Làng chài Hoàng Sa, Trường Sa vào Xuân

Vào ngày Xuân, những con tàu trở về sau một năm ngược xuôi trên biển cả. Làng chài nhộn nhịp những điệu hò bả trạo, sắc bùa, múa gươm để ngày Xuân ở làng biển thêm rộn rã, thúc giục những con tàu một năm xuôi ngược trên biển đánh bắt thành công, gắn với việc đưa ngư dân ra khơi gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Có làng chài thì rước ảnh Bác Hồ. Con tàu đầu tiên rước ảnh Bác sẽ khai Xuân bằng mẻ lưới lấy may đầu năm.

Tàu ngư dân ở vùng cửa biển Sa Huỳnh rước ảnh Bác Hồ trong ngày mở biển đầu Xuân. Ảnh: Lê Văn Chương

Điệu hò vươn khơi

Ngày Xuân, tại cửa biển Sa Cần, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, những chiếc tàu công suất lớn trở về sau một năm xuôi ngược hàng ngàn hải lý trên vùng biển chủ quyền. Một năm, tôi đã qua nhiều làng chài ở các tỉnh miền Trung, từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, tới Quảng Trị, Quảng Bình, rồi đặt câu hỏi vì sao có những địa phương tàu cá chỉ ra khơi chừng 100 hải lý rồi lại phải quay về? Phải chăng, những nơi đó thiếu đi điệu hò mở biển trong ngày Xuân?

“Anh em ơi, đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo!” - Điệu hò này vang lên ở cửa biển Sa Cần, nơi có đoàn tàu đi những vùng biển xa xôi nhất, năm nào cũng đi qua hầu hết các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa. Năm nay, khi nghe điệu hát này, các ngư dân hiện rõ vẻ trầm tư trên khuôn mặt. Ông Nguyễn Hữu Ngọt, một chủ tàu ở địa phương cho biết: “Bão tố liên miên, nên ngư dân đi được 3 phiên thì phiên cuối bị rút ngắn; 55 tàu câu mực phải chạy vào neo cả tháng ở các đảo nổi quần đảo Trường Sa”.

Xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, là địa phương có hàng ngàn ngư dân chuyên làm nghề câu mực khơi ở quần đảo Trường Sa. Mỗi năm, các ngư dân ra khơi bám biển hơn 9 tháng, còn hơn 2 tháng là ở đất liền. Thời gian ở biển nhiều hơn ở nhà. Nghề câu mực gắn với những chuyến ra khơi kéo dài từ 2,5 đến 3 tháng. Đó là một thử thách không hề nhỏ. Điệu hò bám biển trong ngày Xuân đã thấm sâu vào từng trai tráng và thúc giục họ tiếp tục trở lại Trường Sa, từ Tiên Nữ, đến An Bang, Song Tử Tây, Núi Thị, Sinh Tồn...

Trong năm 2020, những cơn bão liên tiếp ập vào miền Trung, 55 chiếc tàu câu mực chở khoảng 2.500 ngư dân phải chạy tứ tán để tránh trú gió. Phiên biển cuối cùng, mỗi tàu chỉ chở về được từ 10-15 tấn mực khô, nhưng giá mực tăng lên 145.000 đồng/kg nên dù sản lượng đạt ít, nhưng ngư dân vẫn được an ủi vì giá mực cao hơn mọi năm (100.000 đồng/kg).

Lễ giỗ Thần Nam Hải Đại tướng quân được tổ chức sớm để những con tàu đưa ngư dân trở về với biển cả. Có năm, ngư dân làng chài vớt được cá mà người dân thường thờ phụng. Nhưng đó lại là thời điểm toàn bộ trai tráng ở làng chài đang lênh đênh giữa Trường Sa. Vậy là những người phụ nữ làng chài vẽ râu, bôi mặt để mang dáng dấp lão ngư, sau đó mang gươm, khoác áo lính để làm lễ tiễn đưa cá ông. Những đứa trẻ trong làng chài xin nghỉ học 1 ngày để ở nhà làm lễ, đứng vị trí đội lính mang gươm. Tiếng hô của những người phụ nữ vang lên: “anh em ơi... ơi... đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Điệu hò bám biển đã thấm vào những đứa trẻ làng chài, để khi trưởng thành, các cậu bé đều trở thành kình ngư là vậy.

