Lang thang phố Re

Phố Re của xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình nằm trên một miền đất rộng bằng phẳng trên đỉnh ngọn đồi.

Khởi nguồn con phố, nằm ở ngã ba đường Hồ Chí Minh và con lộ số 12b; hướng đi Ninh Bình, Thanh Hóa và ngược lên thành phố Hòa Bình. Ở ngay nút thắt đó là dãy chợ hàng mía tím, mềm và ngọt lịm làm cho mọi người không thể không dừng chân. Tôi cũng vậy, xuống xe và lang thang trên con phố núi bồng bềnh sương bay...

Đi chợ Re nghe chuyện tình

Tôi chen vào chợ Re không dễ vì con đường đi khá nhỏ, lại đúng phiên chợ vào thứ bảy, người đi lại như mắc cửi. Mấy bà người Mường hút thuốc lào phả khói mù mịt làm con đường càng chật chội hơn. Một người đàn ông cắp nách chú lợn nhỏ với đúng nghĩa của nó. Anh ta tay cầm chai rượu vừa uống vừa cười ha hả. Chú lợn con khua bốn chân và rít i ỉ như chính nó bị say rượu vậy. Có người nói, vợ hắn mới sinh được con trai nên cứ đi khao rượu, bất kể người nào quen mặt. Trong khi đó, mấy cô học sinh ngồi ăn ốc luộc cứ chóp chép miệng, xuýt xoa vì nước chấm chua cay làm chảy nước mắt... Tôi đi miên man trong làn sương bay hay khói thuốc lào ngân ngấn lượn lờ mùi thơm. Có cô gái tập hút thuốc lào theo mẹ bất ngờ lăn ra ngủ vì bị say. Nhiều xe rau và gà vịt phải đi vòng ngả đường dưới để vào chợ. Người của mấy xã quanh vùng Mường Khói đổ về ngày một đông và rao bán hàng tấp nập như ngày vào hội. Người dân Mường ở Ân Nghĩa đi chợ thường bán hàng của mình, sau đó mới đi mua món đồ gì đó cần thiết, nên ai cũng khoác trên vai những chiếc túi hàng. Nào nấm hương, nào măng, nào bó lạt mềm màu đỏ để gói bánh, hoặc lồng gà, lồng chim... Có người còn dắt chó như đi dạo quanh chợ xem có ai mua. Tôi mải ngắm hàng hoa bất chợt bị một anh chàng huých vào vai. Hai tay anh ta nâng chiếc đèn lồng màu đỏ lên cao vì sợ mọi người đụng phải. Bốn góc đèn có những tua rua bằng lụa vàng. Chúng bay phấp phới như những tia nắng chớp sáng trong mù sương. Mấy cô bán thuốc lá hái được trên rừng Cúc Phương nhìn theo cười tít mắt, mặc kệ khách cứ chọn hàng rồi ném tiền để lại, chẳng bận tâm chuyện trả giá nữa...

Di tích Chiến khu Mường Khói.

Chợ Re xã Ân Nghĩa sầm uất nhất trong bốn xã quanh vùng. Xã được coi là trung tâm, bởi nằm dọc men theo đường Hồ Chí Minh gần chục cây số và có con lộ 12b vắt ngang. Một phần xã nằm dưới chân khu rừng quốc gia Cúc Phương, nơi có hàng chục con suối tuôn vào sông Bưởi chạy qua xã, tạo nên một miền sơn cước trù phú của người Mường sinh sống hàng trăm năm qua. Đây chính là một phần của xứ “Mường Vang” quen thuộc với câu ví “Cơm Mường Vó. Ló Mường Vang”. Nghĩa là “Cơm Mường Vó, lúa Mường Vang”. Bởi xứ Mường Vang, nằm trọn trong huyện Lạc Sơn ngày nay, nổi tiếng với những cánh đồng lúa ngon, gạo thơm. Mường Vang còn có nhiều nghệ nhân giỏi nghề đan lát, thêu thùa và cắt may trang phục dân tộc. Chợ Re nằm trên trục đường 12b, nên nói như người Mường ví, nó như chợ của tình yêu giữa nàng Nga và chàng Hai Mối vậy. Người già thường tả phiên chợ trong câu hát cổ: “Ngày mở chợ. Ba hồi trống đánh. Hết làng trên xóm dưới. Con trai đầy sân. Con gái đến đầy cửa, đầy nhà. Cơm trong mồm chưa kịp nhá. Cá trong mồm chưa kịp nuốt. Trầu trong khăn chưa kịp lấy. Chín mười làng trên. Đều mang bương gianh ra mở chợ...”.

