Làng nghề gốm Gia Thủy đỏ lửa dịp cuối năm

Làng nghề gốm Gia Thủy, xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) có tuổi đời khoảng 50 năm. Trải qua những thời điểm thăng trầm, gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và ngày càng phát triển trên thị trường, sản phẩm làm ra không đủ bán.

Mỗi người thợ làng gốm đều tỉ mẩn, nâng niu với từng sản phẩm mình làm ra.

Những ngày cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão, nhu cầu sử dụng đồ gốm của người dân tăng cao hơn khiến làng gốm Gia Thủy đỏ lửa liên tục. Tất cả thợ trong làng nghề đều được huy động và làm hết công suất. Mặc dù "đầu tắt mặt tối" nhưng ai cũng vui mừng, phấn khởi khi sản phẩm hoàn thiện đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, thậm chí nhiều đơn hàng cận Tết được đặt còn không dám nhận vì người làm không có.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai theo nghề gốm đã hơn 30 năm và cùng chồng gắn bó với HTX gốm Gia Thủy hàng chục năm nay chia sẻ: Chúng tôi yêu nghề truyền thống của cha ông nên gắn bó với nó kể cả những giai đoạn thăng trầm, thu nhập thấp. Giờ thì không phải lo đầu ra, thu nhập mỗi người cũng vào khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn cả là chúng tôi được làm nghề mà mình biết từ khi còn nhỏ và yêu thích nó.

"Nghề này phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết khô hanh, nắng ráo, các công đoạn làm sản phẩm sẽ thuận lợi và dễ hơn. Dịp gần Tết do nhu cầu của thị trường tăng lên, chúng tôi phải làm việc tăng ca để giao hàng đúng hẹn và cũng là dịp để có thêm thu nhập, đón một cái Tết đủ đầy, đầm ấm..." - nghệ nhân Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Sản phẩm gốm trước khi vào lò được phơi khô hoàn toàn bằng tự nhiên.

Theo ông Đinh Quang Hà, nghệ nhân tạo hình, HTX gốm Gia Thủy, trải qua nhiều năm thăng trầm, đến nay nghề gốm Gia Thủy vẫn đứng vững và ngày càng phát triển mạnh. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Để làm ra được một sản phẩm gốm hoàn chỉnh, phải trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó hầu hết đều làm bằng thủ công. Đây chính là điều thu hút khách hàng và sản phẩm ngày càng được nhiều người lựa chọn, tin dùng.

"Các công đoạn trong quá trình sản xuất gốm yêu cầu người thợ sự tỉ mỉ, cẩn thận, hạn chế thấp nhất sự sai sót. Đất sét khi lấy về được lọc qua nước để loại bỏ tạp chất, sau đó cô đặc rồi đem phơi đủ độ ẩm. Công đoạn phơi đất cũng rất quan trọng, cần cẩn thận bởi đất phơi khô quá không làm được gốm, mà ướt quá cũng khó làm. Vì thế khi phơi, người thợ phải thường xuyên quan sát độ khô - ướt của đất để đảm bảo vừa đủ, phù hợp trong quá trình tạo sản phẩm..." - ông Đinh Quang Hà chia sẻ thêm.

Anh Trần Văn Quang, bộ phận kỹ thuật lò, tạo hình, làng nghề gốm Gia Thủy cho biết: Từng công đoạn trong quá trình làm gốm đều được người thợ dành nhiều tâm huyết. Từ những khối đất vô tri vô giác đã tạo ra những sản phẩm gốm hoàn chỉnh như chum, vại, lọ hoa trang trí, chậu hoa, các loại bát, đĩa, chén... Nghề truyền thống của cha ông đã cho chúng tôi cuộc sống ổn định với thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng, từ đó chúng tôi xác định gắn bó và phấn đấu duy trì làng nghề bền vững.

