Lao vào điểm nóng

Từ một nguồn tin, phóng viên Báo Người Lao Động đã một mình cùng người dẫn đường xâm nhập các mỏ vàng trái phép ở vùng rừng núi Quảng Trị để thực hiện loạt phóng sự điều tra Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng

Giữa tháng 6-2022, một nguồn tin cho biết khu vực thượng nguồn suối Ka Ruông, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đang bị "oanh tạc" bởi nạn khai thác vàng trái phép. Dù cơ quan chức năng đã phối hợp truy quét nhưng khi họ rời đi, phu vàng lẩn trốn trong rừng lại tỏa ra hoạt động. Nhận được thông tin này, phóng viên Báo Người Lao Động quyết tâm lao vào điểm nóng, tìm cách thâm nhập các mỏ vàng trái phép ở đây.

Tình huống ngoài "kịch bản"

4 giờ sáng một ngày đầu tháng 7-2022, phóng viên có mặt ở xã Tà Long sau khi khoác lên mình bộ quần áo giữ rừng và chiếc ba-lô chứa lỉnh kỉnh xoong nồi, mì gói, gạo, thức ăn, nước uống… Việc di chuyển phải diễn ra nhanh nhất có thể vì tai mắt của các chủ mỏ vàng có ở khắp nơi, chẳng biết ai là "địch", ai là "ta".

Đến giữa trưa, người dẫn đường tên K. đón phóng viên theo thỏa thuận trước đó rồi chúng tôi cùng gửi xe, cuốc bộ vào các mỏ vàng ở thượng nguồn suối Ka Ruông. Ông K. khá am tường địa hình ở Ka Ruông. Các vị trí khai thác vàng trái phép tại đây ông từng đặt chân đến. Trong quá trình tiếp cận người dẫn đường, tôi giấu nghề nghiệp và mục đích chuyến đi của mình, chỉ giới thiệu là nhân viên điều tra động vật hoang dã, được cơ quan cử vào đây khảo sát, đặt máy bẫy ảnh.

Sau khi lội bộ hơn 4 giờ bở hơi tai, chúng tôi cũng đến được thượng nguồn suối Ka Ruông. Tại đây, đập vào mắt chúng tôi không chỉ là việc núi bị đục khoét để tìm vàng mà nhiều cây rừng cũng bị triệt hạ. Ở các vị trí này, máy định vị GPS cầm tay mà chúng tôi mang theo đều ghi lại tọa độ cụ thể để làm căn cứ khi cơ quan chức năng vào kiểm tra, ghi nhận. Thực địa, ghi hình xong, chúng tôi tấp vào một lán trại của phu vàng xin tá túc qua đêm để hôm sau tiếp tục công việc. Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ dù một số phu vàng tỏ vẻ không mấy thiện cảm với người lạ.

Có 2 tình huống nằm ngoài "kịch bản" khiến chúng tôi chột dạ, suýt bị lộ thân phận. Lần thứ nhất, lúc gặp chúng tôi ở bờ suối, một phu vàng từng trải tỏ ra đầy ngờ vực: "Có khi mô mấy ông là nhà báo giả dạng không? Nhà báo mà vô đây là chết tụi này". Trước ánh mắt soi mói của anh ta, phóng viên vội vàng vốc nước suối rửa mặt liên tục để che đi nét biểu cảm không hay rồi bình tĩnh lựa cách trả lời.

Lần thứ hai, khi chủ bưởng vàng thấy người lạ trong lán, ông ta liên tục lấy thiết bị kích sóng gắn điện thoại gọi ra bên ngoài. Ông ta còn cầm thiết bị định vị GPS mà phóng viên mang theo để lên Google tra thông tin, ngay cả ba-lô của chúng tôi cũng bị lục soát kỹ lưỡng. Chỉ khi không phát điều gì bất thường, ông ta mới "đón nhận" chúng tôi…

Phóng viên Báo Người Lao Động trên đường thâm nhập các mỏ vàng trái phép tại thượng nguồn suối Ka Ruông

Cuộc rượu với phu vàng

Chiều tối hôm đó, mâm cơm ở lán chúng tôi tá túc được dọn lên nhưng không có rượu. Một phu vàng mở lời "vay" rượu ở lán cạnh bên nhưng chỉ nhận cái lắc đầu.

Chúng tôi thầm cảm ơn nguồn tin vì trước đó đã gợi ý nên mang theo rượu mời phu vàng để dễ "nói chuyện", dễ "moi" thông tin. Bởi lẽ, khi tỉnh táo, các phu vàng rất kiệm lời và cảnh giác cao độ với người lạ. Tôi dặn lòng chỉ hỏi vừa đủ nội dung cần thiết, ưu tiên nói về "công việc" đang nhập vai.

Tất nhiên, khi cuộc rượu bày ra, máy ghi âm đã bật sẵn trong túi quần chúng tôi. Toàn bộ cuộc nói chuyện giữa các phu vàng đều được ghi lại. Đến lúc cuộc rượu tan, nhóm phu vàng lao vào trò đỏ đen thì chúng tôi lên võng nằm nghỉ, song tầm mắt vẫn hướng về phía sòng bạc để kịp ghi lại những hình ảnh liên quan.

Đó là những bằng chứng quan trọng, thuyết phục để khi rời khỏi các mỏ vàng, phóng viên đem ra "đối chất" trực tiếp với đại diện chính quyền địa phương - những người vốn không tin có chuyện "rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng" ở khu vực thượng nguồn suối Ka Ruông. Theo họ, cơ quan chức năng địa phương đã truy quét, đẩy đuổi phu vàng hết rồi!

Sáng hôm sau, nhiều phu vàng lạ mặt bất ngờ xuất hiện ở lán chúng tôi. Người dẫn đường và phóng viên trở thành tâm điểm để họ cật vấn. Họ "quần" chúng tôi rất lâu bằng nhiều câu hỏi liên quan ngành lâm nghiệp và công việc điều tra, bẫy ảnh động vật. Cũng may, trước khi xâm nhập thực tế mỏ vàng này, phóng viên đã được các cán bộ giữ rừng "phổ cập" những nội dung cơ bản nên tự tin trả lời. Xác định ở lại lâu rất dễ bị lộ thân phận nên chúng tôi viện cớ phải tiếp tục công việc rồi rút ra bên ngoài…

Trong những phu vàng tôi gặp, có người xăm trổ, nói năng bặm trợn nhưng cũng có người rất hiền lành, điềm đạm. Chẳng hạn anh S. (quê Quảng Nam), dáng người thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng. Anh tâm sự vì kiếm tiền nuôi vợ con nên chấp nhận "nhảy" núi đi đào vàng thuê. Con gái anh cũng trạc con chúng tôi, vài ngày không gặp là nhớ quay quắt tiếng bi bô trẻ nít. Trong khi đó, đã nhiều ngày đêm, anh chưa được về thăm nhà…

Loạt phóng sự - điều tra “Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng” đã đoạt giải A Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị lần thứ 6 - năm 2022.

Sau khi Báo Người Lao Động đăng tải loạt phóng sự - điều tra "Rầm rộ khoét núi, phá rừng tìm vàng" vào tháng 7-2022, chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và xác định thông tin báo phản ánh là sát với thực tế.

Cơ quan chức năng sau đó đã chấn chỉnh, tổ chức chốt chặn, thiết lập lại trật tự ở thượng nguồn suối Ka Ruông.

Bài và ảnh: HẢI PHONG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/lao-vao-diem-nong-20230727233242142.htm