Lan tỏa lối sống xanh

Lối sống xanh không còn là câu chuyện mới mẻ mà đang ngày càng lan tỏa, được nhiều người dân hướng đến, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.

Những hành động đẹp

Sáng thứ Bảy, chúng tôi đến phường Phước Long (TP. Nha Trang) đúng dịp Tổ dân phố 1 Phước Trung đang ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường khu dân cư để chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Mỗi người một việc, người cắt tỉa cây, quét rác, nhổ cỏ, người tẩy xóa bảng quảng cáo, rao vặt… Chỉ chưa đầy 1 giờ, các tuyến đường, khu phố đã trở nên gọn gàng, sạch đẹp hơn. Ông Trần Văn Cao - người dân Tổ dân phố 1 Phước Trung chia sẻ: “Từ khi Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các mô hình “Tuyến đường hoa”, “Tuyến đường an toàn - sáng - xanh - sạch - đẹp”…, người dân ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường. Ngoài việc đồng loạt ra quân dọn vệ sinh môi trường, chăm sóc cây vào cuối tuần, hàng ngày, người dân đi tập thể dục qua thấy cỏ, rác cũng tự giác thu gom... Thấy vậy, trẻ nhỏ trong khu phố không còn vứt rác bừa bãi, giữ gìn khu phố sạch đẹp”.

Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Lương 1 thu gom vỏ lon, chai nhựa bỏ vào điểm tập kết tại trường.

Đến xã Vĩnh Lương (Nha Trang), nhiều người xuýt xoa trước vẻ đẹp của những cây hoa hoàng yến, nguyệt quế, hoa giấy được trồng hai bên các tuyến đường đang đua nhau khoe sắc làm cho bức tranh làng quê thêm sinh động. Bà Chu Thị Phương Nga - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Vĩnh Lương cho biết, từ khi thực hiện mô hình “Tuyến đường hoa”, người dân thường ra quân dọn dẹp, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, trồng thêm cây hoa vào những chỗ đất còn trống. Cứ thế, mỗi ngày, các tuyến đường hoa trên địa bàn xã càng trở nên dài thêm và sạch đẹp hơn. Khi đường làng sạch đẹp, người dân không còn bỏ rác bừa bãi hay chăn thả gia súc ven đường như trước. Ngoài mô hình “Tuyến đường hoa”, địa phương còn có nhiều mô hình tự quản khác, như: “Vận động nhân dân nhặt rác trước khi xuống tắm biển”, “Túi lưới thu gom rác thải trên tàu cá cho ngư dân”, “Chung tay bảo vệ môi trường thu gom vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy… gây quỹ vì người nghèo”… Hiện nay, các mô hình không chỉ lan tỏa trong khu dân cư mà còn được học sinh các trường trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng. Qua đó tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, học sinh trong việc chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh…

Mặt trận xã Vĩnh Lương thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng thu gom rác thải tại bờ biển.

Thay đổi thói quen từ nếp nhà

Gần 5 năm nay, hình ảnh những người nội trợ ở xã Ninh Trung (thị xã Ninh Hòa) xách chiếc giỏ nhựa đi chợ đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Từ bỏ thói quen dùng túi ni-lông để đựng thực phẩm mỗi lần đi chợ không phải là việc dễ dàng. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn xã đã có hơn 50% phụ nữ hưởng ứng tích cực, trở thành hành động đẹp trong việc góp phần bảo vệ môi trường. Đó là thành quả của việc thực hiện mô hình “Tiểu thương chợ Ninh Trung nói không với rác thải nhựa dùng một lần” do Hội Phụ nữ xã triển khai từ năm 2019 đến nay. Bà Vũ Thị Hoa - thôn Quảng Cư (xã Ninh Trung) chia sẻ: “Chúng tôi được hội tuyên truyền việc giảm rác thải nhựa dùng một lần nên đã quen dần việc xách giỏ nhựa đi chợ. Trung bình, mỗi phiên chợ mua 5 - 7 món, nếu không dùng giỏ đựng thì mỗi món thường bỏ một túi ni-lông. Như vậy, trung bình một người nội trợ thải ra môi trường ít nhất hơn 100 túi ni-lông/tháng sẽ gây ra hệ lụy rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc sử dụng giỏ nhựa đi chợ đựng thực phẩm là việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, lại góp phần bảo vệ môi trường”. Từ khi thực hiện mô hình, các tiểu thương ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng rác thải nhựa dùng một lần bằng những việc nhỏ nhất, như: Chuẩn bị lá chuối, lá sen, giấy, báo để gói thực phẩm cho khách hàng; chuyển từ dùng túi ni-lông sang túi tự hủy…

Hội Phụ nữ xã Ninh Trung phát động phong trào phụ nữ xách giỏ đi chợ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ninh Trung cho biết, ngoài sử dụng giỏ nhựa đi chợ, các hộ dân còn tự phân loại, xử lý rác thải tại nhà. Theo đó, rác hữu cơ làm phân bón cho cây trồng; các loại tái sử dụng được bỏ vào “Ngôi nhà xanh” của hội để bán lấy kinh phí hỗ trợ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; chỉ còn lại lượng nhỏ rác vô cơ mang ra điểm tập kết chung đưa đi xử lý. Mô hình “Ngôi nhà xanh” của hội đang phát huy hiệu quả tích cực. Hiện nay, không chỉ hội viên phụ nữ mà nhiều người dân, học sinh, các hàng quán… cũng chủ động thu gom lon nước, chai nhựa bỏ vào “Ngôi nhà xanh”. Trung bình mỗi năm, hội thu được khoảng 3 triệu đồng từ việc bán phế liệu.

Từ năm 2022 đến nay, bên hiên nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hòa (thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh) đặt 2 thùng rác màu vàng ngay ngắn. Theo đó, các loại rác hữu cơ được dùng làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân bón cho cây trồng; một thùng bỏ các loại rác khó phân hủy để đưa ra bãi tập kết chung xử lý, thùng còn lại bỏ các loại rác tái sử dụng để bán phế liệu. Bà Hòa cho biết: “Thực hiện mô hình “Phân loại rác thải tại nhà” do Mặt trận phát động, gia đình đã hạn chế lượng lớn rác thải ra môi trường. Mỗi người tự giác thực hiện sẽ góp phần bảo vệ môi trường”. Mô hình “Phân loại rác thải tại nhà” được Mặt trận thôn Lạc Lợi triển khai từ năm 2022, ban đầu có 50 hộ dân tham gia, đến nay đã nhân rộng thành 100 hộ trong thôn và 50 hộ tại thôn Bình Khánh (xã Diên Hòa). Tại xã Diên Thọ (Diên Khánh), mô hình “Phân loại và xử lý rác thải tại nhà” được người dân trên địa bàn hưởng ứng và trở thành mô hình điểm của huyện. Ngoài ra, địa phương còn nhân rộng các mô hình, như: “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”; “Tuyến đường hoa”; “Thắp sáng đường quê”… mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp.

CẨM VÂN - THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2024/202402/lan-toaloi-song-xanh-70e0139/