Có Bác trong ngày mở biển

Quy định được đốt pháo hoa không có tiếng nổ trong dịp lễ, Tết, đã khiến cho không khí ra quân nghề cá ở các làng chài của tỉnh Quảng Ngãi thêm phần nhộn nhịp. Các cụ ông trong làng biển Sa Huỳnh kể lại, thời trước, nghề giã cào làm ăn khá giả, tàu trở về cuối năm đốt pháo, tàu xuất hành đầu năm cũng đốt thêm 2 dây pháo dài. Ngày cuối năm là những ngày dài âm vang tiếng nổ và khói thuốc pháo mù trời. Sau lệnh cấm pháo, làng tổ chức đốt khói màu trong lễ xuất hành để bức tranh ngày mở biển thêm đẹp. Còn năm nay thì tất cả các tàu sẽ mang theo pháo hoa trong ngày mở biển.

Ngư dân ở cửa biển Sa Cần hát múa bả trạo, sắc bùa trong lễ xuất hành. Ảnh: Lê Văn Chương

Có rất nhiều cửa biển ở dọc các tỉnh miền Trung, từ cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, đến Thừa Thiên Huế, Bình Định đều làm lễ mở cửa biển đầu năm, gắn với các hoạt động lễ hội dồi bòng, lắc thúng, báo cáo kết quả đánh bắt trong năm. Nhưng lễ ra quân nghề cá ở làng biển Sa Huỳnh được nhắc đến nhiều, bởi lễ ra quân nghề cá nơi đây được tổ chức từ vài chục năm trước và gắn với màu sắc tín ngưỡng, thờ phụng của người dân làng chài. Ở các cửa biển khác, ngư dân có thể đi biển ngay trong ngày Tết. Còn ở cửa biển Sa Huỳnh, tàu cá chỉ được xuất hành sau buổi lễ vào sáng ngày mùng 3 Tết.

Trước năm 1975, mỗi khi tàu cá đánh bắt thành công nhất mở biển thì cả làng rầm rập cho tàu, thuyền chèo, thúng chèo ồ ạt tiến ra biển để đánh mẻ lưới đầu năm. Đoàn thuyền ra biển và trên nóc tàu luôn treo lá cờ thần, thờ ngũ sắc, các bậc cao niên đứng trên mũi tàu, mặt hướng về dinh thờ bên mạn đông của cửa biển để gửi lời nguyện ước một năm đánh bắt.

Từ sau năm 1975, ngày Xuân, những con tàu mở biển treo cờ Tổ quốc lên nóc tàu, phía dưới treo cờ thần. Chiếc tàu đầu tiên làm lễ xuất hành luôn mang theo ảnh Bác đi cùng. Tôi luôn nhớ đến ánh mắt của những ngư dân trên chiếc tàu chở ảnh Bác dẫn đầu đoàn tàu trong lễ xuất hành, khi bê rổ cá, các ngư dân dõi ánh mắt ra biển khơi xa xăm, sau đó lại ngước nhìn lên tấm ảnh Bác.

Theo phong tục mở biển, tàu ra biển, bung lưới, 15 phút thì trên tàu bắt đầu hò dô kéo lên. Những loại sản vật có thể dễ đánh bắt được nhất trong mẻ lưới lấy hên đầu năm, đó là cá nổi, thường là cá cơm nồm nhỏ màu trắng bạc, nhưng là hàng xuất khẩu nên bán với giá vài trăm ngàn/kg thành phẩm.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lang-chai-hoang-sa-truong-sa-vao-xuan-post437225.html