Làm thêm giờ: Doanh nghiệp, người lao động muốn tăng - chuyên gia lo lắng

(HQ Online)- Theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giờ làm thêm của lao động hiện ở mức 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt mới được phép là 300 giờ/năm.

Nhiều DN kiến nghị nên tăng thời gian làm thêm giờ. Ảnh: Minh Phương.

Song theo ý kiến của lãnh đạo nhiều DN, mức quy định “cứng” như vậy khiến DN gặp khó, nhiều khi không kịp sản xuất và người lao động cũng bị ảnh hưởng thu nhập do thời gian làm thêm giờ không cao

Không cho vẫn làm...

Hiện nay pháp luật lao động quy định, số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong ngày, không quá 30 giờ trong tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Quy định trên khá chi tiết, rõ ràng và khống chế thời gian làm thêm giờ, nhưng thực tế tình trạng làm thêm vượt quá số giờ nói trên là khá phổ biến tại các DN, nhất là khi có đơn hàng mang tính thời vụ cần giao gấp.

Ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thừa nhận, trong quá trình kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, hầu hết DN đều vi phạm quy định về thời giờ làm thêm. Trong 8 tháng đầu năm 2016, trong số 5 vụ đình công tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, có 1 vụ đình công nguyên nhân do công nhân bức xúc vì phải làm thêm giờ quá quy định. Lý giải nguyên nhân sai phạm trên ông Ngô Chí Hùng phân tích, thực tế cả người lao động, DN đều mong muốn có thêm thu nhập và lợi nhuận. Với những DN hoạt động ngành nghề may mặc, chế biến thủy sản làm hàng xuất khẩu thường bị động về thời gian với bên đặt hàng gia công. Vào những dịp cao điểm, DN phải tăng ca, nhưng nếu như vậy tất yếu sẽ vi phạm quy định về giờ làm thêm.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hồi trung tuần tháng 9 vừa qua nói về quy định làm thêm giờ hiện tại, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng, quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi còn chưa linh hoạt, gây nhiều khó khăn cho DN trong việc đáp ứng tiến độ sản xuất, đặc biệt là những mặt hàng có tính chất thời vụ. Bà Bùi Thị Hương- Trưởng phòng nhân sự- Công ty Yamaha Việt Nam cho rằng, khó khăn nhất của DN hiện nay là quy định làm thêm giờ của cơ quan quản lý. Trong sản xuất, có những mặt hàng mang tính chất ngắn hạn, cần gấp rút hoàn thành đơn hàng để giao cho đối tác nhưng quy định thời gian làm thêm giờ của Việt Nam chỉ dừng ở mức 300 giờ là quá thấp khiến DN không xoay xở kịp.

Không chỉ DN kiến nghị tăng thời gian làm thêm giờ mà bản thân người lao động khi được hỏi cho rằng, nếu chỉ hưởng lương trên mức tối thiểu mà Nhà nước quy định người lao động sẽ khó sống nên công nhân phải làm tăng ca. Tăng ca đồng nghĩa sẽ có thêm bữa ăn chiều tại công ty, được thêm tiền lương tăng ca, bớt thời gian sử dụng điện, nước ở nhà trọ... Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, có tới 75,5% lao động phải làm thêm giờ để tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Ủy, Kim Bảng, Hà Nam đã làm việc tại Công ty Sumi (khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam) hơn 3 năm cho biết: Nếu làm đúng giờ quy định thì thu nhập chỉ được khoảng 5 triệu đồng, do đó, để có tiền gửi về cho ông bà nuôi con, hầu hết công nhân đều tăng ca từ 3- 4 tiếng/ngày (tính ra mỗi năm số giờ làm thêm cũng khoảng gấp 2- 3 lần so với quy định- PV). Có như vậy mới thu nhập khoảng 7- 8 triệu đồng/tháng”.

Nhiều hệ lụy

Cho rằng quy định làm thêm giờ hiện còn quá khiếm tốn nên nhiều DN kiến nghị nên tăng quy định làm thêm giờ lên ít nhất 600 giờ/năm. Cùng với đó, Luật nên điều chỉnh cho phép người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận với nhau về việc làm thêm giờ trên cơ sở hài hòa lợi ích đôi bên. Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị, nên nới lỏng thời gian làm thêm đối với lao động phổ thông lên 400-500 giờ/năm, đồng thời cho phép áp dụng làm thêm giờ linh hoạt trong một số điều kiện đặc biệt.

DN đã đưa ra rất nhiều lý do để kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước tăng thời gian làm thêm giờ, bản thân người lao động cũng muốn làm nhiều để tăng thu nhập song theo nhiều chuyên gia, nếu thời gian làm thêm giờ cứ tăng dần đều đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người lao động không đảm bảo. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ, hạn chế giờ làm thêm, ngoài căn cứ vào xu hướng chung của quốc tế, các nước trong khu vực thì thể chất của người Việt cũng không đủ đáp ứng để tăng số giờ làm thêm quá nhiều.

"Bởi ngoài công việc, người lao động còn có các nhu cầu như giải trí, chăm sóc gia đình... để cân bằng cuộc sống và tái tạo sức lao động. Việc đề nghị tăng giờ làm thêm chỉ có ý nghĩa cơ học, tăng số lượng sản phẩm nhưng năng suất lao động lại giảm. Tình trạng làm việc theo tính chất dây chuyền hiện nay khiến nhiều lao động không chịu đựng nổi, dẫn đến suy kiệt sức khỏe, chưa kể khả năng dinh dưỡng cho người lao động còn đang bị hạn chế, nguy cơ tai nạn lao động rình rập", Cục trưởng Cục An toàn lao động nói.

Với đề xuất của nhiều DN, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, quy định về thời gian làm thêm không phải chuyện mới mà đã tranh cãi từ năm 1994. Và trong các lần sửa đổi luật, quy định này tiếp tục được thảo luận song tới nay chưa thống nhất. Doanh nghiệp đề xuất tăng giờ làm thêm, mặt khác người lao động cũng có nhu cầu, trong khi đó năng suất lao động ở nước ta còn thấp nên một số quy định quá cứng nhắc về giờ làm thêm làm giảm khả năng cạnh tranh của DN.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, tăng giờ làm thêm phải tính đến yếu tố sức khỏe, thể chất của người lao động. Vì vậy hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn chưa chốt phương án cuối cùng về đề xuất tăng giờ làm thêm. Song để tạo môi trường sản xuất thuận lợi cho các DN đặc biệt là DN xuất khẩu, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ xem xét quy định về thời giờ làm thêm một cách linh hoạt; song việc sửa đổi, bổ sung phải tiến hành theo hướng đảm bảo sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và chủ sử dụng lao động.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lam-them-gio-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-muon-tang-chuyen-gia-lo-lang.aspx