Làn sóng bán tháo cổ phiếu được kích hoạt trước tin Country Garden lỗ lớn

Các thị trường hoảng loạn và cộng đồng mạng tràn ngập các bình luận giận dữ sau khi đón nhận thông tin về mức thua lỗ dự kiến trong nửa đầu năm lên đến 7,6 tỉ đô la Mỹ của Country Garden, tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

Logo của Country Garden trên một tòa nhà ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Logo của Country Garden trên một tòa nhà ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Country Garden được coi là tiêu chuẩn vàng trong thị trường nhà đất ngày càng lung lay của Trung Quốc. Khi Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn công bố hạn mức tín dụng trị giá 50 tỉ nhân dân tệ (7 tỉ đô la) dành cho Country Garden vào tháng 11 năm ngoái, có vẻ như công ty xây dựng nhà tư nhân lớn nhất Trung Quốc sẽ sống sót sau cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn ngành.

Nhưng hiện tại, các nhà đầu tư đang xem Country Garden, nhà phát triển bất động sản lớn cuối cùng của Trung Quốc tránh vỡ nợ, như một quả bom hẹn giờ.

Country Garden đã ám chỉ về những khó khăn tài chính trong nhiều tuần qua. Vào tối 10-8, Country Garden, có trụ sở tại TP. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, thẳng thắn hơn khi thừa nhận đang gặp khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập. Tập đoàn dự kiến sẽ lỗ tới 7,6 tỉ đô la trong sáu tháng đầu năm nay.

Country Garden cho biết đã đánh giá thấp cường độ và thời gian suy thoái của thị trường, và không có đủ cái nhìn sâu sắc về những thay đổi đáng kể trong cung và cầu trên thị trường bất động sản.

Tiết lộ này cho thấy những khó khăn tài chính lớn mà Country Garden, công ty xây dựng hàng trăm nghìn ngôi nhà hàng năm trên khắp Trung Quốc, đang đối mặt.

Country Garden, sử dụng khoảng 300.000 lao động, có khoản nợ khổng lồ 194 tỉ đô la Mỹ, chẳng kém nhiều so với đối thủ Evergrande, tập đoàn bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.

Giá phiếu của Country Garden, giao dịch tại Hồng Kông, lao dốc trong phiên giao dịch hôm 11-8. Cổ phiếu của tập đoàn đang giao dịch chưa ở mức gần một đô la Hồng Kông, tương đương khoảng 13 cent (0,13 đô la Mỹ), rơi vào nhóm cổ phiếu penny.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu Country Garden ban đầu được kích hoạt bởi thông tin tập đoàn này bỏ lỡ thời hạn khoản thanh toán lãi coupon trái phiếu trị giá 22 triệu đô la vào đầu tuần này. Đây chỉ là khoản tiền nhỏ đáng kể so với các khoản nợ khổng lồ của tập đoàn.

Country Garden có thời gian ân hạn 30 ngày cho các khoản thanh toán bị bỏ lỡ. Dù vậy, giới đầu tư đang lo ngại về viễn cảnh vỡ nợ vì tập đoàn đối mặt với hơn 9 tỉ nhân dân tệ (1,25 tỉ đô la) trong tổng số nghĩa vụ thanh toán trái phiếu trong nước chỉ riêng trong tháng 9.

Trang tin Yicai Global của Trung Quốc dẫn các nguồn thạo tin cho hay. Country Garden đã thuê Công ty dịch vụ tài chính và quản lý đầu tư China International Capital Corporation làm như tư vấn tài chính để dẫn dắt kế hoạch tái cấu trúc.

Tâm lý bi quan không chỉ giới hạn ở thị trường chứng khoán. Các cư dân mạng ở Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận và sốc trước tin xấu về thị trường nhà ở của Trung Quốc. Nhiều người gợi lại ký ức đau đớn về một người khổng lồ bất động sản khác, China Evergrande, vỡ nợ hai năm trước, đánh dấu sự khởi đầu của “đám cháy” khủng hoảng nợ lan rộng trong lĩnh vực bất động sản.

