Lắng nghe những đề xuất, kiến nghị thiết thực

Tại Chương trình 'Đại biểu HĐND với Xuân cho trẻ em khó khăn' do Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương vừa phối hợp tổ chức, bên cạnh những suất học bổng, món quà ý nghĩa, lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe các em thiếu nhi, học sinh và cán bộ phụ trách trình bày những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị thiết thực; các cấp, các ngành có thêm nhiều thông tin từ góc nhìn của trẻ em phục vụ cho việc quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện các quyền của trẻ em.

Góp sức vào sự nghiệp trồng người

Tại chương trình, được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Vừ A Dính, Ban Tổ chức đã trao 20 suất học bổng (mỗi suất trị giá 5 triệu đồng) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi trên địa bàn tỉnh; tặng 100 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) và quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố Thủ Dầu Một trao tặng 100 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) và quà Tết cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi có người thân mất do dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, kinh phí từ nguồn đóng góp của đại biểu HĐND thành phố Thủ Dầu Một.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các sở ngành, TP. Thủ Dầu Một trao học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phương Chi

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng cho biết, những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân đã chung tay, góp sức vào sự nghiệp trồng người với nhiều chương trình, sự kiện, những hoạt động thiết thực từ tỉnh đến cơ sở cùng chăm lo, giúp đỡ trẻ em. Hàng ngàn suất học bổng đã được trao cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp nhiều em được tiếp tục đến trường; hàng ngàn trẻ được tặng quà, có thêm niềm vui trong cuộc sống... Những việc làm nhân ái này không chỉ là truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chung tay hỗ trợ các bạn nhỏ được đến trường

Bên cạnh những suất học bổng, món quà ý nghĩa, chương trình còn là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe các em thiếu nhi, học sinh và cán bộ phụ trách trình bày những tâm tư, nguyện vọng và đề xuất, kiến nghị thiết thực; các cấp, các ngành có thêm nhiều thông tin từ góc nhìn của trẻ em phục vụ cho việc quản lý, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em.

Em Trần Lê Hưng Thịnh (học sinh trường THCS Phú An, thị xã Bến Cát) kiến nghị các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ cho các bạn nhỏ được đến trường; chị Nguyễn Ngọc Phi - Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Hòa Phú (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một) kiến nghị cần đầu tư cơ sở vật chất cho các lớp học tình thương trên địa bàn các phường; đầu tư cho các lớp học tình thương thông qua công tác tập huấn hoặc vận động giáo viên nghỉ hưu còn tâm huyết, yêu nghề đến giảng dạy để các em được tiếp xúc chương trình học tập bài bản. Cùng với đó, cần có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình học, tạo điều kiện cho các em học sinh các lớp học tình thương có cơ hội được học lên cao hơn…

Không để học sinh phải nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn

Lắng nghe những đề xuất, kiến nghị thiết thực, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết, Bình Dương đã có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; các lớp học tình thương được mở tại địa bàn TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An và TP. Dĩ An đa phần các cô chỉ dạy cho các em biết đọc, biết viết. Theo chương trình của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, đối với bậc Tiểu học chưa quy định nội dung cụ thể để phổ cập cũng như công nhận chương trình Tiểu học đối với các lớp học tình thương; để công nhận hoàn thành cấp THCS ít nhất cũng phải hoàn thành 4 môn học. Vì thế, để đủ điều kiện công nhận một cấp học cho học sinh, các lớp học tình thương cần nhiều điều kiện. "Chúng tôi sẽ chỉ đạo các Phòng Giáo dục tiếp tục khảo sát theo dõi và tạo điều kiện thêm cho các lớp học tình thương này. Xem xét cập nhật thêm một số môn để các em đủ chuẩn công nhận hoàn thành chương trình học." - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng kiến nghị lãnh đạo các huyện, thị, thành phố phối hợp cùng ngành tiếp tục quan tâm, khảo sát để cập nhật số liệu con em công nhân tại các khu nhà trọ đang độ tuổi đến trường; từ đó, có những chương trình bồi dưỡng và hỗ trợ các em hoàn thành chương trình học các cấp.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Hằng cho biết, Sở có đơn vị trực thuộc là Quỹ Bảo trợ trẻ em, có chức năng vận động hỗ trợ, chăm sóc trẻ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn… Nguồn quỹ vận động khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm với nhiều chương trình hỗ trợ, trong đó có chương trình "Mỗi chương trình nhân ái chắp cánh một ước mơ" dành cho học sinh học lực khá, giỏi có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến trường, hỗ trợ cho học sinh từ bậc Tiểu học cho đến Đại học. Bên cạnh đó, tỉnh còn có chương trình "Ươm mầm khát vọng", chương trình "Bảo trợ dài hạn" (hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ mỗi tháng cho học sinh Tiểu học: 700.000 đồng, THCS: 900.000 đồng; THPT: 1,2 triệu đồng).

Lãnh đạo Sở nhấn mạnh, trên tinh thần không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học, khi gặp khó khăn các em học sinh có thể liên hệ với chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường nhờ kết nối với các chương trình, bảo đảm các em sẽ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, tiếp sức đến trường.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/%E2%80%8Blang-nghe-nhung-de-xuat-kien-nghi-thiet-thuc-i358457/