Lạng Sơn cần chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ cải cách hành chính

Thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2017, ngày 8/8/2017, tại tỉnh Lạng Sơn, Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, thành viên Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, trưởng đoàn công tác đã kiểm tra công tác CCHC của tỉnh Lạng Sơn. Tham dự có lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ GD&ĐT, đại biểu Bộ Nội vụ; Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, lãnh đạo các Sở của tỉnh Lạng Sơn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng kiểm tra công tác CCHC của Sở GD&ĐT Lạng Sơn

Mục đích của đoàn kiểm tra nhằm nắm bắt tình hình CCHC thực tế của địa phương, những thuận lơi, khó khăn, vướng mắc, những đề xuất cần giải quyết, để công tác CCHC của tỉnh ngày càng hiệu quả hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ.

Cải cách hành chính là nhiệm vu trọng tâm

Theo báo cáo của Lạng Sơn, công tác CCHC đã đạt được hiệu quả trên các lĩnh vực như cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính.

Có thể thấy, thực hiện chủ trương, giải pháp về CCHC của Đảng và Nhà nước, công tác CCHC của tỉnh Lạng Sơn luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Hệ thống chính sách, pháp luật của tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành được củng cố, kiện toàn đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từng bước được nâng cao về chất lượng, tăng về số lượng và bảo đảm cơ cấu hợp lý. Năm 2015 tỉnh tinh giản được 254 người, năm 2016 là 291 người và năm nay tinh giản được 352 người.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng kết luận tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn

Tỉnh đã ban hành 46 VBQPPL. Trong đó, 19 Quyết định của UBND tỉnh, 27 Nghị quyết của HĐND tỉnh (Lĩnh vực GD&ĐT có 01 Nghị quyết). Các VBQPPL được ban hành theo đúng kế hoạch, tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và được cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật.

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cơ chế một cửa, một cửa liên thông được rà soát, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng TTHC trong tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành 21 Quyết định, công bố tổng số 223 TTHC.

Trong đó: cấp tỉnh 188 TTHC, cấp huyện 17 TTHC và cấp xã 18 TTHC. Riêng đối với lĩnh vực GD, tỉnh đã công bố 97 TTHC, trong đó: 58 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GD&ĐT, 34 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 05 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.Tính đến tháng 6 đầu năm 2017, từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh tiếp nhận 212.106 hồ sơ TTHC, trong đó đã giải quyết 211.032 thủ tục.Tỉ lệ trả đúng hạn và sớm hạn đạt trên 99%. Đồng thời, sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật về Trường CĐSP Lạng Sơn; Sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp về Trường CĐ nghề Lạng Sơn.

Kiến nghị, đề xuất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu tiếp thu ý kiến đóng góp của đoàn kiểm tra

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác CCHC của tỉnh Lạng Sơn còn bộc lộ những hạn chế như: Việc thực hiện quy định cơ cấu tổ chức của các Sở, Ban, ngành thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, nhưng chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước. Việc thực hiện giao nhiệm vụ cho các Sở, Ban, ngành theo hướng dẫn của các cơ quan Trung ương còn có một số nội dung chồng chéo; Chưa có TTHC thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã đưa ra một số đề xuất như: Mô hình Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đang được một số địa phương triển khai thực hiện, nhưng mỗi địa phương xây dựng loại hình tổ chức, tư cách pháp nhân và bộ máy khác nhau, đề nghị Chính phủ sớm tổng kết, quy định thống nhất.

Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát lại các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực tổ chức bộ máy để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện vì thời gian qua có một số Thông tư, Nghị định quy định chưa thống nhất.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới tiếp sau Quyết định số 1557/QĐ-TTg cho giai đoạn 2017-2020 do Quyết định 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” mục tiêu cụ thể và thời gian thực hiện chỉ quy định đến tháng 10 năm 2015. Đề nghị Bộ GD&ĐT khi ban hành Quyết định công bố TTHC mới, TTHC thay đổi, bổ sung, bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý, Bộ gửi Quyết định hoặc có thông báo đến UBND tỉnh để UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo trình công bố TTHC tại tỉnh. Phòng GD&ĐT mong muốn cần có chính sách linh hoạt cho học sinh chuyển trường bởi Lạng sơn có dân di cư đông.

Sở GD&ĐT đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT: Khi ban hành Quyết định công bố TTHC mới, TTHC thay đổi, bổ sung, bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý, Bộ gửi Quyết định hoặc có thông báo đến Sở GD&ĐT để Sở kịp thời tham mưu trình công bố TTHC tại tỉnh; Nghiên cứu, xem xét công bố bổ sung TTHC “Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc”, “ Chỉnh sửa nội dung văn bằng chứng chỉ” đối với TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của cấp huyện; Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu ghi rõ quy định về phí, lệ phí đối với TTHC “Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc”, “Công nhận văn bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông do cơ sở nước ngoài cấp”.

Sau khi thực tế kiểm tra công tác CCHC của Sở GD&ĐT cùng với Phòng GD&ĐT thành phố, làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Lạng Sơn, ý kiến của đoàn kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng kết luận: Công tác CCHC ở Lạng Sơn đã được các cấp quan tâm. Thứ trưởng biểu dương những kết quả đạt được về CCHC của tỉnh Lạng Sơn như năm vừa qua được 99 điểm. Mặc dù Lạng Sơn là tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, KT – XH còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng mong muốn, trong thời gian tới tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác CCHC. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Nếu địa phương làm tốt công tác CCHC sẽ nâng cao được chất lượng phục vụ nhân dân khi giải quyết các thủ tục hành chính.

Chủ trương của Chính phủ là tinh giản biên chế, tổ chức sắp xếp lại các đơn vị công lập. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác sáp nhập điểm trường lẻ, tinh giản biên chế ngành GD cần có lộ trình và hết sức thận trọng, cần làm tốt công tác tuyên truyền, đảm bảo quyền lợi đi học của con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/lang-son-can-chu-trong-nang-cao-chat-luong-phuc-vu-cai-cach-hanh-chinh-3642060-c.html