Tôi đang mơ màng với sắc màu rực rỡ trong dãy chợ vải và khăn áo Mường thì có mấy cô gái kéo nhau về phía cuối chợ. Hàng chục bạn trẻ bu quanh một bà già ôm chiếc điếu cầy to và dài đến cả thước vậy. Một chiếc điếu cầy khổng lồ mà tôi chưa từng thấy. Tôi tò mò bước đến. Bà chừng tuổi 60, gầy nhom và có chiếc răng vàng đã xỉn vì ám khói thuốc. Vừa dứt cơn ho, bà vuốt mớ tóc dài lên đỉnh đầu rồi hát tiếp. Họ nói bao giờ say thuốc lào bà cũng nhớ lại mọi điều từ xa xưa. Nhất là những bài hát giao duyên của một thời con gái. Giọng bà khê đặc với âm sắc trầm khàn càng làm cho câu chuyện có không khí liêu trai đến kỳ thú. Tôi bị hút theo giọng hát của bà. Mỗi lời ca về tình yêu của bà nhớ lại thời son trẻ làm ấm lòng người. Ra khỏi chợ mà những câu thơ vẫn ám ảnh tôi: “Lòng anh chết đi sống lại nhiều lần. Bởi anh thấy khách Mường ngoài. Đem lễ vật đến hỏi em yêu. Khách đến hỏi, bố mẹ em ưng gả. Khách đến nhà, bố mẹ em nhận lời...”. Cứ thế câu chuyện đeo đuổi trong tâm trí tôi ra đến giữa phố Re. Bất ngờ tôi dừng chân trước những cây đa lớn ngay giữa phố. Đó là những cây đa ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của Mường Khói xã Ân Nghĩa, cho đến nay chẳng thể ai quên.

Chiến khu xưa

Hóa ra phố Re không chỉ nổi danh bởi những phiên chợ đông như trẩy hội mà còn được ghi danh trong lịch sử cách mạng, với ba cây đa cổ thụ đã làm nên di tích của một chiến khu cách mạng - Mường Khói. Xưa nơi đây là trung tâm của mấy xã quanh vùng có rừng núi hiểm trở, được lực lượng cách mạng xây dựng căn cứ đầu tiên cho tỉnh Hòa Bình. Chiến khu Mường Khói có vị trí chiến lược thuộc hệ thống của khu vực của ba tỉnh Hòa Bình - Ninh Bình -Thanh Hóa. Tôi đang đứng ở trong khu vực ba cây đa, địa điểm liên lạc đón tiếp cán bộ của Ban Cán sự Đảng tỉnh Hòa Bình về hoạt động. Chính cây đa đầu phố là nơi đã treo lá cờ đỏ sao vàng lớn, thể hiện khí thế cách mạng sục sôi của người dân Mường, tham gia cướp chính quyền ngày đó.

Mường Khói là vùng đất cổ đã được nhắc đến trong trường ca “Đẻ đất đẻ nước”. Mường Khói bao gồm hai xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa, nay hợp lại lấy tên Ân Nghĩa. Phố Re được hình thành vì chính di tích lịch sử của ba cây đa. Anh Bùi Văn Khen, cán bộ văn hóa xã Ân Nghĩa nhớ lại ông bà kể, một quan lang của Mường Khói là ông Quách Hy, từ năm 1936 đã có ý thức tham gia cách mạng muốn đánh đổ giặc Pháp xâm lược nước ta. Chuyện ghi lại năm 1941, quan lang Hy đã bố trí cho một xứ ủy Bắc Kỳ là đồng chí Phan Bổng ở ngay trong nhà mình nương náu; với danh nghĩa là giáo học dạy cho các con cháu, che mắt giặc Pháp để dễ bề hoạt động, tuyên truyền cách mạng. Sau đó, các đồng chí lãnh đạo khác như tướng Vương Thừa Vũ cùng các cán bộ nòng cốt của xứ ủy Bắc Kỳ cùng với nhiều tỉnh ủy viên của Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Đông, Sơn Tây, Nam Định, Hà Nội đều về đây tổ chức các lớp tập huấn, chuẩn bị cho ngày cách mạng cướp chính quyền. Vào dịp này, quan lang Quách Hy còn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu cách mạng. Ông đã giác ngộ cho con cháu tham gia cách mạng, cùng đồng bào đánh đuổi bọn cướp nước, giành lại độc lập tự do.

