Làng nghề phải phát triển theo hướng gắn kết với du lịch

Gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch nhằm kế thừa và phát huy một cách bền vững bản sắc văn hóa Việt Nam.

Sáng 30/9, hội thảo “Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế” nhằm tăng cường và phát triển ngành du lịch của đất nước đã diễn ra tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội).

Hội thảo "Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế"

Làng nghề truyền thống của Việt Nam đã có từ hàng ngàn năm nay và luôn gắn với mọi thăng trầm của lịch sử. Hiện nay nước ta có khoảng hơn 5 nghìn làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận với trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề. Riêng ở Hà Nội có 1.350 làng nghề đã được công nhận với hàng trăm mặt hàng khác nhau.

Mỗi làng nghề là nơi bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật, kỹ thuật, sản xuất từ đời này sang đời khác bởi những nghệ nhân tài hoa. Do đó, hoạt động du lịch làng nghề sẽ thu hút được rất nhiều du khách tham quan, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, phong tục tập quán , lễ hội.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới nhằm quảng bá và phát triển du lịch đồng thời giới thiệu hình ảnh, văn hóa, lịch sử của đất nước.

Trong thời kì hiện đại khi nền sản xuất công nghiệp và đô thị hóa ồ ạt làm môi trường quá tải thì du lịch làng nghề sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị mới.

Những làng nghề gắn liền với du lịch thường thu hút được sự quan tâm của khách, điều này đồng nghĩa với việc cần nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng hàng hóa để phát triển du lịch.

Chuyên gia cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng: “Các sản phẩm làng nghề cần phải chứng minh được khi hoạt động sản xuất không gây hại đến môi trường mà ngược lại phải đóng góp gì có lợi cho môi trường thì mới tăng được giá trị cho sản phẩm.”

Thực tế cho thấy, hầu hết các làng nghề kết hợp du lịch mang tính tự phát với cơ sở vật chất không được đầu tư, các dịch vụ không đảm bảo cho du lịch khiến khách du lịch chỉ đến một lần mà không muốn quay lại. Nguồn nhân lực cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu chuyên nghiệp, còn chưa được chú trọng. Ngoài ra bản thân làng nghề chưa phát huy được giá trị của mình, các sản phẩm tuy nhiều nhưng không phong phú và đặc sắc.

Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu

Theo ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: “Trong thời kỳ hội nhập như bây giờ, các làng nghề rất dễ bị mai một. Trước hết phải giữ được đất, giữ được làng thì sẽ giữ được nghề. Thứ hai, khách du lịch thích nhất là hồn cốt, những nét cổ, xưa cũ để lại phải giữ được những thứ cội nguồn của làng nghề.

Để làng nghề phát triển theo hướng gắn kết với du lịch, cần nâng cao ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc đồng thời nâng cao ý thức về vai trò của làng nghề hiện nay.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần khắc phục những vấn đề như ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, hệ thống đường xá, cầu cống cần được nâng cấp.

Vì vậy trong xu thế đổi mới hiện nay, cần phát triền làng nghề và ngành nghề theo một hướng mới. Đặc biệt luôn gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch nhằm kế thừa và phát huy một cách bền vững bản sắc văn hóa Việt Nam./.

CTV Hoàng Hà/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/lang-nghe-phai-phat-trien-theo-huong-gan-ket-voi-du-lich-555686.vov