Lan tỏa tình yêu người lính ở vùng đất 'ngã ba biên'

Hơn 5.000 bài thi từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã được gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu biên giới tỉnh Kon Tum và 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP Kon Tum (8/10/1963-8/10/2023) là con số vô cùng ấn tượng. Nhiều bài dự thi được đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức cho thấy, tình yêu dành cho biên giới luôn đong đầy và hình ảnh người lính Biên phòng luôn mang lại những xúc cảm bất tận.

Ban Tổ chức kiểm tra lần cuối các bài thi. Ảnh: Trúc Hà

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động chào mừng đánh dấu chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, kiên cường làm “lá chắn thép”, là “phên dậu vững chắc” của Tổ quốc. Một trong những hoạt động thu hút được nhiều người tham gia, đó là phát động Cuộc thi Tìm hiểu biên giới tỉnh Kon Tum và 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP Kon Tum (8/10/1963-8/10/2023).

Cuộc thi được phát động từ ngày 20/4 với 6 câu hỏi về các vấn đề liên quan đến biên giới và BĐBP Kon Tum. Để cuộc thi thật sự lan tỏa đến với mọi người, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum để phát động. Thật bất ngờ, sau gần 3 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 5.200 bài thi và các bài thi đều rất chất lượng. Nội dung trả lời câu hỏi được các tác giả trình bày công phu, trang trí đẹp mắt. Để phục vụ cho việc chấm giải cũng như mọi người có thể tham quan tìm hiểu, các bài thi được trưng bày tại Nhà văn hóa BĐBP tỉnh. Cầm những bài thi được trình bày, in ấn, đóng quyển cẩn thận, chúng tôi hiểu được sự trân trọng cũng như tấm lòng của người dự thi đối với BĐBP Việt Nam nói chung và BĐBP Kon Tum nói riêng.

Nhóm tác giả “Cầu vai đỏ” của Công an tỉnh Kon Tum đã đặt tên cho tác phẩm dự thi của mình là “60 năm Bản hùng ca còn mãi”. Điều đặc biệt là các câu trả lời đã được mã hóa QR Code để tạo thuận tiện cho mọi người có thể đọc ngay trên điện thoại thông minh. Việc “số hóa” bài dự thi là cách làm mới mẻ cũng là điểm nhấn trong cuộc thi lần này. Để phục vụ cho bài thi của mình, Đại úy Hồ Thị Khánh Vi (Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Kon Tum) đã lặn lội vào Đồn Biên phòng Mo Rai để lấy tư liệu.

Chị chia sẻ: “Bằng niềm đam mê, sự chân thành và để phục vụ cho bài dự thi thêm sâu sắc, ý nghĩa và toàn diện, bên cạnh việc nghiên cứu, khai thác tài liệu trả lời các câu hỏi do Ban Tổ chức đưa ra, tôi xin trân trọng gửi tới đồng chí bài báo ảnh “Nơi biên giới Mo Rai và Những người cha Biên phòng” để minh họa sắc nét, sinh động hơn cho nội dung câu trả lời. Qua những hình ảnh được thực hiện thực tế tại Đồn Biên phòng Mo Rai, tôi hi vọng có thể truyền tải, chia sẻ, lan tỏa trọn vẹn câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt tại đồn và tình yêu thương qua chương trình" Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” đến với mọi người. Đây cũng là món quà tôi xin tri ân và kính tặng đến cuộc thi và Đồn Biên phòng Mo Rai nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP Kon Tum. Trân trọng với sự cống hiến âm thầm, lặng lẽ và tấm lòng nhân văn của các chiến sĩ quân hàm xanh”.

Điều đặc biệt là Ban Tổ chức cuộc thi nhận được rất nhiều bài thi từ các tỉnh, thành khác trong cả nước. Những bài thi chất lượng, chứa đựng cả tình cảm cá nhân muốn gửi gắm tới những người lính nơi biên cương, như bài thi của anh Lê Bảo Toàn (sinh năm 2005, trú tại phường 8, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Lê Bảo Toàn là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, dù rất bận rộn với công việc, thế nhưng, với một tình yêu đặc biệt, tất cả các câu trả lời đã được Lê Bảo Toàn chép tay và gắn những hình minh họa 3D.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Kon Tum tham quan, tìm hiểu các bài thi tại Nhà văn hóa BĐBP tỉnh. Ảnh: Trúc Hà

Hay bài thi của bà Nguyễn Thị Thuyến, Phó Chủ tịch HĐND xã Đắk Will (huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) với hơn 300 trang đánh máy, cùng nhiều hình ảnh minh họa. Theo bà Nguyễn Thị Thuyến, đây là cuộc thi vô cùng ý nghĩa. “Tôi tham gia cuộc thi không lấy mục tiêu đạt giải làm đầu mà vì việc hiểu thêm về một vùng đất, cũng như những người lính Biên phòng Kon Tum. Sau khi trả lời các câu hỏi, tôi càng muốn có cơ hội đến “ngã ba biên giới” Việt Nam - Lào - Campuchia để thấy Tổ quốc mình dài, rộng thế nào” - bà Thuyến chia sẻ.

Không chỉ nhận được các bài thi là các câu trả lời cho các câu hỏi đã đưa ra, Ban Tổ chức còn nhận được bài thi là tác phẩm âm nhạc. Trung úy Trịnh Quang Thành (Công an tỉnh Kon Tum) đã sáng tác và thu âm ca khúc “Tổ quốc ở trong tim” gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi. Với giai điệu khi tươi vui, rộn ràng, khi lại sâu lắng, khi lại bừng lên đầy khát vọng đưa người nghe đến với những điểm cao biên giới và hình ảnh người lính bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

“Tổ quốc mình đẹp lắm con ơi. Tổ quốc ta là núi là sông, là Biển Đông đừng quên con nhé. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền đất mẹ. Cha ông ta bao thế hệ giữ gìn. Tổ quốc ta đứng vững hiên ngang trong hành trình kiến tạo. Những công trình với biết bao hoài bão. Nước non Việt Nam mãi mãi vững bền...”. Từng lời ca, nốt nhạc đều thể hiện sự khát vọng của người lính bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Chia sẻ về những kết quả đạt được từ Cuộc thi Tìm hiểu biên giới tỉnh Kon Tum và 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP Kon Tum, Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết: “Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Tổ chức đã nhận được số lượng lớn bài thi chất lượng cho thấy sự tâm huyết, tình cảm dành cho biên giới và BĐBP Kon Tum. Ban Giám khảo sẽ rất khó khăn khi khi chấm vì có rất nhiều bài chất lượng, được người dự thi đầu tư công phu. Chúng tôi sẽ công tâm, khách quan chấm giải và đó là một cách để thể hiện sự cảm ơn đối với tình cảm mà mọi người đã dành cho biên giới và BĐBP Kon Tum. Đến nay, tất cả các bài thi được đưa vào Phòng thư viện để Ban Giám khảo tiến hành chấm và để mọi người cùng tham quan. Đây là sẽ nguồn tư liệu quý và giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới và cán bộ mới về nhận công tác”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lan-toa-tinh-yeu-nguoi-linh-o-vung-dat-nga-ba-bien-post466271.html