Làn sóng phá sản của doanh nghiệp Mỹ tăng tốc

Tốc độ phá sản doanh nghiệp ở Mỹ đang tăng lên trong những tuần gần đây, với những cái tên đáng chú ý như Công ty truyền thông Vice Media, chuỗi bán lẻ nội thất Bed Bath & Beyond đều gục ngã do nợ lớn nhưng kinh doanh bết bát.

Làn sóng doanh nghiệp Mỹ phá sản có thể mạnh hơn trong thời gian tới do tác động trễ của lãi suất cao hơn. Giới chuyên gia cảnh báo “sóng thần phá sản” doanh nghiệp sẽ ập đến nếu nước Mỹ vỡ nợ trong thời gian dài trong kịch bản không đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công.

Một cửa hàng của chuỗi bán lẻ nội thất Bed Bath & Beyond ở Hawthorne, bang California, Mỹ thông báo đóng cửa hồi đầu tháng 5. Nhà bán lẻ này nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 4. Ảnh: Getty

Nợ nần lớn, kinh doanh sa sút dẫn đến phá sản

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 4, có 236 doanh nghiệp lớn nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu của S&P Global. Nếu tính tất cả các loại hình doanh nghiệp, có tổng cộng 16.200 vụ nộp đơn phá sản ở Mỹ trong quí đầu tiên, tăng so với con số 12.200 của quí 1-2022. Nhìn chung, số doanh nghiệp Mỹ phá sản trong những tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn so với các tiêu chuẩn lịch sử nhưng đang có dấu hiệu tăng tốc.

Trong hai ngày hồi giữa tháng 5, có đến 7 doanh nghiệp lớn nộp đơn phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ. Đây là con số phá sản cao nhất của doanh nghiệp có khoản nợ ít nhất 50 triệu đô la trong vòng 48 tiếng đồng hồ kể từ năm 2008, theo dữ liệu của Bloomberg. Bảy doanh nghiệp này bao gồm Vice Media, Envision Healthcare, Monitronics International, Venator Materials, Cox Operating, Kidde-Fenwal và Athenex.

Đối với Vice Media, việc nộp đơn xin phá sản đánh dấu sự sa sút nghiêm trọng từ vị thế là ngôi sao truyền thông trong kỷ nguyên số hóa. Năm 2017, Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân TPG rót khoản đầu tư 450 triệu đô la vào Vice Media dựa trên mức định giá 5,7 tỉ đô la, một con số đáng kinh ngạc đối với một công ty thành lập chưa lâu. Báo chí đang trở thành một mục tiêu dễ dàng cho các kế hoạch cắt giảm chi phí của các nhà quảng cáo trong một nền kinh tế không chắc chắn.

Theo James Gellert, CEO của Rapid Ratings International, một công ty đánh giá sức khỏe tài chính của các công ty đại chúng và tư nhân, những doanh nghiệp này đều có những điểm yếu giống nhau. “Các vấn đề lớn là họ chất lượng hoạt động xuống cấp và các khoản nợ không bền vững. Đó là công thức phá sản ở thị trường này”, ông nói.

Gellert cho biết bán lẻ là một trong những lĩnh vực kinh doanh chịu tổn thương nặng nề nhất trong môi trường kinh tế hiện nay vì họ dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong hoạt động mua hàng của người tiêu dùng. Party City, Tuesday Morning, David’s Brida và Bed Bath & Beyond nằm trong những nhà bán lẻ nộp đơn xin phá sản trong năm nay. Ở thời kỳ đỉnh cao vào thập niên 2010, Bed Bath & Beyond có gần 1.500 cửa hàng trên toàn quốc, bán mọi thứ từ khăn trải giường đến pít tông thông bồn cầu. Hồ sơ phá sản cho thấy nhà bán lẻ này có tổng nợ 5,2 tỉ đô la trên tài sản chỉ 4,4 tỉ đô la.

Giới phân tích nhận định các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán yếu có thể tiếp tục chịu tổn thương trong suốt năm tới. Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s dự báo, tốc độ vỡ nợ của doanh nghiệp có chất lượng tín dụng thấp sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2024, trước khi giảm xuống nhờ tăng trưởng kinh tế cải thiện.

Gellert nói: “Người tiêu dùng sẽ chứng kiến một số thương hiệu không thể duy trì hoạt động kinh doanh hoặc phải thay đổi mô hình kinh doanh”. Ông dự đoán các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng có lượng khách hàng trung thành lớn sẽ ứng phó bất ổn vĩ mô tốt hơn những doanh nghiệp khác.

Ngấm “đòn” lãi suất

Chiến dịch tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là nguyên nhân lớn dẫn đến doanh nghiệp tăng tốc phá sản. Khi Fed tăng lãi suất, các công ty có tình hình tài chính kém ổn định hơn đối mặt với tác động bất lợi của tình trạng thắt chặt tín dụng, một tình huống kinh tế trong đó các ngân hàng thắt chặt các điều kiện cho vay. Những công ty này sẽ phải chật vật để có được các khoản vay. Và ngay cả vay được, họ sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Các công ty trong mọi lĩnh vực đang đau đầu với chi phí lãi suất cao hơn, khiến việc bán trái phiếu để huy động vốn mới trở nên khó khăn hơn giữa lúc giới đầu tư và chủ nợ giám sát họ chặt chẽ hơn.

Bất chấp việc Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, nỗi đau vẫn chưa kết thúc đối với các công ty đang ngập trong nợ nần. Paul Hickey, người đồng sáng lập Công ty đầu tư Bespoke Investment Group, cảnh báo các tác động trễ của lãi suất cao hơn đối với bảng cân đối kế toán của các công ty. Vì vậy, ông cho rằng các vụ phá sản sẽ còn xuất hiện nhiều hơn trong những tháng tới.

“Nếu nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, bạn thấy thị trường chạm đáy vào tháng 3-2009 nhưng các vụ phá sản tiếp tục diễn ra tong suốt năm đó, ngay cả khi thị trường hoạt động tốt hơn”, Hickey nói.

Theo nhóm phân tích của S&P Global, kỷ nguyên lãi suất thấp và các chương trình hỗ trợ của chính phủ trong thời kỳ đã giúp nhiều doanh nghiệp yếu kém trụ lại. Nhưng giờ đây, họ không còn nhiều thời gian để xoay chuyển tình hình khó khăn khi lãi suất tăng cao và các chương trình hỗ trợ phần lớn đã hết hạn.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, cho biết tình hình sẽ tồi tệ hơn nếu chính phủ và quốc hội Mỹ không đạt được thỏa thuận tăng trần nợ công để tránh vỡ nợ trong những tuần tới. Ông nhận định, ngay cả chính phủ Mỹ không trả nợ đúng hạn thời gian ngắn, điều này cũng sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

“Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải vật lộn với doanh số bán hàng yếu hơn. Họ có thể sẽ không thể vay được thêm tiền. Vì vậy, rất nhanh chóng, họ sẽ cạn kiệt tiền mặt và phải đưa ra một số lựa chọn khá khó khăn như sa thải nhân viên, cắt giảm đầu tư và cuối cùng là phá sản”. Ông cảnh báo bất kỳ tình trạng vỡ nợ kéo dài nào của chính phủ Mỹ cũng sẽ là “thảm họa” và kích hoạt “cơn sóng thần phá sản”.

Theo CNN, Bloomberg, Washington Post

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-pha-san-cua-doanh-nghiep-my-tang-toc/