"Điều chúng tôi tự hào nhất là tất cả các khâu, công đoạn trong quá trình sản xuất gốm, từ chọn đất, làm đất, đến tạo hình, phơi khô, rồi nặn, chuyển sản phẩm vào lò nung.... đều được làm thủ công, dùng sức người là chính. Với chúng tôi, dù là những sản phẩm làm vật dụng bình thường hay những sản phẩm mỹ nghệ thì người thợ cần phải có lòng đam mê và tâm huyết với nghề, mới có thể sản xuất ra những sản phẩm đẹp, chất lượng được..."- anh Quang khẳng định.

Cũng theo anh Quang, đất sau khi phơi sẽ được đem vào xưởng sản xuất làm nhuyễn thêm để tạo độ keo và mịn hơn khi nặn. Sau khi được bàn tay người thợ gốm tạo hình, nặn, vuốt hoàn thiện, gốm được phơi khô hoàn toàn tự nhiên. Khi đủ độ khô, gốm sẽ được cho vào lò đốt bằng gỗ cây keo tràm, bạch đàn. Sau 4 ngày 4 đêm, dưới nhiệt độ trên 1.000 độ C, những sản phẩm gốm mới hoàn thiện ra lò. Đất sử dụng làm gốm ở Gia Thủy thường có màu vàng nên chất lượng rất tốt, khi sản phẩm ra lò có độ bóng đẹp và bền lâu hơn.

Việc nung gốm cũng phải được thực hiện theo đúng quy định về thời gian, nhiệt độ để có được sản phẩm bóng đẹp, chất lượng.

Tùy thuộc vào từng loại sản phẩm mà người thợ gốm sẽ nặn đất theo các mẫu khác nhau. Ví dụ như để làm ra những chiếc vò, chum, vại..., người thợ sẽ cắt đất thành những thớ dài và tròn, để khi đưa lên bàn xoay ghép lại với nhau được dễ dàng, thuận tiện trong khâu tạo hình sản phẩm. Đặc biệt, mỗi sản phẩm gốm được hoàn thiện là kết quả của sự miệt mài sáng tạo, thành quả gắn bó của cả một tập thể, với nhiều công đoạn khác nhau, thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người thợ làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai cho biết thêm: Theo sự phát triển của xã hội, hiện nay, nhu cầu mua bình, vò, chum sành để ngâm rượu tăng cao vì rượu khi ngâm vào bình gốm sành sẽ khử được chất độc, làm giảm nồng độ rượu, an toàn cho người sử dụng. Vì thế, nghề gốm Gia Thủy sản xuất nhộn nhịp hơn trước kia. Các cơ sở sản xuất làm quanh năm cũng không đủ hàng cung ứng ra thị trường. Còn vào dịp cận Tết, khách hàng đặt nhiều làm không xuể.

Thị trường tiêu thụ của gốm Gia Thủy hiện được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Gốm khi ra lò sẽ được các thương lái đến tận nơi thu mua, đưa đến các tỉnh, thành phố phía Bắc và vào tận các tỉnh, thành miền Nam. Bình quân, mỗi chiếc bình to không có hoa văn giá từ 1 triệu đồng trở lên. Loại có giá cao hơn thì được trang trí hoa văn, tỉa các tích chuyện hay các cây, hoa Tùng - Trúc - Cúc - Mai... tùy theo yêu cầu của khách. Hiện làng nghề gốm cũng đã mở rộng để sản xuất thêm các mặt hàng bát, đĩa, chén, cốc...

Sản phẩm gốm hiện được đặt hàng đa dạng, như đĩa, chén, bát, thìa muỗng, lọ hoa…

Được biết, HTX gốm Gia Thủy hàng năm đóng góp khoảng 1/4 trong tổng thu nhập của toàn xã. Làng nghề có khoảng trên 50 lao động thường xuyên. Hiện làng nghề có 6 nghệ nhân cấp tỉnh. Xã Gia Thủy cũng tạo điều kiện về nguồn nguyên liệu, hỗ trợ HTX, xã viên vay vốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô làng nghề, góp phần để làng nghề duy trì và không ngừng phát triển, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/lang-nghe-gom-gia-thuy-do-lua-dip-cuoi-nam/d20221228152029556.htm