Lao động trong không gian hạn chế: Khơi nguồn ý thức về an toàn xây dựng

Việc ra mắt Trung tâm đào tạo huấn luyện trên cao và trong không gian hạn chế đầu tiên trên cả nước của Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 vừa qua đã khơi lên hồi chuông ý thức cho các DN trong vấn đề trang bị bảo hộ, xây dựng kỹ năng, ý thức làm việc chuyên nghiệp cho công nhân trong khu vực điều kiện thi công khó khăn, hạn chế.

Mô hình Trung tâm HCS tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 2.

Ý tưởng lớn gặp nhau

Bắt đầu từ việc hàng ngày Cty TNHH Xây dựng Dương Luân khi thi công cho chủ đầu tư là DN nước ngoài thường xuyên yêu cầu cao về công tác bảo hộ an toàn lao động trong thi công, thậm chí nhiều hợp đồng đấu thầu bị đánh trượt vì chưa đáp ứng được các yêu cầu của họ nhất là trong thi công ở địa thế hiểm trở trên cao và khu vực hạn chế. Anh Dương Đình Luân - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng Dương Luân bức xúc vì muốn cho anh em công nhân đi huấn luyện, trang bị những kiến thức về an toàn cho lĩnh vực trên cao và không gian hạn chế thì không thấy có cơ sở nào đào tạo. Chợt nghĩ sao mình không tự đào tạo vì thấy nhu cầu này khá nhiều nhưng chưa nơi nào đào tạo. Và ý tưởng đó đã được nhen lên cùng Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 - PGS. TS Lê Anh Đức - người có khá nhiều trăn trở làm sao đưa đào tạo thực hành vào giảng dạy ngày càng nhiều, làm sao cho sinh viên, học viên có môi trường thực hành chuyên nghiệp?

Chỉ sau 1 tháng “thai nghén” Trung tâm Huấn luyện kỹ năng làm việc trên cao và trong không gian hạn chế (Center Training for Working at Heights and Confined Spaces - HCS) đã đưa vào khánh thành tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị và chuyên gia của 2 Cty nước ngoài là PETZL (Pháp), FALLPROTEC (Đức) và Cty Quân Đạt với mô hình được xây dựng mô phỏng cho ngành điện, dầu khí, xây dựng.

Cung và cầu - sự mong mỏi một nơi đào tạo chuyên nghiệp

Đến dự lễ khánh thánh Trung tâm ông Nguyễn Cảnh Sơn - Cty truyền tải điện 4 hào hứng chia sẻ: Đúng là ngành chúng tôi thực sự rất cần mô hình đào tạo thực tế này vì công nhân của chúng tôi đi thi công đường điện toàn ở địa hình rừng núi và trên cao nhưng họ cũng chưa được trang bị kỹ lưỡng về thực hành An toàn lao động, một phần chưa có nơi nào đào tạo.

KTS Hoàng Như Hải - Giám đốc thiết kế Cty Meihardt đánh giá: Đúng là thị trường hiện nay đang bỏ trống lĩnh vực đào tạo khó này. Hôm nay tôi đến đây để xem các chuyên gia nước ngoài trình diễn, một phần biết vấn đề bảo hộ lao động, an toàn lao động của chúng tôi đang thiếu và yếu ở đâu để cải thiện.

Các chuyên gia nước ngoài đang trình diễn thi công mặt ngoài nhà cao tầng.

Ông Dương Đình Luân vui vẻ cho biết: Ngay sau buổi lễ khai trương này chúng tôi đã đón được khách hàng đầu tiên là Tập đoàn Dầu khí họ sẽ cử nhân viên tham gia huấn luyện tại đây từ thứ hai (28/11) để phục vụ cho công tác bảo trì giàn khoan.

Thực trạng an toàn lao động

Theo Bộ LĐTB&XH, tai nạn lao động trên cả nước trong 6 tháng đầu năm tăng 285 vụ (tăng 7,5%), số người chết vì tai nạn lao động tăng 79 người (tăng 28,5%) so với 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm cao nhất 21,6% tổng số vụ tai nạn và 22,3% tổng số người chết; kế đến là lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 18,3% tổng số vụ và 17,6% tổng số người chết và lĩnh vực cơ khí chế tạo chiếm 13,5% tổng số vụ và 11,8% tổng số người chết. Bộ cũng tổng kết các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người như ngã, rơi từ trên cao chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,1% tổng số người chết. Điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,1% tổng số người chết. Vật rơi, đổ sập, vùi lấp chiếm 16,2% tổng số vụ và 15,7% tổng số người chết.

