Lành mạnh hóa kinh doanh vận tải

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Nó giúp cho các DN vận tải kinh doanh bình đẳng, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho một ngành vận tải phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT đã ban hành Kế hoạch số 12882/KH-BGTVT, về việc kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 62 tỉnh, TP trên cả nước. Sau một thời gian tổ chức triển khai kế hoạch nêu trên, Thanh tra Bộ GTVT vừa công bố kết quả kiểm tra, chỉ ra một số bất cập trong việc thực thi các biện pháp quản lý, đặc biệt là vấn đề thu hồi giấy phép và phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm.

Theo báo cáo, qua quá trình kiểm tra, Sở GTVT nhiều địa phương đã không thực hiện đủ biện pháp quyết liệt trong việc thu hồi giấy phép, phù hiệu và biển hiệu của các đơn vị vi phạm quy định kinh doanh vận tải. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng, nếu không được giải quyết triệt để, những phương tiện vi phạm có thể tiếp tục lưu thông và thậm chí tái phạm, gây ra nguy cơ không nhỏ cho an toàn giao thông.

Dữ liệu từ báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù đã có những nỗ lực nhất định từ phía các cơ quan quản lý, tỷ lệ nộp phù hiệu và biển hiệu bị thu hồi do vi phạm tốc độ quá 5 lần/1.000km xe chạy hoặc do thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải vẫn còn khá thấp, trung bình chỉ đạt khoảng 60%.

Nhiều Sở GTVT chưa thường xuyên truy cập, khai thác sử dụng các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình (hành trình, tốc độ, thời gian lái xe liên tục), tra cứu dữ liệu camera trên máy chủ của các đơn vị kinh doanh vận tải để phục vụ công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; chưa xử lý vi phạm về thời gian lái xe liên tục, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Một số bến xe chưa cập nhật đầy đủ thông tin xe ra, vào bến vào phần mềm quản lý bến xe.

Thậm chí, trong thời gian dài, đa số các Sở GTVT chưa có biện pháp xử lý nhiều đơn vị kinh doanh vận chuyển khách (hợp đồng, du lịch) không cung cấp nội dung tối thiểu hợp đồng vận chuyển. Các sở chủ yếu chỉ dừng ở việc tiếp nhận, chưa rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nội dung thông báo đến Sở GTVT địa phương…

Kết quả kiểm tra này cho thấy, việc quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế. Các vấn đề như thiếu sự quyết liệt trong việc thu hồi giấy phép và phù hiệu, hay tỷ lệ thu hồi còn thấp, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Và qua đây đặt ra một hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải.

Để giải quyết vấn đề này, việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng như chính những DN kinh doanh vận tải là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động vận tải có thể giúp tăng tính minh bạch, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bộ GTVT và cơ quan quản lý liên quan cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận tải trên toàn quốc.

Qua đó, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, an toàn và bền vững, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.

Thuần Hưng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lanh-manh-hoakinh-doanh-van-tai.html