Làng trẻ nơi biên cương

Với sức trẻ và quyết tâm cao, hàng trăm đoàn viên, thanh niên dân tộc H'Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… đã biến vùng đất hoang hóa, khô cằn thành những làng trẻ xanh cây trái, sáng ánh điện, hanh thông đường sá… ở vùng biên giới Lào Cai.

Làng và nhà mới của thanh niên Cốc Lầy.

Làng và nhà mới của thanh niên Cốc Lầy.

Với sức trẻ và quyết tâm cao, hàng trăm đoàn viên, thanh niên dân tộc H’Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì… đã biến vùng đất hoang hóa, khô cằn thành những làng trẻ xanh cây trái, sáng ánh điện, hanh thông đường sá… ở vùng biên giới Lào Cai.

Dựng nghiệp nơi nắng thừa, nước thiếu

Nằm ngay sát đường biên, thôn Cốc Lầy là vùng giáp ranh giữa xã Lùng Vai và xã Nậm Chảy của huyện biên giới Mường Khương trập trùng rừng cao, núi nhọn, thừa nắng gió, thiếu nước, khô hạn quanh năm. Khu vực Hèn Tà, theo tiếng địa phương là "vùng đất ven suối", may mắn có nguồn nước rỉ ra từ con suối nhỏ như sợi chỉ bạc, vắt ra từ hõm núi cao chất ngất ở Cốc Lầy, trên độ cao hơn 600 m so mực nước biển, nơi duy nhất có thể canh tác, sinh sống. Ở Hèn Tà, chúng tôi gặp những thanh niên đầu tiên đi vỡ đất, lập làng trên vùng đất mới. Ngày ấy, Hèn Tà như vùng đất chết, hoang hóa, khô cằn, chỉ cây lau, cây chít

và cỏ dại trùm lên, không đường đi, không một bóng người. Năm 2012, chàng thanh niên Phàn Văn Minh, dân tộc Dao, một mình "một dao phát, cơm nắm" rời quê nhà ở lưng núi La Pán Tẩn đến vùng đất lạ Hèn Tà khai khẩn, lập nghiệp. Buổi đầu ở vùng đất mới, Minh lấy cây rừng đẽo gọt làm nhà tạm, phát dọn lau chít lấy đất trồng ngô để có cái ăn trước mắt, rồi mới tìm chỗ có nước rỉ ra để khai phá ruộng cấy và phát triển chăn nuôi. "Hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Bộ đội Biên phòng đã rèn cho bản thân tôi ý chí không cam chịu đói nghèo và kỹ năng đối mặt với thử thách, vượt lên để lập nghiệp trên vùng đất lạ", Phàn Văn Minh tâm sự. Cuộc sống dần ổn định, "cánh chim đầu đàn" Phàn Văn Minh đã thuyết phục, lôi cuốn thêm nhiều thanh niên đến "vùng đất ven suối" Hèn Tà chung tay khai khẩn dựng nghiệp, lập làng. Sức trẻ cộng với quyết tâm lớn và sự hỗ trợ, đầu tư kịp thời, hiệu quả của Nhà nước đã giúp các thanh niên biến vùng đất hoang hóa thành bản làng tươi tốt, ngập tràn mầu xanh của chuối và quế, với hơn 30 nóc nhà của những gia đình trẻ trên núi cao Cốc Lầy hôm nay.

