Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác công tác PCTT&TKCN tại một số địa phương

*Tại huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc:

Chiều 28/5, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Trung Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải kiểm tra thực tế diện tích lúa bị ngập tại xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc. Ảnh: Trà Hương

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Tường, đợt mưa lớn vừa qua khiến hơn 2.863 ha lúa, hoa màu và thủy sản bị ngập úng (trong đó có hơn 2060 ha lúa); hơn 3.000 con gia cầm bị mất, chết; 325 hộ ở gần 2 bờ sông Phan bị nước ngập vào nhà ở mức độ nhẹ, trong đó xã Yên Lập có số hộ bị nước ngập nhiều nhất (112 hộ).

Tại huyện Yên Lạc, với lượng mưa đo được từ ngày 22 - 25/5 khoảng 290 mm khiến 1.473 ha cây trồng bị ngập úng, trong đó, riêng lúa hơn 1.173 ha bị ngập trên 1/2 thân cây. Hiện, tình hình tiêu thoát nước rất chậm, có nguy cơ mất trắng toàn bộ diện tích lúa, rau màu bị ngập sâu.

Để chủ động phòng chống thiên tai, 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Trong đợt mưa lớn kéo dài từ 22-25/5/2022, lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc và các cơ quan chuyên môn thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại một số địa phương bị thiệt hại nặng để nắm bắt tình hình, chỉ đạo xử lý ngập úng, đảm bảo tính mạng và tài sản của nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn và chính quyền các địa phương nạo vét kênh mương, tháo dỡ vật cản trên các luồng tiêu, trục tiêu theo phân cấp quản lý...

Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả đợt mưa lớn tại một số địa bàn bị ảnh hưởng nặng của 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải đánh giá cao công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó của ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương; ghi nhận công tác phối hợp vào cuộc của lực lượng công an, quân đội trong việc giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước tình hình mực nước trên các sông nội đồng của tỉnh đang dâng cao và tiêu thoát chậm do phụ thuộc vào mực nước trên sông Cầu; dự báo những ngày tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa đến mưa to, có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu các địa phương khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ sụt lún, chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời, cứu hộ, cứu nạn, không để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người, tài sản; tiếp tục thống kê, cập nhật chính xác diện tích cây trồng, thủy sản bị thiệt hại để đề xuất cơ chế hỗ trợ cho người dân; xây dựng kế hoạch, có phương án cụ thể thu gom rác thải, nước thải, vệ sinh môi trường, tiêu trùng khử độc sau khi nước rút.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thiên tai; tổ chức nạo vét, tháo dỡ các vật cản trên hệ thống luồng tiêu, trục tiêu, khơi thông dòng chảy; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ.

Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các địa phương liên quan đến việc ban hành cơ chế hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng; đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc; cải tạo các kênh tiêu thoát nước… để Thường trực HĐND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.

*Tại thành phố Phúc Yên:

Chiều 28/5, Đoàn kiểm tra của tỉnh do đồng chí Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đi kiểm công tác PCTT&TKCN trên địa bàn thành phố Phúc Yên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnhVũ Việt Văn kiểm tra cống điều tiết Yên Mỹ, phường Xuân Hòa. Ảnh: Dương Chung

Kiểm tra thực tế công tác PCTT&TKCN tại Cống điều tiết Yên Mỹ ( phường Xuân Hòa) và Kè đê Tân Minh ( phường Nam Viêm) cho thấy, có rất nhiều bèo tây, vật cản gây ách tắc dòng chảy dẫn đến việc tiêu thoát nước rất chậm. Bên cạnh đó, do được xây dựng đã lâu, hệ thống Cống điều tiết Yên Mỹ đã bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, mỗi khi nước tràn về, hệ thống cống điều tiết không thể chịu được áp lực của nước, gây ngập úng và phá hủy toàn bộ hệ thống đường giao thông bắc qua.

Để chủ động trong đảm bảo công tác thoát nước, chống úng ngập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn yêu cầu ngành Nông nghiệp, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Phúc Yên bố trí ngay lực lượng tổ chức giải tỏa, tháo dỡ các vật cản, bèo rác, đảm bảo lưu thông dòng chảy hạn chế tối đa ngập úng; tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, tăng cường kiểm tra hệ thống các luồng tiêu, trục tiêu để kịp thời thông tin, cảnh báo đến người dân triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, thiên tai gây ra trên địa bàn.

