Làng văn hóa nơi ngã ba sông

Làng Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nằm nơi ngã ba sông Yên - Túy Loan là ngôi làng có bề dày lịch sử, văn hóa hàng trăm năm, là niềm tự hào của mỗi người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nhìn làng xóm vẫn trầm tư muôn năm cũ, những mái nhà cứ mãi quấn quýt bên nhau sẻ chia 'cay đắng, ngọt bùi' với bao trầm tích, để hôm nay Bồ Bản được chính quyền các cấp chọn đầu tư, xây dựng thành 'Làng văn hóa kiểu mẫu mang bản sắc riêng'...

Dân làng Bồ Bản tái hiện nghi lễ cúng tế các bậc tiền nhân đã khai hoang, mở đất.

55 năm chiến thắng xóm Đình

Cận Tết Giáp Thìn 2024, chúng tôi có dịp gặp lại những người đã từng tham gia chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử ở trận đánh xóm Đình Tết Kỷ Dậu 1969. Bồ Bản lúc đó còn là vùng trắng, do đồn địch rải rác vây quanh, giống như những căn cứ “lõm”. Trên các bãi đất bồi ven sông, người dân phải nhọc nhằn “đấu tranh” với địch mới vun trồng được hàng khoai, luống sắn để đến đêm có chỗ ẩn náu cho lực lượng cơ sở về bám trụ theo dõi, nắm tình hình địch. Để phục vụ cho các đơn vị bộ đội về địa phương tập kết, tấn công đồn địch ngay sau tết, từ giữa tháng Chạp âm lịch, các mẹ, các chị trong làng đã tham gia vào đoàn quân đấu tranh chính trị kéo xuống các đồn địch lân cận, yêu sách binh lính trong đồn giảm hành quân càn quét để người dân được tự do vui xuân, đón tết. Cùng thời điểm đó, hằng đêm, hàng chục trai làng cắt đường rừng lên núi gùi từng bộ phận pháo tháo rời về chôn giấu, ngụy trang trong các rẫy khoai sắn che mắt địch... Đúng như kế hoạch, từ đêm 20-2-1969 (mồng 4 Tết), các trận địa pháo của bộ đội địa phương đặt tại các xóm An Tân, Đồng Sau, Bàu Thị đồng loạt khai hỏa.

Cụ Hồ Mạo nhớ lại, trong quá trình hợp đồng chiến đấu, tiêu diệt cứ điểm địch ở thị trấn Túy Loan, một bộ phận Trung đoàn 141 vừa hành quân đến xóm Đình thì trời cũng vừa sáng nên phải dừng chân, ém quân. 5 giờ mồng 7 Tết Kỷ Dậu phát hiện một toán “Mỹ lết” đi thẳng vào trận địa phòng ngự, các lực lượng phối hợp gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích buộc phải nổ súng tiêu diệt. Địch tập trung toàn bộ hỏa lực, xe bọc thép có máy bay hỗ trợ càn quét. Trận chiến diễn ra ác liệt, tuy không cân sức nhưng tất cả 21 đợt tấn công của địch trong 2 ngày 1 đêm đều bị quân, dân ta bẻ gãy... Sau chiến công xóm Đình, dân làng Bồ Bản phấn khởi xướng vè: “Xóm Sau, Mặt Cát, Cây Dừng/Xóm Đình tiếp sức ùn ùn tấn công/Trẻ già, trai gái một lòng/Mở ra trận đánh diệt trăm quân thù”.

Sức dân và lòng dân

Người Bồ Bản xa quê từ bao đời nay vẫn còn lưu giữ tấm lòng thơm thảo mỗi khi trở về. Sáng sớm, những làn khói mỏng tang như sương, bảng lảng, sóng sánh trên mặt nước quấn quýt lưng chừng các bụi tre, vây quanh các hàng lộc vừng. Hình ảnh ấy dễ khiến người ta bồi hồi lắm.“Thương cho trái mướp cù queo/Lấy chồng Bồ Bản dẫu nghèo cũng ưng”. Những câu thơ mộc mạc thể hiện phong thái “thuận hòa” của gái, trai trong làng; vì thế người Bồ Bản luôn biết cách vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới thì làng Bồ Bản cũng bắt đầu hồi sinh, người dân tiếp tục cần mẫn trên vùng đất loang lổ hố bom, từng bước cải thiện cuộc sống. Chính quyền - nhân dân cùng đồng thuận trong “cuộc chiến” chống đói nghèo, cùng nhau xây dựng, phát triển quê hương; nhất là khi địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống mọi mặt nơi đây được cải thiện nhiều. Cái ăn, cái mặc thì từ lâu không phải nghĩ tới nữa, còn đời sống tinh thần cũng dần nâng lên; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 57,5 triệu đồng/năm 2023. Đường sá thì khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy trẻ nhỏ khỏi phải đi xa, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất. Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, nuôi con cái ăn học thành đạt.

Người dân Bồ Bản tri ân các liệt sĩ tại Bia tưởng niệm chiến thắng xóm Đình.

Với người dân Bồ Bản, văn hóa làng là sức mạnh nội lực giúp người dân chống chọi với thiên tai, vượt qua những khó khăn trong lao động, cuộc sống. Chuyện xóm, chuyện làng từ việc nhỏ như lo toan hiếu, hỷ đến việc lớn như tổ chức lễ hội Đình làng (Di tích cấp quốc gia), lễ Minh niên để các tộc họ chúc tết nhau, giỗ Tiền hiền, cúng Thần nông hay trùng tu, tôn tạo các miếu, âm linh cổ… đều được các thế hệ dân làng chung tay góp sức. Năm 2010, Bồ Bản được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa 20 năm”; còn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Bồ Bản được thành phố, huyện vinh danh là “Thôn văn hóa nông thôn mới” tiêu biểu nhiều năm liền.

Vĩ thanh

55 năm trôi qua nhưng trong mắt người dân Bồ Bản vẫn hiển hiện rất rõ hình ảnh những đoàn quân hớn hở xung trận, những đêm trắng phục vụ bộ đội san lấp hố bom, mở đường. Những câu chuyện về cái thời hào hùng ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí những người còn sống. “Ý Đảng, lòng dân” đã tạo thêm một hào khí Tết Kỷ Dậu 1969, tạo một dấu son hùng tráng vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bài học sức dân và lòng dân vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hôm nay. Nếu ai đó ở làng Bồ Bản vì lý do gì đó phải xa quê nhiều năm, nay trở về chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay không khỏi gợi cho nhiều người nhớ về cái thời lầy lội, liêu xiêu trên những lối mòn vào mùa mưa, những chiếc cầu chênh vênh bắt qua con kênh, bờ mương nhằm phục vụ cho việc đi lại của người dân… “Thế hệ chúng tôi rồi sẽ qua đi nhưng những tấm lòng thơm thảo đầy ắp tình người ở ngôi làng này sẽ mãi tồn tại với thời gian, mãi soi bóng bên các dòng sông như minh chứng rằng, người Bồ Bản sẽ không ngừng góp công, góp sức giữ gìn truyền thống quê hương để không hổ thẹn với lớp người đi trước” - lão nông Nguyễn Sâm cho biết thêm.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/lang-van-hoa-noi-nga-ba-song-post289994.html