Ngược lên phía con sông Hồng chảy vào đất Việt, chúng tôi đến làng mới Bản Lầu của đoàn viên, thanh niên xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, được mệnh danh là mảnh đất vùng "cửa thác". Bí thư Ðoàn xã Trịnh Tường Lý Xe Sa giới thiệu về Lý A Sùng, dân tộc H’Mông, là một trong những thanh niên đầu tiên rời bản đến vùng đất Bản Tàng, sát biên giới lập nghiệp, xây làng mới. Năm 2008, Lý A Sùng xung phong chuyển ra sát biên giới khai phá đất mới Bản Tàng còn đầy lau lách, sim, mua, hoang hóa. Kiên trì vượt khó, bằng quyết tâm và sức lao động, đầu óc tính toán chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mỗi năm anh Sùng thu được hàng trăm triệu đồng… Năm 2011, Lý A Sùng được T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Lương Ðịnh Của dành cho nhà nông xuất sắc ở Làng thanh niên lập nghiệp Trịnh Tường. Học theo "cánh chim vượt khó" Lý A Sùng, hàng chục thanh niên các dân tộc H’Mông, Dao, Hà Nhì đã quyết chí tiến ra vùng đất biên giới Bản Tàng, Vĩ Lầu, Tân Tiến lập nghiệp, trải mùa màng, cây trái xanh tươi thay đất trống đồi trọc hoang hóa năm nào.

 Mô hình trồng chuối xuất khẩu tại Làng thanh niên lập nghiệp ở Lào Cai.

Mô hình trồng chuối xuất khẩu tại Làng thanh niên lập nghiệp ở Lào Cai.

Làng trẻ trên núi cao biên giới

Con đường bê-tông rộng gần 4 m, dài gần 10 km sáng lên trong nắng sớm, vắt qua các vườn chuối xanh ngăn ngắt, đang trổ buồng, những vạt nương ngô xanh nõn, làng mới Bản Lầu hiện trên lưng núi. Ở đầu làng, thấp hơn là khu dân cư người Giáy, ở giữa là người Dao và ở cao hơn là người H’Mông, Hà Nhì..., với những ngôi nhà xây kiên cố, có đủ "bốn đường" là đường điện, đường giao thông, đường mương thủy lợi và đường nước sạch. Làng thanh niên Trịnh Tường được T.Ư Ðoàn và tỉnh Lào Cai đầu tư hơn 32 tỷ đồng giúp thanh niên nơi đây lập nghiệp. Ban đầu có hơn hai chục hộ hạ núi cao đến vùng đất giáp biên giới lập nghiệp, mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà ở kiên cố. Lý A Sùng là một trong số ít người dân tộc H’Mông đầu tiên xung phong vào làng thanh niên, cùng gia đình ra sát đường biên giới dựng nhà ở, bám biên giới để sản xuất. Bản Tàng mới vốn là vùng đồi rộng gần cả nghìn héc-ta. Trước đây, bà con từng lên đây phát rẫy làm nương, nhưng đường lên nương xa quá, cả vùng đất gần 1.000 ha sát biên giới bỏ hoang. Với sự vận động của Sùng, 29 thanh niên dân tộc ở bản cũ cùng lên đây lập nên một Bản Tàng mới sát cạnh đường biên giới. Từ đó, vùng đất ven biên giới cứ đông dần lên, giờ đổi tên thành Bản Lầu, với hơn 100 hộ dân. Hôm chúng tôi đến, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát "cắm bản" là Doãn Văn Hải đang hướng dẫn người dân kinh nghiệm trồng các loại cây thích hợp với vùng đồi này. Hải đang đưa giống chuối cấy mô và giống sắn 98-1, loại sắn cao sản trồng trên địa hình đất dốc, để giúp các hộ thanh niên trẻ của làng làm quen khoa học kỹ thuật. Giống sắn nêu trên đã được khảo nghiệm, và với đất màu mỡ như ở Bản Lầu, năng suất sẽ lên tới 40 tấn/ha. Nhiều năm nay, các dự án về phát triển bền vững đã được mang đến tiếp cận với cư dân trẻ ở làng thanh niên, giúp họ xóa nghèo, vươn lên làm giàu bền vững. Kinh tế phát triển, hệ thống chính trị cũng được củng cố, kiện toàn. Chàng thanh niên Lý A Sùng ngày nào giờ là Bí thư Chi bộ thôn Bản Lầu. Chi bộ có 13 đảng viên, trong đó nhiều đảng viên trẻ, như Vừ A Các, Sùng Thị Si…, đó là những hạt nhân đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở biên giới vùng "cửa thác" Trịnh Tường.