Do vậy, ngày 16/7/2016, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH xác định Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó đặc biệt quy định tại các danh mục công việc gồm: (4) Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động máy, thiết bị sử dụng trong thi công xây dựng gồm: Máy đóng cọc, máy ép cọc, khoan cọc nhồi, búa máy, tàu hoặc máy hút bùn, máy bơm; máy phun hoặc bơm vữa, trộn vữa, bê tông; trạm nghiền, sang vật liệu xây dựng; máy xúc, đào, ủi, gạt, lu, đầm rung, san; các loại kích thủy lực; vận hành xe tự đổ có tải trọng trên 5 tấn; (7) Các công việc làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2m trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm; (15) Các công việc trực tiếp thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng. Do đó, đòi hỏi các công nhân lao động trong các lĩnh vực này cần phải được huấn luyện về an toàn và các đơn vị, Cty tham gia thực hiện phải đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động.

Trước đó, ngày 24/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2015/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong đó có danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng đòi hỏi người lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong đó có 2 nhóm công việc đặc biệt đòi hỏi người lao động phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là: Thi công đường hầm và vệ sinh mặt ngoài nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên).

Khóa huấn luyện đầu tiên của Trung Tâm - CN được huấn luyện về kiến thức an toàn và chuẩn bị kỹ lưỡng về bảo hộ lao động trước khi làm việc trên cao.

Như vậy, những quy định pháp lý hiện nay khá đầy đủ đảm bảo an toàn cho người lao động, nhưng thực tế nhiều đơn vị, Cty cũng chưa quan tâm đến những điều kiện an toàn này. Thậm chí bản thân người lao động cũng chưa ý thức về an toàn và tai nạn cho bản thân mình khi tham gia thi công. Trong thời gian tới, với những quy định về pháp lý sẽ còn chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, đảm bảo an toàn tính mạng người lao động.

Đáp ứng nhu cầu thiết thực đó Trung tâm HCS của Trường Cao đẳng Xây dựng số 2 sẽ đào tạo lực lượng công nhân kỹ thuật ngành Xây dựng chuyên biệt thực hiện các công việc trên cao, nơi cheo leo nguy hiểm, trong không gian hạn chế, trong đó yếu tố an toàn và đảm bảo tính mạng người lao động được đặt lên hàng đầu. PGS.TS Lê Anh Đức - cho biết: “Với việc đào tạo bài bản cho công nhân giúp họ trang bị kỹ năng, ý thức trách nhiệm về an toàn lao động trong công việc trước khi ra làm việc tại công trình sẽ giảm thiểu được các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc làm này sẽ đem lại lợi ích lớn cho DN và toàn xã hội. Thi công trên cao và trong không gian hạn chế có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao nhưng từ trước đến giờ lại chưa có ngành nghề nào đào tạo bài bản. Chúng tôi hy vọng đây là môi trường huấn luyện đào tạo tốt cho công nhân và mong muốn Trung tâm sẽ là đơn vị tiên phong trong phong trào an toàn lao động tại Việt Nam, đảm bảo “người lao động phải có được điều kiện an toàn và bản thân phải có kỹ năng làm việc an toàn”.

Trung tâm HCS cũng là nơi đào tạo và cấp chứng chỉ an toàn lao động, đào tạo sát hạch và cấp chứng chỉ nghề quốc gia. Dự kiến trong tương lai Trung tâm liên kết đào tạo cấp chứng chỉ quốc tế Rope Access. Trung tâm còn là nơi tổ chức các hoạt động hội thảo, sinh hoạt chuyên đề… về an toàn lao động dành cho các chuyên viên phụ trách an toàn lao động đến từ các DN. Trung tâm HCS được trang bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện cần thiết phục vụ cho mục tiêu đào tạo. Riêng các dụng cụ huấn luyện kỹ năng đu dây tiếp cận và cứu sinh thoát hiểm được cung cấp bởi các hãng sản xuất dụng cụ huấn luyện chuyên dụng là PETZL và FALLPROTEC. Đội ngũ giảng viên, huấn luyện viên có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy. Chương trình đào tạo của Trung tâm HCS được thiết kế linh hoạt đáp ứng theo nhu cầu người học, từ đối tượng chưa có kiến thức về thi công xây dựng đến những đối tượng đang làm việc tại các DN. Khóa học được thiết kế ngắn ngày không cản trở gián đoạn việc làm của công nhân.

Các khóa học của Trung tâm:

- Kỹ năng tiếp cận và làm việc trên cao (Rope Access);

- Kỹ năng lắp dựng giàn giáo, cốp pha nhà cao tầng;

- Kỹ năng hoàn thiện mặt ngoài nhà cao tầng (lắp dựng vách kính, sơn nước mặt ngoài...);

- Kỹ năng làm việc trên cao (xây lắp điện, truyền tải điện...);

- Bảo trì và vệ sinh mặt ngoài nhà cao tầng;

- Kỹ năng làm việc trong điều kiện hạn chế (đập tràn, bể chứa, tuabin gió…); Vận hành xe nâng...

Bùi Hiền

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/lao-dong-trong-khong-gian-han-che-khoi-nguon-y-thuc-ve-an-toan-xay-dung.html