Làng nghèo, giàu lòng nhân ái

Trong những ngày nóng bỏng không khí phòng, chống dịch Covid-19, xã Nghĩa An càng trở nên lặng lẽ bên dòng sông Cổ Lũy có dòng chảy lững lờ ra phía cửa biển. Gặp vài người dân trong thôn và vẫn thấy ánh mắt chưa hết bàng hoàng sau chuỗi ngày lao đao trong 'bão nợ'. Nhưng trong nỗi khó khăn chồng chất đó, phụ nữ làng chài vẫn giúp mọi người gượng đứng dậy, đoàn kết và sát cánh với nhau để vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Chị Lê Hoàng Thị Trang Lệ tại cửa hàng 0 đồng. Ảnh: Văn Chương

Chị Lê Hoàng Thị Trang Lệ tại cửa hàng 0 đồng. Ảnh: Văn Chương

Ngay từ những ngày đầu tháng 7, phong trào may khẩu trang phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhiều tổ, hội phụ nữ ở các xã triển khai rầm rộ. Tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, phụ nữ tổ chức may 6.900 chiếc khẩu trang trong đợt dịch đầu năm 2020, đến đầu tháng 7 vừa qua, tổ chức may hơn 10.000 chiếc khẩu trang. Phong trào may khẩu trang lan về xã biển giống như phong trào may áo cho chiến sĩ ra chiến trường, chị em phụ nữ ở xã Nghĩa An đã tổ chức tại cơ sở may của bà Võ Thị Sáu, ở thôn Phổ Trường. Không khí thi đua may khẩu trang diễn ra tấp nập. Phụ nữ ở đây cho biết, để thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc” thì việc may khẩu trang phải như may áo cho chiến sĩ.

Phụ nữ ở xã Nghĩa An may khẩu trang và hình ảnh đó cũng không khác gì việc nghĩa của nhiều chị em ở các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đang tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, điểm khác biệt nhất, đó là những người phụ nữ ở địa phương này đang dằn lòng nỗi buồn vì gia đình làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất để tham gia công tác xã hội. Chị em cho biết, có gia đình nợ ngân hàng 2 tỷ đồng, có người nợ 4 tỷ đồng. Tiền vay ngân hàng đầu tư cho tàu đánh lưới giã cào cao tốc, những năm đầu tiên làm ăn có thu nhập, nhưng đột nhiên 2 năm trở lại đây thì thua lỗ nặng. Mỗi tàu ra khơi tổn phí vài trăm triệu đồng, chỉ cần lỗ 3 phiên thì cả gia đình đã phá sản.

Chị Võ Thị Kim Cúc, gia đình có đôi tàu trị giá 7,2 tỷ đồng. Sau thời gian khánh kiệt vì nghề biển, nợ nần khiến gia đình chị điêu đứng. Có thời gian, người chồng của chị phải bỏ biển để lên thành phố Quảng Ngãi làm thuê với thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng. Vợ của nhiều ngư dân ở đây cho biết, mỗi ngày đêm, một đôi tàu làm nghề giã cào cao tốc ngốn khoảng 1.200 lít dầu, 2 ngày đi biển thì đôi tàu giã cào có chi phí lớn hơn 1 chiếc tàu đánh bắt xa bờ đi biển ròng rã 1 tháng ở Trường Sa, Hoàng Sa. Chính vì vậy, ngư trường cạn kiệt là ngư dân chết đứng. Nhưng giữa lúc khó khăn, phụ nữ ở địa phương tổ chức may khẩu trang, mở gian hàng 0 đồng như một món quà an ủi mọi người.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, gian hàng 0 đồng được các tổ, hội phụ nữ triển khai tại nhiều địa phương, nhưng ở làng biển xã Nghĩa An, gian hàng này trở thành tin tức nóng sốt đăng trên nhiều tờ báo, như một cách chia sẻ nỗi lo lắng vẫn luôn đè nặng trong lòng các chị. Bên cạnh đó, xã Nghĩa An là địa bàn ven biển, cả xã nằm trên một cồn cát, không có những cánh đồng thu hoạch rau, củ, quả như những địa phương khác thì có thể đều đặn huy động rau xanh để duy trì hoạt động của cửa hàng 0 đồng hay không?

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa An có cái tên hơi giống tên của người Nga là Võ Thị Iva. Qua điện thoại, chị cho biết đang huy động sách, vở từ một đơn vị ở thành phố Quảng Ngãi để mang về cửa hàng 0 đồng nhằm hỗ trợ con em các gia đình khó khăn; có nhiều mạnh thường quân đã tham gia hỗ trợ về hàng hóa, kinh phí, đó là chị Lan Anh, quê ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi; ông Phạm Một, chị Quỳnh Anh, định cư tại Australia ; chị Vy là người con quê hương đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh; chị Mỹ, định cư tại Mỹ...

Làng biển Nghĩa An có dân số lên đến hơn 20.000 nhân khẩu. Vậy, để cửa hàng 0 đồng không bị cạn hàng, phụ nữ ở đây vừa tìm nguồn huy động, đồng thời cùng kết nối với từng thôn, xóm để phát phiếu cho những hộ dân có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Do cách phân bổ từ thôn lên xã, vì vậy, những hộ dân tới cửa hàng 0 đồng đều đúng đối tượng thụ hưởng và không có hiện tượng xô bồ, chen lấn.

Nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đến nhận nhu yếu phẩm tại cửa hàng 0 đồng và cho biết, cứ vài ngày đến nhận thì xin 1 ống thuốc viên vitamin C hòa tan nhanh, còn rau, củ quả thì 1 đến 2 ngày mới nhận 1 lần, gạo thì chỉ nhận 1 bao và không nhận thêm. Bà Phương, một người dân ở địa phương cho biết, bà tới nhận hàng mấy lần và cơ bản là nhận chỉ đủ sử dụng, vì phải nhường phần cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn đến nhận.

Phụ nữ ở xã Bình Châu tổ chức may khẩu trang để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Văn Chương

Phụ nữ ở xã Bình Châu tổ chức may khẩu trang để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Văn Chương

Dù gia đình đang lâm vào cảnh nợ nần, nhiều phụ nữ vẫn cố gắng nở nụ cười và gắng gượng tham gia vào phong trào “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, cùng dìu nhau vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Nhiều chị em có hoàn cảnh tàu phải neo bờ, dừng hoạt động, thiếu nợ ngân hàng lên đến vài tỷ đồng. Tuy nhiên, trước cơn bão dịch Covid-19, nhiều người vẫn thấy các chị có mặt tại các điểm may khẩu trang, đi tuyên truyền chống dịch cùng bà con làng chài.

Phòng làm việc của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa An được trưng dụng để làm cửa hàng và trông giống như một nhà kho, vì sách vở, gạo, mì tôm, sữa... được bày la liệt, một số được đặt lên bàn. Bên phải của phòng đặt tấm bảng “quầy hàng”, bên trái là “điểm tiếp nhận ủng hộ”. Chị Lê Hoàng Thị Trang Lệ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa An có mặt tại cửa hàng 0 đồng cho biết, mẹ của chị cũng bị vướng vào nợ nần nghề biển. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn chung của bà con nơi đây. Người dân tạm gác lại một bên để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lang-ngheo-giau-long-nhan-ai-post433274.html