Từ quốc lộ 4D, con đường tuần tra biên giới mới được mở rộng, trải nhựa êm thuận của Bộ đội Biên phòng kéo dài đến giáp ranh xã Nậm Chảy là quặt lên Làng thanh niên Cốc Lầy (Lùng Vai, Mường Khương). Ðón chúng tôi ở đầu làng, Trưởng thôn Cốc Lầy Sùng Seo Thành phấn khởi thông báo, ngoài đưa cây chuối cấy mô lên đồi cao thành công, đem lại nguồn thu nhập cao, những cư dân trẻ ở đây đang khảo nghiệm đưa cây quế vào trồng xen canh, để tạo nguồn thu bền vững, lâu dài sau này. Hiện, cây quế đang rất được giá, ngoài bóc vỏ bán, có thể tận thu được cả rễ, lá để nấu tinh dầu, lấy hạt để bán giống, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Ở Cốc Lầy, chúng tôi gặp "bộ ba Minh - Xuân - Lìn", là những người đầu tiên rời núi La Pán Tẩn xuống đây khai phá đất đai, lập làng thanh niên nơi biên giới. Ở quê cũ đất chật người đông, ba người cùng chung chí hướng muốn thử sức ở làng thanh niên mới mở. Họ khai phá đất núi để trồng chuối, quế là những loại cây lần đầu bén rễ ở vùng đất này. Năm 2014, Phàn Văn Minh viết đơn xung phong vào Làng thanh niên lập nghiệp Cốc Lầy, kiên trì lao động, anh trồng 3.000 gốc chuối cấy mô, nuôi đàn trâu sáu con, cuộc sống khá lên trông thấy. Chảo Việt Xuân thì trồng chuối xuất khẩu, khi có vốn, anh dành tiền mua thêm chiếc xe ô-tô làm dịch vụ vận tải nông sản và vật liệu xây dựng cho người dân trong làng mới, thu nhập ổn định gần 200 triệu đồng mỗi năm. Còn thanh niên Triệu Phúc Lìn, người Dao thì ngoài trồng chuối, anh trồng xen hàng nghìn cây quế vào đồi để tạo nguồn thu lâu dài sau này. Học theo "bộ ba Minh - Xuân - Lìn", bốn anh em họ Ma ở Cao Sơn cũng xuống núi, tụ vào làng thanh niên để cùng nhau bám biên giới lập nghiệp, thay đổi cuộc sống. Người anh cả Ma Dín khoe với tôi: Sau bốn năm xuống làng mới làm ăn, đã xây được nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng, có điện lưới, nước sạch, đường giao thông đi lại thuận lợi, cuộc sống tốt hơn rất nhiều so với trước. Ðiều mừng hơn là, những thanh niên trẻ nơi đây như Triệu Phúc Lìn đã rèn luyện, trưởng thành, năm 2017 được đứng vào hàng ngũ của Ðảng, là chỗ dựa vững vàng, tin cậy của những gia đình trẻ nơi biên giới.

Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai Hà Ðức Minh cho biết, từ năm 2014 đến nay, T.Ư Ðoàn và tỉnh Lào Cai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng hạ tầng ban đầu và hỗ trợ làm nhà, vật tư sản xuất để giúp thanh niên lập nghiệp ở vùng biên giới. Bằng sức trẻ và quyết tâm, những thanh niên dân tộc thiểu số H’Mông, Dao, Nùng, Giáy… đã dựng xây những ngôi làng trẻ trên núi cao biên giới. Chúng tôi rời Cốc Lầy, khi ánh điện đã bật sáng trong những ngôi nhà...

Bài và ảnh: Quốc Hồng

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43776002-lang-tre-noi-bien-cuong.html