“Thêm một đại gia bất động sản sắp sụp đổ. Evergrande đã sụp đổ, Country Garden sẽ nối gót?” Guo Guosong, một cựu nhà báo, bình luận trên mạng xã hội.

Những người khác bắt đầu bình luân rôm rả vào đầu giờ chiều 11-8, khi hơn 100 triệu người xem các bình luận dưới thẻ hashtag “Evergrande vỡ nợ”.

Trong nhiều năm, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã vay những khoản tiền khổng lồ để mở rộng các dự án ra khắp các thành phố trên đất nước. Họ bán căn hộ trước khi chúng được hoàn thành. Đồng thời, các CEO của họ gia nhập hàng ngũ những tỉ phú giàu nhất châu Á. Cú sụp ngã của Evergrande vào năm 2021 kéo theo loạt vụ sụp đổ tương tự trong lĩnh vực bất động sản, khiến hàng triệu người mua nhà lo lắng về những căn hộ chưa hoàn thành.

“Những ông trùm bất động sản này kiếm được rất nhiều tiền, nhưng công ty của họ ở trong tình trạng hỗn loạn. Tiền chảy vào túi họ và còn mớ hỗn độn do họ tạo ra được giao cho chính phủ xử lý”, Sun Guoyu, Chủ tịch Công ty Shenzhen Neteye Holdings, viết trên mạng xã hội.

Ông cho biết thêm: “Các vấn đề của ngành bất động sản mang tính hệ thống nhưng người dân đang phải trả giá”.

Sự tức giận dồn nén của công chúng đối với lĩnh vực nhà ở của Trung Quốc đã tích lũy trong nhiều năm và đôi khi bộc phát thành những cuộc biểu tình trên đường phố. Nhưng số phận của Country Garden, một trong những người khổng lồ bất động sản cuối cùng còn trụ vững của đất nước và là một công ty từng được coi là có trách nhiệm hơn, là nguyên nhân gây ra làn sóng phẫn nộ của cộng đồng mạng hôm 11-8.

Một số cư dân mạng thắc mắc: Điều gì đã xảy ra với số tiền khổng lồ mà người mua nhà đã trả cho các nhà phát triển bất động sản, vì có quá ít căn hộ được hoàn thiện?

Giống như nhiều nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc, Country Garden chủ yếu dựa vào số tiền khách hàng trả trước khi căn hộ của họ được hoàn thành. Doanh thu bán hàng trước này đóng vai trò là một nguồn tài trợ quan trọng. Số tiền thu được sau đó được đầu tư vào các dự án mới. Vào tháng 7 năm nay, doanh số bán hàng của Country Garden giảm chỉ còn 40% so với mức của cùng kỳ năm ngoái. Doanh số đã giảm trong bốn tháng liên tiếp, làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng tiền mặt của Country Garden/

Mark Williams, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Capital Economics, cho biết. người mua nhà đang “tránh xa tất cả các nhà phát triển tư nhân để ủng hộ các nhà phát triển bất động sản của nhà nước”.

Theo dữ liệu giao dịch bất động sản của Trung Quốc, 50 nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất đạt tổng cộng 4 nghìn tỉ nhân dân tệ doanh số bán hàng vào năm 2021, nhưng con số đó giảm chỉ còn 1.000 tỉ nhân dân tệ trong năm nay.

Việc Country Garden trên bờ vực sụp đổ đã khiến các nhà kinh tế học và những người theo dõi thị trường cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã mất kiểm soát tình hình, ngay cả sau khi cam kết thúc đẩy thị trường nhà ở.

An Guanglu, một cư dân mạng ở tỉnh Thiểm Tây, viết: “Mùa đông khắc nghiệt của ngành bất động sản đã đến. Hãy xem ai có thể sống sót”.

Theo New York Times, Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/lan-song-ban-thao-co-phieu-duoc-kich-hoat-truoc-tin-country-garden-lo-lon/