Làng quê chuyển mình

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai Đề án mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu. Qua hơn 1 năm thực hiện, Đề án đã thực sự là làn gió mới làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê.

Người dân thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đóng góp ngày công hoàn thiện các tiêu chí làng văn hóa kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Người dân thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đóng góp ngày công hoàn thiện các tiêu chí làng văn hóa kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Triển khai Đề án xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, huyện Vĩnh Tường được tỉnh Vĩnh Phúc chọn thí điểm xây dựng 4 làng văn hóa kiểu mẫu gồm thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân; thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh; thôn Đông, xã Phú Đa và thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh.

Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh về xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn thôn Bàn Mạch, Đảng ủy, UBND xã Lý Nhân đã triển khai thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu. Với nguồn vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng, thôn Bàn Mạch đã triển khai xây dựng khu thiết chế văn hóa kiểu mẫu trên diện tích hơn 5.000m2. Sau 9 tháng thi công, công trình xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu thôn đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Tại khuôn viên thiết chế văn hóa thôn hiện nay là một quần thể hài hòa, hữu ích với nhà văn hóa, không gian đọc sách, sân bóng, sân tập thể thao để đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương.

Bà Lữ Thị Minh - Bí thư chi bộ thôn Bàn Mạch cho biết, khu thiết chế văn hóa được đưa vào sử dụng, người dân trong thôn ai cũng vui mừng phấn khởi. Với nhà văn hóa khang trang và hệ thống sân thể thao được đầu tư đồng bộ bà con nhân dân có nơi rèn luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, các cháu nhỏ cũng có thêm không không gian sinh hoạt, vui chơi.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, các chính sách hỗ trợ cũng được huyện Vĩnh Tường triển khai cụ thể đến người dân. Trong tổng số 16 chính sách đặc thù, làng văn hóa kiểu mẫu thôn Bàn Mạch đã rà soát, đăng ký thực hiện hàng loạt chính sách như hỗ trợ mô hình vườn sản xuất, mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay trên địa bàn thôn đã có trên 30 hộ dân được vay 3,7 tỷ đồng vốn phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh dịch vụ như trồng rau nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thâm canh cây sen, đưa sản phẩm nghề rèn tham gia chương trình OCOP. Đây cũng là tiền đề để Bàn Mạch phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới…

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh Vũ Văn Cử cho biết, qua công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn đều hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó đồng thuận hưởng ứng, đóng góp sức người, sức của cùng chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

Điển hình như việc xây dựng khu thiết chế văn hóa - thể thao, địa phương cần tiến hành giải phóng mặt bằng hơn 7.900m2 đất nông nghiệp. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, các hộ dân trong thôn Hệ đã đồng thuận, ủng hộ, tự nguyện giao đất trước khi nhận tiền hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình. Cùng với đó, để hoàn thiện các tiêu chí làng văn hóa kiểu mẫu, người dân trong thôn cũng đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng và ngày công lao động chỉnh trang, sơn sửa, trang trí hàng nghìn mét tường rào, đường hoa, xây dựng các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp…

Theo ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc, những kết quả bước đầu trong xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đã khẳng định tính đúng đắn, hợp lòng dân của chủ trương này. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án đến nay, tất cả các thôn, làng, tổ dân phố xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu đều đã đầu tư xong thiết chế văn hóa, thể thao cộng đồng và đạt ít nhất trên 50% tiêu chí.

Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng các làng văn hóa kiểu mẫu, người dân tại các địa phương đã chung tay đóng góp hơn 35 tỷ đồng, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và đường giao thông, góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng hạ tầng, trồng cây bóng mát, cây xanh, hoa, tham gia chỉnh trang đường làng ngõ xóm, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết năm 2025 hoàn thành 30 làng đạt các tiêu chí của làng văn hóa kiểu mẫu và đến năm 2027 sẽ có 60 làng đạt được các tiêu chí. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, Đề án được kỳ vọng là đòn bẩy để địa phương sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Anh Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-que-chuyen-minh-10280074.html