Lập đoàn kiểm tra gấp về khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi, TP.HCM

Bộ Tài nguyên và Môi trường lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực Tây Bắc Củ Chi, TPHCM.

Kiểm tra về khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, TP.HCM

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực Tây Bắc huyện Củ Chi, TPHCM sau khi báo chí phản ánh.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đoàn kiểm tra của đơn vị này sẽ kiểm tra cơ sở xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Cổ phần Vietstar.

Trước đó, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về thực trạng ô nhiễm môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TPHCM) những năm gần đây khiến người dân sống trong khốn khổ.

Hiện nay công suất xử lý rác của nhà máy của Công ty Vietstar khoảng 2.000 tấn rác/ngày.

Nhà máy của doanh nghiệp này sử dụng dây chuyền công nghệ đốt rác phát điện để xử lý, thay thế việc chôn lấp thủ công như trước đây. Tuy nhiên, nhiều năm nay người dân địa phương vẫn "kêu trời" vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước thải.

Số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, bình quân mỗi ngày TPHCM có khoảng 9.800 tấn chất thải phát sinh, được điều phối về 4 đơn vị xử lý rác. Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn huyện Củ Chi chịu trách nhiệm xử lý khoảng 3.200 tấn/ngày.

Với công nghệ xử lý rác có phần lạc hậu là đốt, ủ phân compost và chôn lấp, những cột khói khổng lồ mỗi khi đốt rác, dòng nước đen kịt bao phủ những con kênh kế cận là hình ảnh mà người dân tại khu vực này phải chứng kiến trong thời gian dài.

Kiểm tra định kỳ và đột xuất các điểm nóng môi trường

Báo cáo hiện trạng ô nhiễm môi trường trên cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cho thấy, quá trình đô thị hóa đã diễn ra mạnh mẽ tại nhiều địa phương.

Dân số gia tăng đồng nghĩa với việc gia tăng chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt. Cả nước có trên 900 bãi chôn lấp chất thải rắn hoặc tập kết chất thải cấp xã. Tại nhiều bãi rác lộ thiên diễn ra hoạt động đốt rác thải, phát sinh NOx , CO, SOx , HCl, HF, tro và một số chất độc hại khác, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí tại những thời điểm nhất định.

Hiện nay, chưa có số liệu cụ thể về tải lượng phát thải các chất khí từ hoạt động đốt rác này. Bên cạnh đó, dưới tác động của nhiệt độ, độ ẩm và các vi sinh vật, chất thải rắn hữu cơ bị phân hủy và sản sinh ra các chất khí gây mùi khó chịu như NH3, H2S, mercaptan…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, trong giai đoạn từ nay tới 2030 ở các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội,... cần kiềm chế tốc độ "bê tông hóa" tại đô thị, các công trình giao thông, công trình xây dựng phải được che chắn, giảm thiểu đến mức tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Tiến hành thống kê, đánh giá hiện trạng các điểm nóng xảy ra ô nhiễm không khí do bụi và khí thải có nồng độ các thông số vượt ngưỡng quy định về môi trường.

Thậm chí phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các điểm nóng môi trường. Xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật.

Văn Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lap-doan-kiem-tra-gap-ve-khu-lien-hop-xu-ly-chat-thai-ran-tay-bac-cu-chi-tphcm-post1040238.vov