Làn gió mới từ cách làm mới

NSƯT Hữu Châu cùng Sân khấu kịch Hồng Vân vừa tổ chức đêm thi diễn Nghe tôi kể về sử nước tôi. Đêm thi diễn tốt nghiệp đặc biệt của các học viên lớp diễn viên chuyên sâu 1 đã đón nhận thật nhiều những tràng pháo tay cổ vũ rất nồng nhiệt từ khán giả, trong đó có rất đông những người trẻ yêu thích sân khấu kịch nói.

Các bạn trẻ đã lần lượt thể hiện các trích đoạn về những nhân vật lịch sử danh tiếng: Lý Thường Kiệt, Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Bùi Thị Xuân, Đặng Thị Huệ… Bên cạnh đó, các bạn còn tái hiện những nhân vật lịch sử như: Võ Tánh, Đỗ Anh Vũ, Trần Liễu, Trịnh Giang… Đêm diễn tạo nên nhiều xúc cảm cho người xem, bản thân các nghệ sĩ trẻ khi thể hiện các nhân vật lịch sử cũng xúc động rưng rưng khi ngoài hoàn thành tốt từng vai diễn, các bạn có thêm nhiều kiến thức về những nhân vật lịch sử mình thể hiện.

Sau khi được tuyển chọn đầu vào và trải qua một năm rưỡi học tập nâng cao về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, vũ đạo, hình thể… các học viên lớp nâng cao chuyên sâu 1 phải tự chuẩn bị bài thi tốt nghiệp theo cách làm mới của NSƯT Hữu Châu, giảng viên phụ trách giảng dạy kỹ thuật biểu diễn và tiếng nói sân khấu. Theo đó, học viên phải tự tìm hiểu sử Việt qua tài liệu, sách vở, internet, sau đó tự chọn một nhân vật lịch sử, tự viết thành một tiết mục trình diễn độc thoại hoàn chỉnh, đáp ứng sự chính xác về lịch sử cũng như phù hợp để trình diễn sân khấu.

Với cách làm này, để có được một bài thi diễn hoàn chỉnh, bắt buộc các học viên trẻ phải nghiên cứu kỹ các nhân vật lịch sử. Có thể thấy, đây là một mô hình đào tạo, thi diễn nghệ thuật sân khấu mang tính trao truyền sự quan tâm và tình yêu sử Việt rất mạnh mẽ cho người trẻ - những nhân tố mới của sân khấu kịch nói tương lai.

Lâu nay, các sân khấu đào tạo diễn viên trẻ chưa quan tâm nhiều về những vai diễn liên quan đến nhân vật lịch sử dân tộc, cũng chưa tạo nhiều điều kiện, cơ hội để các bạn trẻ đang theo học diễn viên, người làm văn hóa nghệ thuật chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử và các vấn đề văn học nghệ thuật nước nhà. Thế nên, mô hình đào tạo và rèn giũa nghề cho người trẻ như một làn gió mới, mang nhiều ý nghĩa, giá trị trong công tác đào tạo nghệ thuật. Từ đó, khuyến khích những người trẻ đang theo đuổi con đường nghệ thuật cũng như với người làm sân khấu chú trọng hơn đến các đề tài lịch sử dân tộc; trách nhiệm hơn trong việc lan tỏa tình yêu đất nước, lịch sử trong đời sống văn hóa cộng đồng, đặc biệt là với khán giả thế hệ mới.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lan-gio-moi-tu-cach-lam-moi-post737632.html