Lặng trong... chuyển động

Lần thứ 2, Dũng trống trình làng những bức tranh anh dành nhiều tâm huyết sáng tạo trong 3 năm qua.

Du khách thưởng lãm triển lãm 'Khoảng lặng 2' tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh.

Lần thứ 2, Dũng trống trình làng những bức tranh anh dành nhiều tâm huyết sáng tạo trong 3 năm qua. Và, dù tiếp tục với tên gọi “Khoảng lặng 2” nhưng đó là sự lặng trong chuyển động từ trái tim thiện lương của người nghệ sĩ.

Hướng đến thiện lương

“Kẻ sĩ” - bức tự họa của Dũng trống khi anh muốn bộc bạch về những chiêm nghiệm từ chính mình - một kẻ sĩ muốn tiến lên nhưng luôn gặp không ít rào cản và giữa biết bao được mất trong cuộc đời, “cuối cùng còn lại chỉ có trí thông minh. Tức là hãy giữ cho mình tri thức, đấy là cái của mình vẫn luôn là mình, còn tất cả những gì người ta có thể đặt điều, thị phi cũng không có nghĩa lý gì”, anh chia sẻ.

Và 33 tác phẩm được trưng bày dịp này đều là những đứa con tinh thần được anh dành nhiều tâm sức sáng tạo trong niềm đam mê nghệ thuật từ ấu thơ. Vì với anh, mỗi tác phẩm là một câu chuyện chứa đựng sự chia sẻ suy nghĩ, truyền tải tâm trạng của chính mình nên chúng đều có nỗi niềm.

Anh tâm sự với bạn bè điều bản thân suy ngẫm về thế giới xung quanh, về tình yêu, cuộc sống. Từ đó anh gửi gắm: Hãy hướng đến thiện lương và con người cần phải có đạo (đạo đức). Khi có đạo sẽ phát sinh tài lộc.

Cùng với đó, anh còn in sách song ngữ Việt - Anh tập hợp các tác phẩm hiện diện tại triển lãm. Điều thú vị là, với mỗi bức tranh, tác giả đều có đề từ, có khi là những câu thơ sưu tầm, cũng có khi là lời chiêm nghiệm đúc rút từ bản thân.

Như với “Hiện sinh” (acrylic trên toan) có câu: “Cuộc sống có thể gặp nhiều bất ổn, khổ đau. Nhưng biết yêu thương và có đạo tin thì mọi việc sẽ thoảng qua, và cuộc sống luôn bình yên, hạnh phúc”.

Hay: “Xã hội sẽ phát triển rực rỡ và vĩnh hằng, khi ta không chỉ xây dựng cái mới, mà còn biết trân trọng kế thừa những cái gốc của người xưa” dành cho bức “Hoài niệm”.

“Vì vẽ theo trường phái biểu hiện trừu tượng nên tôi muốn có những lời đề từ để định hướng, gợi ý cho người xem hiểu thêm về tác phẩm. Những lời đó chỉ là gợi ý cùng sẻ chia tính thiện lương với mong muốn có một tiếng nói chung giữa họa sĩ và công chúng. Lên ý tưởng để đề từ không quá khó nhưng việc làm thế nào thể hiện được các ý tưởng qua mảng màu, nét cọ không dễ”, họa sĩ Dũng trống bày tỏ.

Tác phẩm 'Cõi tạm nương'. Tranh: Dũng trống.

Có tiếng nói riêng

Năm 2021, Dũng trống tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên với tên gọi: “Khoảng lặng 1”. Bạn bè đã mừng vui đón chào anh “trở về” với niềm đam mê từ thuở thiếu thời – từng sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, tham gia lớp vẽ năng khiếu của họa sĩ Phạm Viết Song.

Cũng vì, sau mấy mươi năm lập thân, lập nghiệp bằng nghề kiến trúc sư rồi làm nhà quản lý, anh vẫn không quên giá vẽ, bảng màu để đến khi ở tuổi xế chiều lại tiếp tục say mê cầm cọ.

