Làng nghề sơn mài Hạ Thái: Lưu giữ nét đẹp dân tộc

Làng nghề Hạ Thái từ lâu đời đã nổi tiếng với nghề sơn mài truyền thống, mỗi năm sản xuất hàng triệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Làng nghề sơn mài Hạ Thái thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tiền thân làng nghề là phường sơn son thếp vàng Cự Tràng, sau đổi tên thành làng Đông Thái và sau là Hạ Thái với công việc chính là sơn son thếp vàng các đồ vật dâng vua, chúa và hoàng tộc.

Tương truyền, nghề sơn Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ XVII, lúc đó mới chỉ là nghề sơn đồ nét. Tuy không phải là phường đất tổ nghề sơn của Việt Nam, nhưng phường sơn Hạ Thái ngày trước được trọng dụng vì có nhiều thợ tài hoa, khéo léo, sáng tạo.

Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre… đặc biệt là đưa kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó...

Cũng trong giai đoạn này, cụ Đinh Văn Thành - giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương, là người làng Hạ Thái - đã đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng. Nhờ vậy, nghề sơn mài tuy ra đời muộn hơn các nghề cổ truyền khác nhưng nó đã nâng nghề sơn lên thành nghệ thuật bởi sự công phu, cầu kỳ trong quá trình sáng tạo để làm nên sản phẩm.

Khi mới ra đời, sơn mài chỉ có 3 mầu: Sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân làng Hạ Thái đã phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau, lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng, màu dưới nâng màu trên, lại tiếp những lớp bột vàng, bột bạc được rắc phủ đậm, nhạt tạo nên những sắc mầu tươi tắn lạ thường.

Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như: Vỏ trứng, ốc, cật tre… đặc biệt là đưa kỹ thuật mài vào sơn, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó.

Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như: Sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai… vẽ trên nền vóc màu đen.

Để ra đời một sản phẩm, các nghệ nhân sơn mài phải có một trình độ kỹ thuật rất cao. Thời gian thực hiện một tác phẩm có kích thước nhỏ, đơn giản cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày. Những tác phẩm lớn có khi phải mất vài tháng đến vài năm.

Anh Nguyễn Tuấn - một nghệ nhân tại làng nghề sơn mài Hạ Thái cho biết: Sản phẩm sơn mài từ khi bắt đầu đến khi hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn kỹ thuật mới bảo đảm chất lượng. Theo truyền thống, quy trình làm ra một sản phẩm sơn mài gồm 12 công đoạn. Các công đoạn này đều có liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật.

"Để thể hiện một tác phẩm sơn mài, họa sĩ cần chuẩn bị phác thảo màu và phác thảo nét trên giấy. Can đường nét họa tiết ở phác thảo xuống vóc, sau đó tô sơn, vẽ các chi tiết của hình trước, rồi tiếp đến quét trùm nền phông sau cùng", anh Tuấn chia sẻ thêm.

Sau khi sơn khô, sử dụng đá mài, than mài hoặc giấy ráp để mài mặt tranh với nước sao cho phẳng. Khi mài lớp màu phía trên mỏng dần, lớp dưới dần hiện ra, để lộ các chi tiết đã được vẽ ban đầu. Việc vẽ màu sẽ được thực hiện nhiều lần cho tới khi bề mặt tranh đạt hiệu quả như mong muốn của họa sĩ. Công đoạn cuối cùng để hoàn thiện bức tranh là đánh bóng.

Nguyên liệu sơn mài là sơn ta (khai thác từ cây sơn) và sơn Nhật. Hiện tại, xu hướng sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật được dùng khá phổ biến, bởi vì sơn ta có hạn chế là dễ gây tác động phụ cho người sử dụng và ngoài ra, khi dùng sơn ta tranh lại phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều.

Tuy nhiên, chất liệu sơn ta vẫn rất được ưa chuộng bởi khi ngắm tranh nó tạo độ sâu hơn, có hồn hơn cho bức tranh.

Bên cạnh việc kế thừa truyền thống nghề của cha ông, với sức sáng tạo mới, những nghệ nhân đã tạo ra rất nhiều loại sản phẩm phong phú, đa dạng, với hình thức, mẫu mã đẹp, gần gũi với đời sống sinh hoạt hàng ngày như: Bình hoa, khay, hộp...

Gốm sơn mài hiện là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước. Điều này đã giúp cho sản phẩm sơn mài của làng có tính cạnh tranh cao hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Ngoài các mặt hàng sơn mài, các sản phẩm làm sơn son thiếp vàng như: Đồ thờ, hoành phi, câu đối, tượng Phật… cũng được đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân thể hiện bằng những đường nét tinh xảo.

Giá tranh sơn mài dao động từ vài trăm nghìn đến cả trăm triệu đồng tùy theo ý tưởng, kích thước và chất liệu.

Qua bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa, vẻ đẹp của đất nước ta được tái hiện một cách sinh động, hấp dẫn mà vẫn giữ được nét duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam.

Các sản phẩm sơn mài với những hình dáng thanh thoát, những mẫu vẽ đậm đà sắc thái dân tộc như: Thiếu nữ áo dài, phố cổ Hà Nội... đặc biệt được ưa chuộng.

Nhiều năm nay, làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Diệu Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-nghe-son-mai-ha-thai-luu-giu-net-dep-dan-toc-308317.html