Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Đồng Hướng

Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Đồng Hướng, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ quan điểm: UBND tỉnh sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp; chủ động lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người lao động để kịp thời tháo gỡ những khó khăn.

Kiểm tra tại khu sản xuất Công ty TNHH MTV Master vina.

Ngày 16/8, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND tỉnh đã kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Đồng Hướng (CCN), huyện Kim Sơn.

Theo Quyết định số 1496/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn huyện Kim Sơn quy hoạch 1 CCN Đồng Hướng với diện tích 67,12 ha.

Hiện CCN Đồng Hướng đã thu hút được 11 dự án với diện tích đất cho thuê 18,2086 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 72,9%; tổng vốn đầu tư 800,94 tỷ đồng, trong đó: 9 dự án đã đi vào hoạt động với diện tích 12,553 ha, tổng vốn đầu tư 387,716 tỷ đồng, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 555,18 tỷ đồng, nộp ngân sách 7,19 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.017 lao động; 2 dự án đang triển khai thực hiện với diện tích 5,656 ha, tổng vốn đầu tư 413,219 tỷ đồng...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn cùng đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các bếp ăn phục vụ đời sống của công nhân, công tác bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, tiến độ xây dựng các dự án thứ cấp và hạ tầng CCN Đồng Hướng giai đoạn 2.

Đoàn đã nghe Sở Công Thương báo cáo về tình hình hoạt động của CCN Đồng Hướng và những khó khăn hiện nay. Theo đó, Giai đoạn 1, hạ tầng (đường giao thông) đã được đầu tư cơ bản. Nhưng đến nay đã xuống cấp và chưa được bố trí vốn để sửa chữa gây khó khăn trong đi lại của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Giai đoạn 2 do Công ty TNHH Huy Nga làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 95,527152 tỷ đồng, diện tích thực hiện dự án là 16,847 ha, tiến độ đầu tư đến quý IV/2021 hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động và thu hút dự án đầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, dự án đang chậm tiến độ do công tác GPMB.

Với tinh thần thẳng thắn, các doanh nghiệp trong CCN Đồng Hướng đã trao đổi về những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh hiện nay. Đồng thời kiến nghị các cấp, ngành sớm hoàn thành hạ tầng CCN, đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải, môi trường để không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy để dự án sớm đi vào hoạt động.

Đại diện các sở, ngành, huyện Kim Sơn đã làm rõ nguyên nhân những khó khăn, vướng mắc tại CCN Đồng Hướng và bàn các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ GPMB giai đoạn 2 của CCN Đồng Hướng, vấn đề xử lý nước thải, đánh giá tác động môi trường của một số doanh nghiệp để bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người lao động, đảm bảo đời sống cho người lao động, rà soát xử lý những dự án đã hết thời gian thực hiện xây dựng...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn phát biểu tại buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Đồng Hướng.

Sau khi lắng nghe ý kiến đại diện các doanh nghiệp, các sở, ngành và huyện Kim Sơn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ quan điểm UBND tỉnh sẽ cùng với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần xem xét lại tổng thể những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động của CCN Đồng Hướng cũng như các doanh nghiệp để tỉnh có kế hoạch tháo gỡ khó khăn như đầu tư đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải.

Về phía doanh nghiệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cần có đánh giá tác động môi trường, nhanh chóng xử lý nước thải sản xuất theo hệ thống, quy chuẩn chung để đảm bảo môi trường an toàn. Đối với doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ dự án để hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Phối hợp với huyện làm tốt công tác GPMB và bố trí tái định cư cho người dân.

Đề nghị Sở Công Thương rà soát lại thủ tục hồ sơ của các nhà đầu tư thứ cấp để thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước trên địa bàn. Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm khuyến công, xúc tiến thương mại và phát triển CCN công khai đến từng doanh nghiệp số điện thoại đường dây nóng để cho các doanh nghiệp và công nhân có những phản ánh, đề xuất những kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước một cách kịp thời.

Các sở, ngành phối hợp với huyện Kim Sơn để thực hiện tốt các chức năng quản lý Nhà nước về hạ tầng trong và ngoài CCN, vệ sinh môi trường, xử lý nước thải; môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động; thu hút đầu tư vào CCN.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Kim Sơn tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và công nhân theo định kỳ, mời các sở, ban, ngành về dự để cùng đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động, chủ động lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người lao động để kịp thời giải quyết, nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh, an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2022.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn- Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lanh-dao-ubnd-tinh-kiem-tra-cac-doanh-nghiep-trong-cum-cong/d20220816150227604.htm