Đến ngày Cách mạng Tháng Tám, chính con trai quan lang Quách Hy là ông Quách Đức Rưỡng đã tích cực tham gia chiến đấu, chỉ huy Trung đội Tự vệ cứu quốc đầu tiên của địa phương. Sau ngày 19/8/1945, cách mạng cướp chính quyền thành công ở Hà Nội, thì ngay từ mờ sáng ngày 20/8/1945, đội tự vệ chiến đấu và quần chúng từ Mường Khói tiến về Vụ Bản, trung tâm huyện Lạc Sơn phối hợp với các lực lượng khác tiến hành khởi nghĩa, cướp chính quyền, bắt viên tri châu giao nộp toàn bộ sổ sách và ấn triện cho Việt Minh. Chính quyền cách mạng đầu tiên được thành lập tại Lạc Sơn có sự đóng góp tích cực của quân dân Mường Khói. Từ đó, dẫn tới chiến thắng, cướp chính quyền ở tỉnh Hòa Bình vào ngày 23/8/1945...

Tôi bước vào Nhà di tích của Chiến khu Mường Khói trên phố Re với nhiều cảm xúc khác lạ, khi nhìn thấy những dấu tích được ghi lại trên những chiếc gậy, dao mác của thời kỳ đánh giặc Pháp. Cùng với trang lịch sử Mường Khói với Cách mạng Tháng Tám, còn có sự đóng góp tích cực của quan lang Quách Hy. Sau này ông còn có nhiều đóng góp khi ở những cương vị khác nhau. Đầu tiên là Phó Chủ tịch Cách mạng Châu Lạc Sơn. Sau đó làm Phó Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Hòa Bình. Rồi được bầu làm Chủ tịch MTTQ tỉnh Hòa Bình...

Màu thời gian

Ba cây đa giờ đây vẫn xanh tốt không có vẻ già nua theo năm tháng. Gốc cây sần sùi với những núm gỗ và nảy sinh bao cành xanh. Như chính những người dân xã Ân Nghĩa luôn luôn hồ hởi với cuộc sống mới. Đó là màu của thời gian, mà dân Mường Khói ngày nào, ghi dấu với những ký ức lịch sử không khi nào mờ phai. Đường phố Re một thời các chiến sĩ Tây Tiến đã hành quân lên miền Tây Bắc với không khí hăng say tuổi trẻ vào năm 1947. Những dấu chân của họ vẫn con in dấu trên con đường 12b lên tới huyện Lạc Sơn. Và, chính nơi đây những người dân đã dựng tượng đài tưởng nhớ đến 200 chiến sĩ Trung đoàn Tây Tiến đã hy sinh. Những tiếng cồng Mường năm xưa vẫn vang lên như ngày nào mỗi khi báo tin có chiến sĩ đã ra đi vì sốt rét, bệnh tật và bị thương trong chiến đấu. Trên tượng đài kỷ niệm còn khắc những câu thơ Quang Dũng mô tả: “Rải rác biên cương mùa viễn xứ. Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc đồng hành” (trích Tây Tiến). Đó là câu chuyện huyền thoại của Trung đoàn Tây Tiến ghi dấu lại trên mảnh đất Châu Trang, Thượng Cốc, Lạc Sơn.

Tôi đi dọc phố Re có cảm giác mình đang dạo trên con đường lịch sử của chiến khu Mường Khói một thuở. Mỗi bước chân có mạch khí tuôn chảy của từng chiến sĩ Tây Tiến hành quân lên biên giới. Bất ngờ có mấy em bé từ chợ chạy ra bãi cỏ giữa ba cây đa cổ. Trong tay mỗi bé là chùm bóng bay xanh đỏ, tím vàng. Chúng thi nhau thả bóng xem quả nào bay cao nhất. Trước mắt tôi là những nụ cười trẻ thơ. Hồn nhiên và xanh tươi sức sống. Những quả bóng hồng bay lên đỉnh cao nhất của cây đa đầu phố. Chúng đậu lại trên cánh xanh như ngày nào lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, cuồn cuộn trong gió. Tôi đi trên đường mà ngỡ đang trôi theo dòng suối tiếng cười trẻ thơ. Nghe như tiếng hát giao duyên đâu đây vang lên. Những đôi trai gái Mường Khói, xúng xính trong áo Cón xinh đẹp, rộn ràng vào hội, đón nắng xuân tràn về.

Bài và ảnh: Duy Anh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/lang-thang-pho-re-n127302.html