Lan tỏa phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) là một trong những phong trào của quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng và đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần đắc lực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung cối lõi của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: THIÊN LÝ

Xây dựng gia đình, thôn, buôn, khu phố văn hóa; xã, phường thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị... là những nội dung cốt lõi của phong trào TDĐKXDĐSVH có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các cộng đồng dân cư, tạo bước đột phá làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đời sống từ thành thị đến nông thôn, miền núi.

Xây dựng gia đình văn hóa

Là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào TDĐKXDĐSVH, phong trào xây dựng gia đình văn hóa luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện. Hầu hết các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đưa gương người tốt, việc tốt vào tiêu chí bình xét khen thưởng, tổ chức việc bình xét công khai, dân chủ, đúng quy trình, biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Kết quả năm 2022, toàn tỉnh có 96,6% gia đình văn hóa; 94,9% thôn, buôn, khu phố văn hóa; 65,1% xã, phường thị trấn đạt chuẩn văn hóa, văn minh đô thị; 94,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Toàn tỉnh xảy ra 84 vụ bạo lực gia đình, giảm nhiều so với những năm trước đó.

Trước đây, ở thôn 5, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), công tác tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa khá khó khăn. Toàn thôn có 112 hộ dân, trong đó hơn 60% là đồng bào dân tộc Chăm, Ba Na sinh sống. Đa số đời sống kinh tế người dân còn khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, kiến thức, kỹ năng để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc… còn hạn chế. “Song, với sự nỗ lực tuyên truyền của các cấp, hầu hết người dân trong thôn đều biết đến các tiêu chí đạt gia đình văn hóa cũng như kiến thức cơ bản để xây dựng thôn văn hóa, đoàn kết khu dân cư...”, Trưởng thôn 5 Mang Dơn cho biết.

Anh Lê Văn Điệp, dân tộc Chăm, vui mừng khi gia đình anh được công nhận Gia đình văn hóa, chia sẻ: “Ngoài siêng năng, chăm chỉ lao động, tôi không ngừng học hỏi, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, truyền thông của các cấp về việc nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình... Từ đó, tôi biết cách áp dụng những kiến thức này vào việc nuôi dạy các con, nhất là trong việc xây dựng gia đình văn hóa”.

Phát triển toàn diện

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: Phong trào TDĐKXDĐSVH được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện xuyên suốt, ngày càng đi vào đời sống, có chiều sâu và đạt được một số kết quả nhất định. Đó là, đời sống của người dân ngày càng cải thiện, trong các khu dân cư không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh, số hộ khá và giàu ngày càng tăng. Cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, dân trí ngày càng được hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên ở cơ sở, góp phần xóa bỏ khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất và tinh thần của người dân giữa miền núi, nông thôn và thành thị. Những thành quả nổi bật của phong trào đã góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, trong hội nghị tập huấn phong trào TDĐKXDĐSVH và công tác gia đình năm 2023, lãnh đạo các phòng VH-TT; trưởng thôn, khu phố, cán bộ văn hóa xã hội của các xã, phường, thị trấn đã được phổ biến những kiến thức mới, những kỹ năng về triển khai thực hiện phong trào này. Bên cạnh đó, các học viên còn được trao đổi kinh nghiệm, đóng góp ý kiến; giới thiệu những cách làm hay, sáng tạo, góp phần đưa phong trào tại các địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung ngày càng phát triển toàn diện.

Theo chuyên viên cao cấp, ThS Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL), Phú Yên cần chú trọng hơn nữa nội dung xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao chất lượng gia đình, thôn, buôn, khu phố văn hóa. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cần có cách làm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, triển khai những cuộc vận động mang tính đặc thù; phát huy vai trò người có uy tín trong phong trào TDĐKXDĐSVH. Đồng thời quan tâm đến việc tiếp cận thông tin, cấp phát các ấn phẩm báo chí ở các xã vùng sâu, vùng xa; nâng cao chất lượng cán bộ ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đủ năng lực để đảm nhận các dự án được triển khai trên địa bàn... “Cùng với đó cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng các phong trào đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình và địa phương...”, ThS Hoa Hữu Vân đề nghị.

Ngoài siêng năng, chăm chỉ lao động, tôi không ngừng học hỏi, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, truyền thông của các cấp về việc nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình... Từ đó, tôi biết cách áp dụng những kiến thức này vào việc nuôi dạy các con, nhất là trong việc xây dựng gia đình văn hóa.

Anh Lê Văn Điệp ở thôn 5, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/308088/lan-toa-phong-trao-toan-dan-doan-ket-xay-dung-doi-song-van-hoa.html