Đối với hệ thống Cống điều tiết Yên Mỹ, đồng chí đề nghị, Sở NN&PTNT phối hợp ngay với các ngành chức năng đề xuất dự án xây mới hệ thống cống điều tiết, trạm bơm nước và đường giao thông bắc qua tại đây để đảm bảo hiệu quả tiêu thoát lũ, bảo vệ tối đa tài sản, tính mạng của nhân dân, đồng thời, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn, điều tiết lượng nước phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

*Tại huyện Tam Đảo:

Đồng chí Trần Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra công tác PCTT&TKCN trên địa bàn huyện Tam Đảo.

Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Hải kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại huyện Tam Đảo. Ảnh: Chu Kiều

Tam Đảo là huyện chịu ảnh hưởng lớn nhất tỉnh trong đợt mưa lớn vừa qua, ước thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng; gần 300 nhà bị ngập; 750ha, rau màu bị ngập; nhiều đoạn đường bị sạt lở; 89 hộ dân phải di dời; các hồ thủy lợi chứa nước đã vượt mức cho phép và thực hiện xả tràn.

Theo báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, trận mưa vừa qua được đánh giá là trận mưa lịch sử từ năm 2008 đến nay. Để khắc phục hậu quả của mưa lớn, huyện đã huy động các lực lượng tham gia ứng trực, hỗ trợ người dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn; chỉ đạo các đơn vị, địa phương xử lý, khắc phục những đoạn đường bị sạt lở, xử lý môi trường, dọn dẹp vệ sinh ở những khu dân cư bị ngập sau khi nước rút.

Sau khi kiểm tra thực tế tại hồ Bản Long, xã Minh Quang, hồ Làng Hà, xã Hồ Sơn và nghe huyện báo cáo về tình hình thiệt hại do mưa lớn vừa qua, đồng chí Trần Thanh Hải yêu cầu địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả do mưa lớn; bám sát diễn biến thời tiết để chủ động triển khai các phương án ứng phó.

Do địa bàn huyện Tam Đảo có nhiều hồ chứa nước, để đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du, đồng chí yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các hồ xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp, khi hồ đạt ngưỡng tràn tự do và xả tràn cần thông báo cho người dân để chủ động ứng phó; đồng thời phân công trực phòng chống lụt bão 24/24h một cách nghiêm túc.

Đối với đề xuất của huyện về cải tạo, tu bổ hồ đập; nạo vét khơi thông luồng tiêu; khắc phục sự cố ngầm tràn, những điểm sạt lở và các trang thiết bị phục vụ công tác PCLB, đồng chí tiếp thu và sẽ báo cáo tỉnh để xây dựng phương án trong thời gian sớm nhất.

Dự báo trong những ngày tới, mưa lớn vẫn có thể xảy ra trên diện rộng, đồng chí đề nghị huyện bố trí lực lượng ứng trực tại vị trí trọng yếu để chủ động ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra; chỉ đạo các đơn vị thủy lợi, địa phương rà soát hệ thống kênh mương, nhất là những đoạn bị ách tắc, lấn chiếm lên phương án xử lý kịp thời. Trước mắt, động viên nhân dân thu hoạch nhanh diện tích lúa đã chín theo phương châm xanh nhà hơn nhà đồng.

* Tại KCN Bình Xuyên:

Chiều 28/5, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác PCTT&TKCN tại KCN Bình Xuyên.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh kiểm tra công tác phòng, chống ngập lụt do mưa lũ tại công ty TNHH Khuôn mẫu Vĩnh Thành. Ảnh: Thế Hùng

Theo báo cáo nhanh của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc - Chủ đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên, tổng diện tích của KCN là 286 ha với 90 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang thuê đất đầu tư SXKD. Phía Bắc KCN có sông Phan chảy bao quanh với chiều dài khoảng 3 km. Những ngày vừa qua, mưa lớn trên diện rộng đã ảnh hưởng đến tình hình SXKD của 19 DN trong toàn khu.

