Lào Cai: Thực hiện chương trình MTQG 1719, xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng cây dược liệu

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp. Nguồn lực từ tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

Lào Cai: 1 trong 8 vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trong cả nước

Lào Cai có điều kiện tự nhiên, khí hậu đa dạng, thuận lợi cho phát triển cây dược liệu.

Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 179/QĐ-BYT ngày 20/1/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, nhằm bảo tồn và khai thác dược liệu tự nhiên, Việt Nam quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm để lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài, sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn dược liệu mỗi năm.

Trong đó, Lào Cai thuộc vùng núi cao với khí hậu á nhiệt là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm. Cùng với Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ), Lào Cai sẽ phát triển trồng 13 loài dược liệu, cụ thể là: 4 loài bản địa (bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn) và 9 loài nhập nội (áctisô, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, tam thất, hoàng bá, mộc hương, ô đầu, xuyên khung... với diện tích 2.550ha. Ưu tiên phát triển các loài áctisô, đương quy, đảng sâm.

Khảo sát việc trồng dược liệu tại huyện Bắc Hà (Lào Cai). Ảnh: H.Đ.

Tại Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên khí hậu, tri thức bản địa và du lịch để gia tăng giá trị thu nhập cho người dân.

Quyết tâm hiện thực hóa những mục tiêu lớn, xóa nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng cây dược liệu

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 850 loài cây thuốc trong tổng số 3.948 loài thực vật có công dụng làm thuốc; 78 loài có tiềm năng khai thác; 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn; nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, là thành phần chính để sản xuất các loại biệt dược như: Sâm Hoàng Liên (khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn), Bình vôi, Tam thất hoang, Chè dây, Giảo cổ lam, Thất diệp nhất chi hoa, Đỗ trọng.

Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha. Hiện có 210 ha (13 loại cây) cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực.

Tuy nhiện, Chương trình phát triển công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được UBND tỉnh Lào Cai ban hành hồi tháng 6/2023, Lào Cai đang hướng tới những mục tiêu cao hơn.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Lào Cai duy trì và phát triển diện tích dược liệu đạt khoảng 5.000 ha tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp, trong đó diện tích các loại dược liệu đầu vị để sản xuất hằng năm, sản phẩm phục vụ công nghiệp dược liệu đạt 1.600 ha. Hình thành chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO)” phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Phát triển tối thiểu 2 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại các địa phương trọng điểm về dược liệu của tỉnh; xây dựng thương hiệu 2 - 3 sản phẩm dược liệu và có thêm 3 - 5 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Hình thành tối thiểu 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng trên 70% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu.

Thu hút đầu tư tối thiểu 1 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thành lập Trung tâm sản xuất, bào chế thuốc thuộc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để thực hiện sơ chế, bào chế vị thuốc, sản phẩm dược liệu địa phương cung ứng cho các cơ sở y tế trong tỉnh và thị trường.

Mục tiêu đến năm 2045: Cùng với sự nâng cấp, hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển giao thông kết nối vùng, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư, nâng cấp, phát triển thêm số nhà máy sản xuất thuốc; tăng diện tích vùng trồng dược liệu đạt 6.000 ha; khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn.

Hình thành tối thiểu đạt 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống dược liệu để cung cấp cây giống chất lượng cao, đảm bảo cung ứng 100% nhu cầu cây giống cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Xây dựng thương hiệu tối thiểu cho 4 sản phẩm dược liệu và có thêm ít nhất 10 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, những năm qua, Lào Cai đã ban hành các quy hoạch, nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu theo hướng hàng hóa. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu chính trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.550 ha (gồm nhóm cây dược liệu lâu năm dưới tán rừng như sa nhân tím, hồi, chè dây, tam thất, giảo cổ lam...; Nhóm cây dược liệu hàng năm như atiso, đương quy, cát cánh, xuyên khung, chùa dù…).

Theo kế hoạch số 284/KH-KHUB ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025 giao dự án hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý, với tổng nguồn vốn trên 102 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn sự nghiệp gần 51 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương 27,7 tỷ đồng, vốn tín dụng dự kiến 22,6 tỷ đồng).

Tỉnh Lào Cai cũng đã xác định, mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phải gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm bảo đảm an toàn và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới. Do vậy, nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững loại cây trồng này.

Phát triển cây dược liệu ở Lào Cai đã và đang mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con nông dân nói chung, đồng bào các DTTS tại các thôn bản vùng cao nói riêng.Thời gian tới, khi những nỗ lực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình MTQG 1719 được thực thi, sẽ phát huy tối đa nguồn lực, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Thư Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lao-cai-thuc-hien-chuong-trinh-mtqg-1719-xoa-ngheo-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-bang-cay-duoc-lieu-post275264.html