Bên cạnh sự chào đón của lần trình làng đầu tiên ấy, Dũng trống nhận được những góp ý chân tình để anh điều chỉnh, nâng cao tư duy sáng tác. Và giờ đây trở lại cùng “Khoảng lặng 2” anh khiến bạn bè không khỏi ngạc nhiên về những bước tiến đáng nể.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức gọi đó là một sự vượt thoát lên ở Dũng trống. Nếu ở “Khoảng lặng 1” cảm xúc tràn ra mặt tranh một cách mạnh mẽ, xâm lấn vào tranh có lúc hơi tùy tiện, thoải mái, bộc trực thì đến “Khoảng lặng 2” đã rất rõ sự tự kiểm tỏa được cảm xúc để đẩy ra ý thức của mình trong nghệ thuật và tạo ra tiếng nói riêng.

Họa sĩ Dũng trống (phải) ký tặng sách tại triển lãm 'Khoảng lặng 2'. Ảnh: Bình Thanh.

Và người thưởng lãm như nghe được âm thanh của tĩnh lặng chứ không phải là sự bộc lộ ồn ào, mạnh mẽ. “Khả năng tiết chế là điều vô cùng khó đối với họa sĩ mà vẫn giữ được điều anh ta muốn nói, đó là âm thanh trong hội họa. Âm thanh đó vang lên trong đầu người xem chứ không phải do anh ta nói. Đó là thành công của triển lãm này”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhấn mạnh.

Họa sĩ, nhà phê bình Phan Thiết thì cho rằng, nếu “Khoảng lặng 1” như vườn hoa sặc sỡ khi Dũng trống huy động hết cả bảng màu và lạc vào đó nên cá tính không bộc lộ được nhiều. Sau 3 năm, những suy nghĩ, suy tư tìm tòi về nghệ thuật của anh đã có khoảng lặng – đấy mới là một bông hoa đóng góp vào vườn hoa nghệ thuật, nó có tính cách, riêng tư, có dấu ấn để bắt đầu nhận ra Dũng.

Là người tích cực động viên, thúc đẩy Dũng trống trở lại với hội họa, họa sĩ Trịnh Sinh Nha tiết lộ, sau “Khoảng lặng 1”, hơn 30 bức tranh của anh được các nhà sưu tập mang về treo, thưởng thức. Đó là một thành công vang dội. Và đến “Khoảng lặng 2”, anh đã ổn định một phong cách. “Với một tiến bước này Dũng trống sẽ có những tác phẩm vẽ chững chạc, thành công hơn”, ông Nha kỳ vọng.

Ngẫu nhiên đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tham quan, bà Lemasle (du khách Pháp) bày tỏ hứng thú trước các tác phẩm ở “Khoảng lặng 2”. “Bức tranh tôi thích nhất là bức treo đầu tiên trong phòng triển lãm có tên tiếng Việt là “Cõi tạm nương”.

Sức hấp dẫn của nó không nằm ở cái cụ thể, rõ nét, mà là những yếu tố trừu tượng, đến giờ tôi vẫn chưa thể giải nghĩa. Tôi đã nghĩ đến việc đặt bức tranh đó trong phòng khách và sẽ có nhiều người hỏi về ý nghĩa về nó. Cũng thật thú vị”, bà Lemasle nói.

“Khoảng lặng 2” của Dũng trống trầm tĩnh hơn rất nhiều so với “Khoảng lặng 1” nhưng không vít người ta xuống nỗi buồn đau mà truyền được năng lượng tích cực cho người xem với nhiều niềm vui, hứng khởi, phấn chấn hơn - điều mà không mấy họa sĩ có được khi họ thường biểu đạt sự đau khổ, quằn quại, chìm đắm trong u ám. Nhưng Dũng trống rất thanh thản, bởi cái tâm thiện lành thì đưa ra những hình ảnh hướng thiện…” - Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức.

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-trong-chuyen-dong-post675565.html