Nguyên nhân là do trong quá trình xây dựng hạ tầng, mặt nền của hầu hết các DN trong KCN thấp nên khi có mưa lớn, mực nước của sông Phan dân cao thì hệ thống tiêu thoát nước mưa của KCN gồm 4 cửa xả trở thành “ống dẫn nước” ngược trở lại. Để giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ trong KCN, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc áp dụng giải pháp tạm thời bơm hút ngay tại các DN. Do đó, không thể xử lý triệt để tình trạng ngập úng mà vẫn phải chờ mực nước sông Phan rút dần. Điều đó cho thấy công tác phòng chống ngập úng tại KCN hoàn toàn bị động.

Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống trạm bơm, van chặn để chủ động phòng tránh ngập lụt khi có mưa lớn đồng thời tránh trường hợp bị ngập hệ thống xử lý nước thải của KCN.

Đề xuất với đoàn công tác, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc mong muốn trong thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm, đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đê bao quanh KCN tại khu vực giáp với bờ sông Phan.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Huy Vĩnh nhấn mạnh tình hình mưa lũ vẫn còn những diễn biến khó lường trong những ngày sắp tới. Đồng chí yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác PCTT&TKCN, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của đơn vị.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng của KCN Bình Xuyên, từ đó khẳng định trách nhiệm của chủ đầu tư đối với các DN thuê đất trong KCN, tạo dựng uy tín, giúp các DN yên tâm đầu tư SXKD. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng các điều kiện về nhân lực và vật lực. Duy trì lịch trực ban, nhất là trong thời điểm xảy ra mưa lớn, tránh để bị động trong mọi tình huống.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án trong kế hoạch PCTT&TKCN hàng năm. Đặc biệt, sớm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống trạm bơm, kênh tiêu thoát nước nhằm nâng cao sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ PCTT của đơn vị.

Đồng chí nhấn mạnh thêm, để nâng cao hiệu quả phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa bão, bên cạnh trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng KCN, các DN cũng cần chủ động các phương án xử trí, chuẩn bị kỹ về vật tư, nhân lực. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỹ năng PCTT cho công nhân để không bị động trong mọi tình huống.

Cùng ngày, Đoàn đã đến kiểm tra và động viên tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH khuôn mẫu Vĩnh Thành. Đây là DN chuyên sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho ngành xe máy, phụ kiện khóa cửa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian mưa lớn, công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất, khiến hoạt động SXKD bị đình trệ trong 2 ngày liên tiếp. Rất may, nhà xưởng của công ty không bị ngập.

Mặc dù công ty đã trang bị hệ thống máy bơm dự phòng nhưng do công suất còn hạn chế nên không thể đáp ứng yêu cầu công tác chống úng ngập do mưa lớn. Với sự hỗ trợ tích cực của lực lượng công an, quân đội, đến nay, công ty đã xử lý cơ bản tình trạng ngập úng, chủ động phương tiện phòng chống nước mưa tràn vào khu vực cung cấp điện phục vụ sản xuất.

*Tại huyện Bình Xuyên:

Chiều 28/5, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác PCTT&TKCN lại huyện Bình Xuyên.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra công tác phòng, chống ngập lụt do mưa lũ tại huyện Bình Xuyên. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, tính đến hết ngày 28/5, trên địa bàn, tổng diện tích bị ngập úng là trên 1.540 ha. Trong đó có 282 ha bị ngập trên 70%, diện tích lúa trên 1. 511 ha, rau màu gần 265 ha, thủy sản bị thiệt hại trên 352 ha. Có 14 doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến sản xuất do nước tràn vào; đã có 1 công nhân bị đuối nước do đi qua dòng nước xiết.

Trước tình trạng nước dâng cao, UBND huyện Bình Xuyên đã chỉ đạo Xí nghiệp thủy lợi Bình Xuyên vận hành hết công suất các cống tiêu, đặc biệt là Trạm bơm Đồng Cả để tiêu úng. Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn và 1 trung đội dân quân thị trấn Hương Canh tổ chức ứng cứu Công ty Enginer, Công ty Vĩnh Thành. UBND huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương chủ động công tác 4 tại chỗ, huy động mọi lực lượng tham gia PCTT&TKCN…

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ với những khó khăn của huyện Bình Xuyên trong công tác PCTT&TKCN thời gian vừa qua. Đồng chí nhấn mạnh, việc tiêu úng của huyện Bình Xuyên cũng là vấn đề chung của tỉnh, bởi địa phương là nơi rốn lũ.

