Lập di chúc khi không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc lập di chúc không bắt buộc người lập di chúc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ cần có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, các giấy tờ làm căn cứ để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi nhận tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.

Bà Nguyễn Thị Thuận (thuannguyen62@gmail.com) đề nghị được giải đáp về việc chia tài sản thừa kế quyền sử dụng đất. Cụ thể như sau:

"Chú tôi mua một lô đất năm 1977, giấy tờ mua bán viết tay. Do hoàn cảnh ông phải về quê vợ và để tôi ở trên mảnh đất đó. Theo quy định, tôi phải kê khai hộ khẩu, kê khai lô đất, nộp thuế đất đứng tên tôi. Năm 2000, tôi được cấp giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng lô đất đứng tên vợ chồng tôi. Các con chú tôi lấy đất nên khiếu kiện và bị thu hồi giấy chứng nhận tạm thời quyền sử dụng lô đất. Nay chú tôi làm di chúc cho con ông thừa hưởng quyền sử dụng lô đất.

Xin được hỏi: Chú tôi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất nhưng làm di chúc cho con ông thừa hưởng tài sản quyền sử dụng lô đất có được không? Tòa án căn cứ di chúc và giấy tờ mua bán viết tay để chia tài sản thừa kế quyền sử dụng đất mà không có bất kỳ giấy tờ nào khác là có đúng theo quy định của pháp luật?"

Câu hỏi của bà Thuận được Công ty Luật TNHH Đại Việt tư vấn như sau:

Theo thông tin bà Thuận cung cấp và trên cơ sở các quy định của Bộ luật Dân sự 1995 và Luật Đất đai 2003, chú của bà là chủ sử dụng của lô đất nói trên. Và bà chỉ là người thực tế đang sử dụng lô đất trên, chứ không có quyền định đoạt hay chuyển quyền sử dụng lô đất nói trên cho người khác.

Chú bà là sử dụng hợp pháp của lô đất nói trên nên chú bà có quyền làm di chúc để lại di sản cho con ông thừa hưởng quyền sử dụng đất bất động sản nói trên.

Căn cứ Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Di chúc, thì Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển dịch tài sản của mình cho người khác sau khi chết và tại Điều 649 của Bộ luật này cũng quy định về hình thức của di chúc, theo đó thì Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Căn cứ Điều 66 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định về thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng Giấy chứng nhận thì kể từ ngày 1/1/2008, người sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Do đó việc lập di chúc không bắt buộc người lập di chúc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được lập di chúc mà chỉ cần có các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, các giấy tờ làm căn cứ để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ghi nhận tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003.

Vì các lý do trên, việc Tòa án căn cứ vào di chúc và giấy tờ mua bán viết tay để chia tài sản thừa kế quyền sử dụng đất là có cơ sở.

Công ty Luật TTHH Đại Việt

(Số 335 Kim Mã, Ba Đình, TP. Hà Nội)

* Thông tin chuyên mục này có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong hoạt động tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/lap-di-chuc-khi-khong-co-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat/201010/44776.vgp