Làn gió mới đến với đồng bào các dân tộc

BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có nền văn hóa vùng, miền phong phú, đa dạng; là nơi cư trú của 19 dân tộc. Những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, KT-XH nói chung, trình độ dân trí nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn rất nhiều hạn chế, các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được xác định là những nguyên nhân dẫn đến Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước.

Trước thực trạng đó, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27) và Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10/5/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Chỉ thị 09). BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy xác định nhiệm vụ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Gìn giữ, , bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống gắn với triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Học sinh Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần giữ gìn và phát huy nghề thêu, may truyền thống.

Đến nay, qua hơn 2 năm rưỡi thực hiện, Nghị quyết 27, Chỉ thị số 09 đã thực sự đi vào cuộc sống và được nhân dân hưởng ứng. Các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội… dần được loại bỏ trong đời sống của nhân dân các dân tộc, tạo không khí vui tươi, tích cực trên khắp các bản làng, ngõ xóm.

Thực hiện theo Nghị quyết 27, Chỉ thị số 09, các lễ cưới, hỏi dần được thực hiện theo nếp sống văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Tình trạng ăn uống linh đình, phô trương hình thức, mời cỗ tràn lan đã giảm nhiều; các nghi thức trong cưới, hỏi của các dân tộc như: Dạm ngõ, ăn hỏi, xin dâu, lại mặt, đăng ký kết hôn… đã được đơn giản hóa, không rườm rà, không nặng về lễ vật; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Tại một số địa phương đã có những cách làm hay, như nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình Việt Nam huyện Đồng Văn đã vận động đăng ký kết hôn tập thể cho nhiều cặp vợ chồng; thành phố Hà Giang tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết tổ chức lễ cưới vào ngày nghỉ.

Các đám tang có nhiều thay đổi tích cực, tổ chức không quá 48 giờ; giết mổ ít hoặc không giết mổ gia súc; một số nghi thức trong đám tang đã được cắt giảm, cải tiến. Tại địa bàn thành phố Hà Giang và một số huyện vùng thấp hầu như không còn việc đi viếng đám tang bằng vòng hoa, bức trướng, tình trạng rải vàng mã, tiền VNĐ xuống lòng đường đã giảm hẳn.

Các lễ hội được tổ chức dưới sự quản lý, hướng dẫn của chính quyền, các cơ quan chức năng, đảm bảo thực hiện theo nếp sống văn minh, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống, chủ yếu là lễ hội dân gian và một số lễ hội tổ chức nhằm quảng bá về phong cảnh, văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. Các nghi thức mang tính hủ tục, rườm rà, kéo dài trong lễ hội được cắt giảm; các hoạt động có tính vụ lợi bị xóa bỏ.

Người dân thông Táo Thượng, xã Bản Ngò (Xín Mần) gìn giữ và phát huy nghề đánh bóng thổ cẩm truyền thống của dân tộc Nùng.

Trong đời sống sinh hoạt của nhân dân, các cấp, ngành đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh gắn với cuộc vận động xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Tập trung vào các nội dung như: Tập hợp, vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang đô thị; phòng, chống cháy nổ, các tai, tệ nạn xã hội, không thực hành các hoạt động mê tín dị đoan; tích cực lao động sản xuất; năng động, sáng tạo trong kinh doanh để làm giàu chính đáng; phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết cộng đồng...

Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện Nghị quyết 27 và Chỉ thị số 09, các cấp, ngành đã tích cực triển khai thực hiện; một số huyện, thành phố, cơ quan, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả phù hợp với từng địa bàn cơ sở, từng dân tộc; thay đổi nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh được gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình trọng tâm của tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức của nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân.

Tại các thôn, xã, Nghị quyết 27 và Chỉ thị 09 như “làn gió mới” đem sự vui tươi, không khí tích cực đến với người dân. Đến các thôn Na Chăn, xã Nấm Dẩn; Táo Thượng xã Bản Ngò, huyện Xín Mần; thôn biên giới Pố Lồ, xã Pố Pồ, huyện Hoàng Su Phì, các Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín đều vui mừng và coi Nghị quyết số 27 và Chỉ thị số 09 như “cẩm nang” để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở mỗi vùng quê.

Bí thư Đảng ủy xã Pố Lồ Phượng Chà Nu, cho biết: Thôn có 73 hộ, 343 nhân khẩu, 100% là dân tộc Nùng; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%; chi bộ thôn có 19 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết 27, Chỉ thị số 09, Ban chi ủy, đảng viên trong thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời gương mẫu đi đầu thực hiện và vận động người thân thực hiện, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Các hủ tục dần được loại bỏ, như: Lễ ăn hỏi nhiều lần, thách cưới cao; số ngày người chết để trong nhà, số lượng giết mổ gia súc, số ngày kiêng kỵ khi tổ chức lễ cúng rừng… Nhân dân trong thôn đã tích cực hưởng ứng việc đưa truồng trại gia súc ra xa nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường; người ốm được đưa đi bệnh viện; không còn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Ông Ly Văn Chương, Trưởng thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, cho biết: Trước khi có Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27, tác hại, hệ lụy mà các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đối với đồng bào là khá lớn. Không chỉ gây lãng phí, tốn kém tiền bạc của nhân dân mà còn mang bầu không khí ảm đạm; nó như một vòng luẩn quẩn không lối thoát từ năm này qua năm khác với những hủ tục như cúng bái, cỗ bàn, rượu, thịt… từ đó dẫn đến đói, nghèo. Từ khi có Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27, chi bộ, người có uy tín luôn tuyên truyền, vận động nên bà con trong thôn rất đồng thuận, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đặc biệt là việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu.

Có thể khẳng định, Chỉ thị số 09, Nghị quyết số 27 đã đi vào cuộc sống và đạt được kết quả to lớn. Hiện cấp ủy, chính quyền các cấp đang kiên trì thực hiện thường xuyên, liên tục; đồng thời xác định xây dựng văn hóa con người Hà Giang đậm đà bản sắc cũng là góp phần rất lớn vào việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào nhân dân các dân tộc Hà Giang.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202401/lan-gio-moi-den-voi-dong-bao-cac-dan-toc-d3a6b20/