệ an toàn thụ động tốt nhất và quan trọng nhất. Đối với trẻ em, qua nhiều nghiên cứu và thực nghiệm khoa học, dây an toàn cho người trưởng thành chưa phát huy tác dụng với trẻ em.

Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Đại học Y tế công cộng) cho thấy, chỉ 1,3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó, tỷ lệ này ở Hà Nội là 2,6%, tại Thành phố Hồ Chí Minh là 1,1% và Đà Nẵng là 0%. Hầu hết người dùng thiết bị an toàn cho trẻ là do đã quen khi sử dụng ở nước ngoài.

Quy định cụ thể về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô

Theo đánh giá của các chuyên gia an toàn giao thông, trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, quy định về thiết bị an toàn trên xe ô tô tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Thiết bị an toàn là thiết bị có đủ khả năng đảm bảo an toàn cho trẻ ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng, trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ.

Thiết bị an toàn cho trẻ em gồm nhiều loại như: nôi, ghế chuyên dụng và đệm nâng để phù hợp với chiều cao và cân nặng của trẻ và phải được lắp đặt cố định với xe ô tô qua chốt an toàn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn. Nguy cơ chấn thương giảm đối với trẻ em ngồi ghế sau trong trường hợp có dùng và không dùng thiết bị an toàn: Với trẻ em không dùng thiết bị an toàn nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn thì nguy cơ này giảm 14%.

Trong các dự thảo văn bản pháp luật mới liên quan đến an toàn giao thông, thiết bị an toàn cho trẻ em đã được đặt ra. TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định, đây là xu hướng tích cực trong việc nỗ lực bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông.

Theo Báo cáo ATGT đường bộ toàn cầu WHO (2018), đến nay đã có gần 100 quốc gia ban hành quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Trong khu vực ASEAN, đã có khá nhiều quốc gia áp dụng quy định này. Singapore (thông qua năm 2011), dưới 135 cm; Malaysia (thông qua năm 2020), dưới 136 cm và dưới 12 tuổi; Philipine (thông qua năm 2019), dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm; Campuchia (2017) dưới 4 tuổi.

Hiện nay, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đề xuất quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em. Theo đó, nhiều ý kiến các chuyên gia đề xuất nên quy định rõ việc cấm trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước (trừ xe có một hàng ghế) và "Trẻ em cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi phải được chở trên xe ô tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em".

Đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới 85%.

Theo đánh giá sơ bộ có khoảng 1.800 - 2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ôtô có trẻ em, nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, quy định này chỉ nên áp dụng với xe con cá nhân vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này. Khuyến khích (nhưng không bắt buộc) với các loại xe vận tải công cộng vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn, sự khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em.

Có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Quy định trên sẽ ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng./.

Tú Giang

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/lap-khoang-trong-phap-luat-de-bao-ve-tre-em-khi-tham-gia-giao-thong-664791.html