Làm theo lời Bác

Tôi đã nhiều lần ngược xuôi trên huyện vùng cao Bắc Hà, gặp nhiều người từ nơi thuận lợi đến nơi khó khăn, từ các cụ cao niên đến những em nhỏ, khi nhắc đến Hồ Chủ tịch, họ đều thể hiện niềm kính trọng vô bờ, sự biết ơn lớn lao. Chính những cảm xúc thiêng liêng ấy đã giúp họ nghĩ tốt, sống đẹp, có thêm nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua học tập, lao động, sản xuất. Họ như những bông hoa đẹp góp thêm sắc, thêm hương cho vườn hoa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nơi 'cao nguyên trắng'.

Thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét (Bắc Hà) ngày càng khang trang.

Thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét (Bắc Hà) ngày càng khang trang.

Nông dân Việt Nam xuất sắc

Anh Triệu A Sơn, Trưởng thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét đã nổi tiếng khắp các vùng trồng quế trong tỉnh bởi mô hình quế “vạn người mơ” với 12 ha quế từ 7 đến 20 năm tuổi. Theo giá thị trường, 1 ha quế khoảng 10 năm tuổi có thể cho thu 500 - 700 triệu đồng thì anh Sơn đang sở hữu cả chục tỷ đồng. Cuối năm 2021, anh Sơn là đại diện duy nhất của tỉnh vinh dự được bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc.

Tuy nhiên, có được thành công hôm nay là bao khó khăn của mấy mươi năm trước, là câu chuyện mà anh Sơn vẫn kể cho các con nghe như lời nhắc về sự vượt khó vươn lên.

Trong hành trình phát triển của quê hương, anh Sơn là một trong số ít người tiên phong trong việc tìm hiểu, đưa mô hình kinh tế mới về địa phương. Từ thành công của “lá cờ” tiên phong, nhà nhà học và làm theo, để đến bây giờ, khi đã nổi danh là “đất quế”, người ta vẫn nhắc đến Bản Lắp với các tên: Vùng nuôi trâu (những năm 1990), vùng trồng sắn cao sản (những năm 1992 - 1993) và vùng trồng mía (những năm 2000). “Tuy nhiên, thành công nhất trong phát triển kinh tế của gia đình cũng như quê hương vẫn là cây quế…” - anh Sơn khẳng định chắc nịch.

Nhớ lại hơn 30 năm trước, nơi đây được coi là “khỉ ho, cò gáy”, gian khó trăm bề. Người dân quanh năm quẩn quanh với trồng cấy lúa, ngô giống địa phương năng suất thấp, nên đói nghèo cứ đeo bám. Năm 1990, anh Sơn lập gia đình và được bố mẹ cho ở riêng với vài mảnh đồi bỏ hoang cộng với túp lều dựng tạm bên nương. Khai hoang được chừng 1 ha đất đồi, gia đình anh Sơn đánh liều đưa cây quế vào trồng. Gọi là liều vì khi đó ở thôn Bản Lắp nói riêng, xã Nậm Đét nói chung chẳng có mấy người trồng quế. Anh đi mua hạt quế giống về gieo như gieo mạ. Khi cây quế được 1 năm tuổi, lựa lúc trời mưa, vợ chồng anh mới đi nhổ từng cây giống mang lên đồi trồng. Kinh nghiệm với loại cây mới không có, anh trồng theo kiểu trồng ngô truyền thống, lấy que chọc lỗ rồi ấn cây giống xuống, chứ không làm bầu trồng như bây giờ.

Anh Sơn tâm sự: Cũng bởi trồng không đúng kỹ thuật nên quế sinh trưởng chậm, sau gần 3 năm mà cây quế cao chưa đầy 1 m. Nhìn đồi quế chậm phát triển, tôi cũng thấy lo ngại.

Tuy nhiên, đã quyết chí là phải làm đến cùng, anh vừa làm vừa học hỏi, tích cực làm cỏ, vun gốc, bón phân. Đến năm 1998, gia đình anh có thu nhập từ quế. Khi cây quế cho thu nhập cũng là lúc anh tính đến chuyện nhân rộng diện tích quế của gia đình. Mỗi năm, anh trồng thêm khoảng 1 ha quế. Thay vì trồng theo kiểu truyền thống như trước, từ năm 2000, anh đã biết ươm hạt giống trong bầu, sau đó mới đem trồng.

Từ thành công của gia đình Trưởng thôn Sơn, người dân trong thôn đã chuyển đổi các diện tích đất hoang, đất đồi bạc màu sang trồng quế. Đến nay, Bản Lắp là một trong những thôn có diện tích quế lớn nhất xã Nậm Đét, với hơn 500 ha, trong đó 400 ha đang cho thu hoạch. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, xây dựng nhà kiên cố, mua ô tô và nhiều đồ dùng tiện ích khác.

Cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, giúp các hộ trong thôn vươn lên thoát nghèo, anh Sơn còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, mở đường, đóng góp tiền, công đổ bê tông đường trục thôn, nhà văn hóa. Gia đình anh Sơn đã chặt hơn 1.200 cây quế được gần 10 năm tuổi, hiến hơn 100 m2 đất để mở mới đường vào thôn…

Xã viên Hợp tác xã Rau bản địa Dì Thàng, xã Na Hối (Bắc Hà) chia sẻ kinh nghiệm trồng rau an toàn.

Xã viên Hợp tác xã Rau bản địa Dì Thàng, xã Na Hối (Bắc Hà) chia sẻ kinh nghiệm trồng rau an toàn.