Đồng chí đề nghị huyện Bình Xuyên cần cố gắng hơn nữa, chủ động phương án 4 tại chỗ để kịp thời đối phó với những tình huống phát sinh xảy ra. UBND huyện cũng cần tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của UBND tỉnh. Chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24; thông báo kịp thời tình hình mưa lũ đến người dân; đặc biệt cần cảnh báo tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là vào thời điểm các em học sinh đang nghỉ học.

Cùng với đó là ban hành phương án hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các khu vực bị ngập úng; khi các đơn vị thủy lợi xả lũ cần thông báo kịp thời tới người dân; phối hợp tốt với Ban Quản lý các khu công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp khi cần thiết. Các đơn vị thủy lợi cần thực nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh trong vận hành, xả lũ đã được phê duyệt. Lực lượng vũ trang cần chuẩn bị tốt lực lượng để ứng cứu cho huyện Bình Xuyên nếu có tình huống xấu xảy ra, tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân…

Trước đó, Đoàn công tác đã đi kiểm tra hệ thống đê Sáu Vó và đập xả tràn ở hồ Thanh Lanh.

*Tại thành phố Vĩnh Yên:

Chiều 28/5, Đoàn kiểm tra của tỉnh do đồng chí Lương Đức Minh, Tỉnh ủy viên, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đã đi kiểm công tác PCTT&TKCN trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.

Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lương Đức Minh kiểm tra tình trạng khắc phục ngập úng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Kim Ly

Do mưa lớn kéo dài, từ ngày 22 - 28/5/2022, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã xảy ra ngập úng cục bộ tại 33 tuyến đường giao thông nội thị; ngập úng tại 8 khu dân cư làm ảnh hưởng tới 546 hộ dân thuộc 8/9 xã phường của thành phố. Bên cạnh đó, trên địa bàn có 1 công dân tử vong do đuối nước; 4 cây xanh bị gãy đổ; 8 nhà bị đổ tường bao loan. Khảo sát thực tế lúc 7h ngày 28/5/2022, tình hình nước ngập trên các đầm, hồ của thành phố có giảm nhưng không đáng kể; mực nước rút tại các hồ, đầm, sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố rất chậm, một số tuyến đường và nhà dân tại các khu vực thấp trũng trên địa bàn vẫn đang trong tình trạng ngập, úng…

Báo cáo với đoàn kiểm tra của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Yên Đào Văn Quyết, nhấn mạnh, thành phố luôn xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu. Thành phố triển khai khẩn trương, kịp thời chỉ đạo của tỉnh về công tác PCTT&TKCN.

Đầu tháng 5/2022, UBND thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2021, đề ra phương án, kế hoạch năm 2022 làm cơ sở ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất rủi ro về thiên tai có thể xảy ra.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra các công trình, luồng tiêu, kênh tiêu, các điểm thường xuyên ngập úng, ách tắc có thể xảy ra; đảm bảo lưu thông dòng chảy thông suốt trước, trong và sau mùa mưa bão.

Cử cán bộ tham gia dự lớp tập huấn, huấn luyện kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cho cán bộ, chiến sỹ do Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ PCTT&TKCN luôn có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đơn vị có liên quan; đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Qua đó, góp phần làm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, tổ chức khắc phục hậu quả tác động của thiên tai trong thời gian ngắn nhất.

Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lương Đức Minh yêu cầu thành phố Vĩnh Yên báo cáo làm rõ hơn về tình hình ngập úng, thiệt hại do mưa bão gây ra trên địa bàn, các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.

Nhấn mạnh theo dự báo, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa rào và dông, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ngập úng và gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, đồng chí yêu cầu thành phố cần sẵn sàng phương án, kế hoạch, kịp thời triển khai các nhiệm vụ PCTT&TKCN.

Đồng thời, triển khai kịp thời, khẩn trương các chỉ đạo của tỉnh; sẵn sàng về vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men; kiến nghị, đề xuất những giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN trên địa bàn…

Đoàn đã đi kiểm tra tình tình hình khắc phục ngập úng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Khu đô thị Nam Đầm Vạc, khu vực Cầu Đầm Vạc, khu Đồng Ngòi (phường Hội Hợp) và điểm tiêu thoát nước của thành phố trên địa bàn xã Thanh Trù.

P.V

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/77839/lanh-dao-tinh-kiem-tra-cong-tac-cong-tac-pctttkcn-tai-mot-so-dia-phuong.html