Lao động giúp việc: Cần phải ký hợp đồng

Bộ LĐ,TB&XH đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình (GVGĐ). Dự kiến nghị định này sẽ được trình Chính phủ đầu năm 2014 và được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều bất cập hiện nay về quyền lợi của lao động giúp việc gia đình cũng như về việc quản lý đối tượng này.

Thiệt thòi vì không được công nhận

Tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lao động GVGĐ đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động chính, có chất lượng cao, phát huy khả năng, trí sáng tạo trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, GVGĐ cũng mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ ở nông thôn có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định. Theo Trung tâm Dự báo và Thông tin thị trường lao động Quốc gia, số lượng việc làm liên quan tới GVGĐ sẽ tăng từ 157.000 người năm 2008 lên tới 246.000 người vào năm 2015.

Tại Hội thảo mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, nhiều đại biểu tỏ ý lo ngại cho rằng: phần lớn lao động GVGĐ thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật liên quan lại không được bảo vệ bởi các khung pháp lý nên nguy cơ xảy ra tranh chấp, bạo hành thậm chí là xâm hại rất lớn.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, vai trò của lao động GVGĐ hiện nay không thể phủ nhận, song đây vẫn là nghề ẩn chứa quá nhiều định kiến, nhiều rủi ro xuất phát từ định kiến này. Đáng chú ý, về mặt quản lý vẫn tồn tại quá nhiều "khoảng trống”. Đơn cử như theo quy định của pháp luật, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi cả nước, Bộ LĐTB & XH chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lao động. Song trên thực tế hiện nay chưa có phương thức quản lý nào đối với loại hình lao động GVGĐ. Chỉ có ngành công an quản lý việc đăng ký tạm trú của người lao động GVGĐ. Sự thiếu vắng trong công tác quản lý dẫn đến địa phương nơi đi và nơi đến không nắm được số lượng, tình hình liên quan đến lao động GVGĐ tại địa bàn mình” – bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Nhanh chóng đưa Luật Lao động vào đời sống

Theo Bộ Luật Lao động (sửa đổi năm 2012), quyền và lợi ích của người lao động giúp việc nhà đã được điều chỉnh. Cụ thể, Luật quy định chủ sử dụng và người giúp việc nhà phải ký hợp đồng bằng văn bản và nêu rõ tên, địa chỉ, nơi làm việc, thời gian, chế độ nghỉ... của người lao động. Tuy nhiên, mặc dù quy định này đã có hiệu lực được 7 tháng nhưng việc được ký hợp đồng lao động với lao động GVGĐ vẫn là trên giấy.

Ông Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội) đánh giá, Luật Lao động của Việt Nam từ năm 2012 đã yêu cầu gia chủ và "osin” phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với các điều khoản rõ ràng, nhưng thực tế có rất ít người thực hiện. Người thuê và "osin” thường thỏa thuận miệng với nhau, tìm đến nhau thông qua quen biết và môi giới qua loa.

Xuất phát thực tế trên, nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan tới lao động GVGĐ trong Bộ luật Lao động sửa đổi, hiện Bộ LĐTB & XH đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Theo đó, sẽ cụ thể hóa nhiều quy định nhằm đảm bảo quyền lợi cho lao động GVGĐ. Đặc biệt, Dự thảo Nghị định còn quy định khá chi tiết về việc ký kết hợp đồng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi. Ví dụ, "thời giờ làm việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào đặc điểm, điều kiện làm việc, tính chất công việc trong từng hộ gia đình và được ghi trong hợp đồng lao động song tổng số thời gian làm việc trong ngày không quá 12 giờ”, hay "mỗi tuần người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục”…

Việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết là rất cần thiết nhằm thúc đẩy các quy định của Luật vào đời sống. Tuy nhiên bà Ngọc Anh băn khoăn: Cần làm gì để quy định về lao động GVGĐ trong Bộ luật Lao động 2012 được thực thi hiệu quả và đến bao giờ GVGĐ có tên trong danh mục nghề quốc gia là hai câu hỏi cần quan tâm nhất hiện nay đối với lao động GVGĐ. Thực tế việc làm của LĐGVGĐ khó đạt được ngay tiêu chuẩn việc làm bền vững, nhưng cùng với việc can thiệp tháo gỡ kịp thời, cần có các giải pháp đồng bộ lâu dài, đó là đổi mới tư duy, coi GVGĐ thật sự là một nghề; xây dựng chuẩn đào tạo, hướng tới bắt buộc NGVGĐ phải có chứng chỉ học nghề; … Nếu được bảo vệ quyền lợi thiết thực, lao động GVGĐ sẽ có cơ hội, điều kiện cống hiến tốt hơn trong sự phát triển chung của đất nước.

Khi "osin” chưa phải là một nghề, khi chưa có một quy định nào về quản lý lực lượng lao động này và khi xã hội còn định kiến thì dù có Luật song rất khó đảm bảo lao động GVGĐ sẽ được bảo vệ. Chính vì vậy, các ngành chức năng cần thúc đẩy nhanh đưa những quy định của Luật vào đời sống.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=73923&menu=1372&style=1