Lăng kính văn hóa: Xây dựng trường học hạnh phúc

Xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu để tạo ra môi trường học đường thân thiện, nhân văn, là cái gốc để xóa đi bạo lực, tiêu cực. Với ý nghĩa đó, mới đây, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Sơn La tổ chức Diễn đàn 'Văn hóa ứng xử học đường, xây dựng trường học hạnh phúc' cho gần 700 học sinh.

Tại diễn đàn, các em học sinh sôi nổi tham gia trả lời câu hỏi, thể hiện hiểu biết của bản thân về văn hóa ứng xử, kiến thức trong đời sống xã hội. Đây là dịp để học sinh bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của bản thân, qua đó giúp nâng cao văn hóa ứng xử, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

Muốn có trường học hạnh phúc thì các thành tố tạo nên môi trường học đường cũng phải hạnh phúc. Đó là từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đến những người phục vụ, bảo đảm đều cảm thấy yên tâm, tin tưởng, phấn khởi về môi trường giáo dục. Ở đó, họ được học tập, công tác, lao động sáng tạo, phát huy hết khả năng cá nhân, thỏa mãn các nhu cầu tự thân và lan tỏa những điều tốt đẹp, yêu thương đến với mọi người.

Học sinh sôi nổi tham gia giao lưu tại Diễn đàn "Văn hóa ứng xử học đường, xây dựng trường học hạnh phúc". Ảnh: baosonla.org.vn

Thời gian gần đây, trong môi trường học đường đã xảy ra một số chuyện tiêu cực, phản cảm, khiến dư luận lo lắng. Báo cáo, giải trình trong Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong hai năm (từ ngày 1-9-2021 đến 5-11-2023), cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Những con số đó khiến chúng ta không khỏi giật mình suy ngẫm. Trường học là nơi giáo dục nhân cách, ươm mầm thiện cho người học. Vậy mà có biết bao chuyện lỗi đạo đã xảy ra. Liệu khi đó trường học có còn hạnh phúc?

Phải chăng chuyện thi cử, thành tích đã trở thành áp lực đè nặng lên cả nhà trường, gia đình và xã hội? Phải chăng các yếu tố của mặt trái kinh tế thị trường, những thói hư tật xấu xâm nhập khiến mối quan hệ thầy trò, đồng môn, đồng nghiệp, nhà trường-gia đình bị ảnh hưởng, lung lay?

Trước những vấn đề tiêu cực đang diễn ra trong môi trường học đường, việc xây dựng trường học hạnh phúc thực sự có ý nghĩa, nhằm hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là an toàn, tôn trọng, yêu thương. Đó là nơi không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Các thành viên như cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh có điều kiện dạy học, công tác trong một môi trường ứng xử nhân văn, lành mạnh. Nơi đó thực sự trở thành mái nhà chung để mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một ngày vui.

Muốn xây dựng trường học hạnh phúc, phải có sự quan tâm phối hợp, gắn kết đồng bộ giữa 3 yếu tố: Gia đình, nhà trường và xã hội. Không thể có trường học hạnh phúc nếu gia đình bỏ ngỏ, xã hội thiếu chăm lo những giá trị đạo đức, văn hóa làm nên hạnh phúc cho con người. Tất nhiên, nhà trường phải giữ vai trò trung tâm, then chốt trong việc kiến tạo và lan tỏa các giá trị hạnh phúc. Hay nói như người đứng đầu ngành giáo dục, với nhà trường cần 3 chữ "an", đó là: Học trò an toàn, thầy cô an lòng, phụ huynh an tâm. Đó là cái gốc của nhà trường hạnh phúc.

VŨ DUY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lang-kinh-van-hoa-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-754706