Xây dựng thôn hạnh phúc

Nằm ven Tỉnh lộ 153, cách trung tâm thị trấn Bắc Hà 3 km là thôn Km3, xã Na Hối. Thôn gây cho người đi đường sự tò mò bởi bên cạnh những ngôi nhà xây theo lối hiện đại là những ngôi nhà gỗ truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ với kết cấu nhà ngang, 3 gian, 2 chái. Hỏi ra thì được biết, người dân trong thôn vốn là người Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi lên đây theo chương trình xây dựng vùng kinh tế mới.

Bà Vũ Thị Điếm vốn người huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Năm 1978, bà cùng một số người ở quê tham gia đoàn của tỉnh lên làm công nhân Nông trường Dược liệu Bắc Hà. Bà nhớ lại: Đường đến Bắc Hà ngày ấy toàn đá hộc, cheo leo lưng núi, có những đoạn phải bám vào đuôi ngựa mà đi. Vùng đất mới toàn “rừng thiêng, nước độc”, nên việc thích nghi đối với những người miền xuôi không dễ dàng. Tuy nhiên, nhớ lời Bác dạy, không được từ khổ, từ nan, chúng tôi đã cùng chung sức xây dựng quê hương mới.

Năm 1991, Nông trường Dược liệu Bắc Hà giải thể. Một số công nhân chuyển sang ngành nghề phù hợp, còn phần lớn công nhân như bà Điếm về “hưu non” và được cấp gần 1 sào đất của nông trường nằm ven Tỉnh lộ 153 làm lưng vốn.

Thôn Km3 nằm bám theo mặt đường. Đất đai sản xuất chật hẹp do nằm giữa những núi đá cao, lại thêm khí hậu phần lớn trong năm là mưa mù, ẩm ướt nên thời gian đầu “cắt đất” ra ở riêng, các công nhân nông trường rất vất vả kiếm kế sinh nhai. Cũng cần mẫn sớm hôm với cây ngô, cây lúa rồi sau này là giống mận Tam hoa nức tiếng của Bắc Hà, tuy nhiên người dân thu về chẳng là bao, bởi khi thì gặp cảnh nông sản ế thừa, mất giá, khi lại gặp cảnh mất mùa.

Ông Trần Đắc Phú, Bí thư Chi bộ thôn Km3 nãy giờ vẫn ngồi kế bên, giọng trầm ngâm: Có đoạn, vì kinh tế khó khăn, không tìm được hướng phát triển, nhiều người bỏ “vùng kinh tế mới” về quê. Chúng tôi là số ít người ở lại, họp bàn tìm cách phát triển kinh tế cho gia đình và làng xóm, quyết không từ nan.

Từ những năm 2004, 2005 trở đi, khi giao thông được nâng cấp, đưa khách du lịch muôn phương đến với Bắc Hà, nối liền những chuyến hàng ngược xuôi, nhận thấy nhu cầu thị trường rất lớn về các loại rau bản địa, người dân thôn Km3 chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng rau bản địa như cải xòe lấy mầm, cải mèo, cải kale, khởi tử, su su… Nhà ít 1 - 2 sào rau, nhà nhiều gần nửa ha. Với kỹ thuật làm nông, sự cần mẫn vốn có của những người vùng đồng bằng Bắc Bộ, lại thêm khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng nên rau của thôn Km3 dần có tiếng, được thương lái, du khách tìm mua. Năm 2008, để liên kết thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời tạo nhãn hiệu rau cho vùng, các hộ đã cùng thành lập Hợp tác xã Rau bản địa Dì Thàng.

Là sản phẩm rau đặc hữu, sản xuất trái vụ với các loại rau ở dưới xuôi, lại có tiếng về độ an toàn, tươi ngon, nên những năm chưa có dịch Covid-19, sản phẩm rau sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó, chủ yếu là bán về thị trường Hà Nội vào các siêu thị, nhà hàng. Đầu mối bao tiêu là chính các xã viên trong hợp tác xã đứng lên thu gom cho bà con.

Phát triển đều qua các năm, Hợp tác xã Rau bản địa Dì Thàng là mô hình nông nghiệp tiêu biểu của xã Na Hối và huyện Bắc Hà. Hợp tác xã hiện có 43 xã viên. Những năm được mùa, 5,5 ha đất màu của các xã viên cho thu trên dưới 30 tấn rau, củ, quả các loại. Có những thời điểm khan rau, nhiều gia đình thu trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày từ trồng rau, như nhà bà Vũ Thị Đông, bà Lương Thị Nhuần, ông Đặng Văn Kiên… Cũng nhờ đó, thôn hiện có 102 hộ thì chỉ còn có 12 hộ nghèo…

Đưa chúng tôi đi tham quan những vườn rau bản địa đang chuẩn bị cho thu lứa mới, Bí thư Chi bộ thôn Trần Đắc Phú hồ hởi: Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đầu ra sản phẩm có phần chững lại, nhiều gia đình giảm diện tích trồng rau. Tuy nhiên, dịch bệnh đã dần được đẩy lui. Từ đầu năm đến giờ, các đơn hàng về xuôi dày hơn. Người dân đang khôi phục lại các vườn rau…

Những điển hình kể trên là những ví dụ cụ thể trong hàng trăm tấm gương trên vùng “cao nguyên trắng” đang ngày ngày lặng lẽ có những việc làm thiết thực và bình dị trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị với cả tấm lòng hướng về Bác. Mỗi người một công việc, hoàn cảnh, nhưng họ đều có điểm chung ở mỗi hành động, việc làm luôn noi gương Bác Hồ kính yêu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356419-lam-theo-loi-bac